Lâm Đồng: UBND huyện chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

(PLO)- Sau khi hoàn thành các kiến nghị của tỉnh Lâm Đồng cũng như các yêu cầu của địa phương trong việc khai thác khoáng sản, Công ty TNHH Vitrac Lâm Đồng dự kiến thực hiện ngay trong tháng 7-2024

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-7, UBND huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo kiến nghị của Công ty TNHH Vitrac Lâm Đồng.

Công ty cam kết bảo vệ môi trường

Cụ thể văn bản do Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Linh Hoạt ký giao cho Phòng Tài Nguyên và Môi trường; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phòng Kinh tế và Hạ tầng; Ủy ban nhân dân xã Đạ Oai; Ủy ban nhân dân xã Đa Tồn kiểm tra việc khơi thông, nắn chỉnh dòng chảy và thẩm định phương án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông của Công ty TNHH Vitrac Lâm Đồng.

Lâm Đồng: UBND huyện chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.jpg
Công ty TNHH Vitrac lâm Đồng được cấp phép khai thác 8 km thuộc lòng sông Đạ Huoai.

Động thái này của chính quyền huyện Đạ Huoai bắt nguồn từ kiến nghị của Công ty TNHH Vitrac Lâm Đồng khi công ty này chuẩn bị khai thác cát, sỏi theo giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Giám đốc Công ty TNHH Vitrac Lâm Đồng cho biết, mặc dù được cấp phép từ năm 2018 nhưng do nhiều nguyên nhân, đến nay công ty chưa thể thực hiện việc khai thác.

Qua kiểm tra, rà soát, công ty nhận thấy, hiện ở bãi tập kết vị trí 3, xã Đạ Tồn - nơi công ty này đặt trạm cân, camera giám sát, văn phòng container, trạm biến thế điện và các loại máy múc… đang bị sạt lở rất nghiêm trọng. Nguyên nhân được xác định là do tác động của bãi bồi cát, sỏi giữa lòng sông Đạ Huoai khiến dòng chảy bị chuyển dòng, tạo thành một dòng chảy xiết sát mép dẫn đến một bên sông bị sạt lở.

Chính vì vậy, trước khi tiến hành khai thác, công ty chủ động đào lớp cát sỏi ở bãi bồi giữa lòng sông (tại vị trí khai thác được cấp phép) để nắn lại dòng chảy. Đồng thời, tổ chức kè lại các vị trí đã và đang sạt lở bờ sông.

“Việc làm này không chỉ tạo thuận lợi trong việc khai thác, bảo vệ tài sản của công ty mà còn thực hiện theo cam kết môi trường mà công ty Vitrac đã cam kết với cơ quan chức năng cũng như người dân khi xin phép khai thác mỏ trên sông Đạ Huoai” bà Thuỷ cho biết thêm.

Cũng theo bà Thuỷ, hiện tại mặc dù chưa khai thác nhưng một số vị trí của bờ sông đã bị sạt, chỉ còn khoảng cách 1mét nữa là đến vị trí lắp đặt các tài sản. Nếu để lâu, với nguồn nước chảy mạnh như hiện tại thì sẽ gây thiệt hại về tài sản của công ty, đồng thời tạo ra nguy cơ ảnh hưởng đến diện tích đất, hoa màu và các công trình khác tại địa phương. Do đó trước khi triển khai hoạt động khai thác, công ty sẽ dùng rọ đá kè lại vị trí sạt lở.

Cùng với việc làm bờ kè, trong quá trình khai thác, công ty sẽ nạo vét những vị trí thuộc phạm vi dự án đã được cấp giấy phép để chỉnh trị dòng chảy, tránh nguy cơ sạt lở tiếp theo tại khu vực.

