Ngày 12-10, tại phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.
Nguy cơ thiếu điện hiện hữu
Đoàn giám sát của UBTVQH đánh giá năng lượng Việt Nam (VN) giai đoạn 2016-2021 đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống hằng năm tăng, năm sau cao hơn năm trước. Hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định…
Tuy nhiên, tại báo cáo, đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong phát triển năng lượng VN, khiến mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức.
Theo đoàn giám sát, việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia được đánh giá dựa trên sáu chỉ tiêu. Cụ thể là tỉ số trữ lượng và sản xuất của than, dầu thô và khí được quy đổi; sự phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí đốt tự nhiên; tỉ trọng chi phí nhập khẩu trên tổng thu nhập quốc nội; đa dạng hóa nguồn nhập khẩu; đa dạng hóa cơ cấu dữ liệu để phát điện và cường độ năng lượng sơ cấp.
“Có đến 3/6 chỉ tiêu đang biến động theo chiều hướng bất lợi” - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát, cho biết.
Báo cáo của đoàn giám sát cũng chỉ rõ nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến việc phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Tài nguyên năng lượng sơ cấp VN ngày càng cạn kiệt khi thủy điện cơ bản đã khai thác hết, sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn suy giảm nhanh.
Những bất cập trong cung ứng năng lượng, nhất là việc chuẩn bị nhiên liệu sơ cấp cho cung ứng, vận hành hệ thống điện hằng năm, cùng với việc mất cân đối giữa cung và cầu năng lượng trong nước, nguồn phát điện giữa các vùng và một số dự án nguồn điện chậm vận hành (Na Dương II, Quỳnh Lập I, Cẩm Phả III; chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh, LNG Thị Vải, LNG Sơn Mỹ) hoặc dừng triển khai… dẫn tới tình trạng thiếu điện ở miền Bắc hồi đầu năm 2023.
Báo cáo dẫn lại tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) tại báo cáo công bố hồi tháng 8 cho thấy VN đã thiệt hại khoảng 1,4 tỉ USD do thiếu điện, tương đương khoảng 0,3% GDP. “Khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030-2050) là nguy cơ hiện hữu” - đoàn giám sát nhận định.
Giám sát phải chỉ ra được trách nhiệm
Hồ sơ kết quả giám sát rất đồ sộ, báo cáo đầy đủ lên tới hơn 100 trang, thêm phụ lục và các tài liệu khác tổng cộng khoảng 9.000 trang. Tuy nhiên, khi đọc tài liệu thì thấy nhiều nội dung không rõ, nhiều đánh giá mang tính “định tính”.
Chúng tôi mới đi Cần Thơ về, chuỗi khí - điện lô B - Ô Môn cả thượng nguồn, hạ nguồn, trung nguồn đều tắc giữa PVN, EVN, các bộ, các ngành. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã vào giám sát trực tiếp. Khi giám sát phải chỉ ra được trách nhiệm.
Tôi đếm trong dự thảo nghị quyết có tám dòng trên 13 trang, mà cũng nói chung chung… Tôi đề nghị phải chỉ rõ trách nhiệm, không thể chỉ có tám dòng như thế được đâu… Nói cho rõ thì mới gọi là giám sát.
Chủ tịch QH VƯƠNG ĐÌNH HUỆ
Cần định hướng chiến lược phát triển điện hạt nhân?
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nhìn nhận VN nhập khẩu điện khá nhiều. “Nếu nhập khẩu điện nhiều như thế thì kinh nghiệm quốc tế trong cơ cấu điện nhập khẩu là bao nhiêu?” - ông Thanh nói và đặt vấn đề nếu nguồn cung “có chuyện gì đó” thì an ninh năng lượng sẽ như thế nào?
Trong phát biểu của mình, ông Vũ Hồng Thanh cũng nhắc tới Nghị quyết 31/2016 của QH về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Nguy cơ thiếu điện của Việt Nam hiện hữu cả trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030-2050).
“Vừa rồi chúng ta đã bố trí gần 300 tỉ đồng để hỗ trợ cải thiện đời sống cho người dân ở hai khu vực dừng điện hạt nhân Ninh Thuận. Chúng tôi mong phải có định hướng chiến lược phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới. Cùng với điện hạt nhân, để đảm bảo an ninh năng lượng thì cơ cấu trong từng phân ngành của ngành điện, ngành năng lượng này bố trí thế nào cho phù hợp?” - ông Thanh đặt vấn đề.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá trong năng lượng điện, thủy điện cơ bản đã hết tiềm năng. “Khi quyết định tạm dừng dự án điện hạt nhân, dùng các nguồn điện khác để thay thế thì chúng ta dự báo, tính toán thế nào? Liệu các giải pháp có đảm bảo thay thế được nguồn năng lượng phục vụ phát triển không?” - ông Vinh nêu câu hỏi.
Cũng theo ông Vinh, hai lĩnh vực mới là năng lượng mặt trời và năng lượng gió đều có những vấn đề cần xem xét, tính toán kỹ. Với năng lượng mặt trời cũng sẽ phát sinh vấn đề mặt bằng, pin, ắc quy và tính ổn định của nó. Còn với năng lượng gió, nước ta thi thoảng có bão lớn…
“Vậy an toàn cho những nguồn năng lượng này được giải quyết ra sao? Để đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia thì cần có tính toán trước những vấn đề này” - ông Vinh nói và cho rằng Chính phủ trong hoạch định chính sách về đảm bảo nguồn năng lượng cần phải có những giải pháp rất rõ ràng.
“Vấn đề năng lượng là vấn đề rất cấp bách, không thể đợi được. Với điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như thế này, nhu cầu dùng năng lượng chắc chắn càng ngày càng gia tăng” - ông Vinh nói thêm.
Góp ý cho dự thảo báo cáo giám sát, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương cho rằng chúng ta nói nguy cơ thiếu điện của hai năm 2023-2024 rất lớn nhưng trong giải pháp lại không thấy có câu nào và giải pháp trọng tâm của vấn đề này là gì. “Các đồng chí hô lên một câu khẩu hiệu là kiên quyết không để thiếu năng lượng trong bất kỳ tình huống nào. Tôi thấy câu này rất hay nhưng giải pháp thì không có” - ông Phương nói.