Người dân gần dự án đều đồng thuận

Công ty TNHH Vitrac Lâm Đồng được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép khai thác cát, sỏi khoáng sản số số 95/GP-UBND ngày 30-11-2018. Theo giấy phép, Công ty được khai thác khoáng sản cát, cuội, sỏi xây dựng bằng phương pháp lộ thiên tại lòng sông Đạ Huoai thuộc các xã: Hà Lâm, Đạ Oai, Đạ Tồn, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng.

Sau khi được cấp giấy phép, công ty đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính và triển khai đầu tư xây dựng cơ bản mỏ theo dự án đầu tư đã được phê duyệt như lắp đặt trạm cân, camera giám sát, văn phòng container, trạm biến thế điện và 2 xe múc. Công ty cũng đã hoàn thiện các thủ tục về đất đai như thực hiện thuê đất làm bãi tập kết khoáng sản (vị trí tại xã Đạ Tồn); đăng ký biến động đất đai theo quy định.

Dự kiến trong tháng 7-2024 công ty TNHH Vitrac Lâm Đồng khởi công kè rọ đá ngăn sạt lở bờ sông.jpg
Dự kiến trong tháng 7-2024 công ty TNHH Vitrac Lâm Đồng khởi công kè rọ đá ngăn sạt lở bờ sông.

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho biết, dự kiến quý I-2020 công ty sẽ đưa dự án vào hoạt động theo kế hoạch được phê duyệt. Tuy nhiên lúc đó do đại dịch COVID-19 và quá trình lắp đặt máy móc, trang thiết bị gặp ý kiến không đồng thuận của một số người dân địa phương nên việc khai thác tạm ngưng.

Trong văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho Công ty Vitrac nói trên, UBND huyện Đạ Huoai cũng chỉ đạo UBND 2 xã Đạ Oai và xã Đạ Tồn phối hợp với Công ty làm việc với các hộ gia đình, cá nhân có liên quan để thông báo triển khai dự án và cam kết bảo vệ môi trường nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng người dân không đồng thuận. Việc này Công ty và chính quyền xã đã thực hiện và có kết quả tốt.

Quá trình PV ghi nhận thực tế, bà Nguyễn Thị Châu (ngụ xã Đạ Tồn) cho biết, trước đây bà và một số người dân không biết việc Công ty Vitrac có giấy phép khai thác do cơ quan có thẩm quyền cấp nên đã phản ứng. Tuy nhiên sau đó chính quyền địa phương đã giải thích cặn kẽ việc khai thác hợp pháp của Công ty nên bà và người dân đã hiểu. “Sau khi tận mắt nhìn thấy các giấy tờ do công ty mang tới cùng cam kết bảo vệ môi trường, kè chống sạt lở nên bản thân tôi và các hộ dân hoàn toàn ủng hộ. Việc này có lợi cho địa phương, cho người dân”, bà Châu nói thêm.

Ông Đoàn Hồng Ngọc, Chủ tịch UBND xã Đạ Tồn cho biết đã tổ chức cuộc họp với sự có mặt của lãnh đạo các phòng ban, nghiệp vụ huyện Đạ Huoai, xã Đạ Tồn và người dân trong xã để lấy ý kiến. Kết quả cho thấy, đến thời điểm này hầu hết người dân đã đồng tình, cam kết không gây cản trở và tạo điều kiện để công ty hoạt động đúng pháp luật.

Tận dụng lợi thế về khoáng sản từ dòng sông Đạ Hoai

Ba huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên có lợi thế về khoáng sản vì có dòng sông Đạ Huoai chảy qua, mang lượng cát, đá trôi từ các đồi núi phía thượng nguồn về.

Từ năm 2008, công ty TNHH Vitrac Lâm Đồng được UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép thăm dò trữ lượng cát sỏi trên sông Đạ Huoai, đoạn từ địa bàn xã Đạ Oai đến xã Phước Lộc. Đến tháng 12-2018, UBND tỉnh cấp phép cho công ty khai thác cát, sỏi trong phạm vi 51 ha, kéo dài 8 km sông Đạ Huoai đoạn qua địa bàn xã Đạ Tồn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm