Làm gì để “giải ế” cho bến xe lớn nhất nước?

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng phải chuyển toàn bộ tuyến vận tải từ Bến xe Miền Đông cũ sang bến mới để phát huy hiệu quả của bến xe lớn nhất cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới có tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng, được đưa vào khai thác tháng 10-2020. Khi đưa vào vận hành, cơ quan chức năng cho 21 tuyến cố định từ Quảng Trị ra các tỉnh phía Bắc chuyển về BXMĐ mới. Sau gần hai năm hoạt động, hiện mỗi ngày BXMĐ mới chỉ tiếp nhận trung bình 47 hành khách.

Bến xe vắng khách, hãng cũng nản

Theo ghi nhận của PV, khu vực nhà chờ trong BXMĐ mới vắng không một bóng khách, chỉ có bảo vệ cùng một số nhân viên hoạt động.

Bốn giải pháp

Sở GTVT tăng cường vận tải xe buýt kết nối với BXMĐ mới. Với bốn tuyến xe buýt đã kết nối, Sở GTVT TP.HCM yêu cầu xe phải đón trả tại sảnh bến để người dân đi lại thuận tiện, cho phép xe buýt vận chuyển hàng hóa cho hành khách. Đồng thời mở thêm tuyến cho VinBus kết nối với BXMĐ mới, mở thêm tuyến buýt kết nối từ BXMĐ cũ sang BXMĐ mới.

Sở chỉ đạo thanh tra giao thông phối hợp với CSGT xử lý nghiêm tình trạng “xe dù, bến cóc” ở khu vực BXMĐ cũ đến ngã tư Bình Phước.

Yêu cầu các đơn vị nhanh chóng hoàn thiện các dự án giao thông kết nối với BXMĐ mới như metro số 1, cầu vượt BXMĐ mới, đường Hoàng Hữu Nam, A8…

Nâng cao chất lượng dịch vụ, BXMĐ mới phải tốt hơn BXMĐ cũ.

Phía dưới hầm xe rộng hàng ngàn m2 cũng chỉ có khoảng 10 xe máy, đa phần của nhân viên làm việc tại bến... Các tài xế cho biết khách thường đón tại BXMĐ cũ (quận Bình Thạnh) hoặc dọc đường, sau đó mới đến BXMĐ mới (TP Thủ Đức) làm thủ tục.

Không có khách, các quầy hàng dịch vụ cũng vắng vì không có khách để phục vụ.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Tấn Thành (tài xế chạy tuyến TP.HCM - Hà Nội) cho biết xe chạy thường xuyên giữa TP.HCM - Hà Nội và phải đón khách tại BXMĐ mới nhưng có chuyến không đón được khách nào, thường thì khách chỉ đứng ngoài cổng đợi chứ không vào trong.

“Bến xe hiện đại, lớn nhất, đi đầu cả nước song vắng khách thì rất uổng. Hiện nay việc nhập nhằng giữa BXMĐ mới và BXMĐ cũ cũng khiến hành khách khó hiểu. Theo đó, đơn vị quản lý cần sớm di dời các tuyến về một mối để người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại” - anh Thành chia sẻ.

Tương tự, tài xế Quang (chạy tuyến TP.HCM - Hà Tĩnh) cũng cho biết hành khách không mặn mà với BXMĐ mới. Thông thường chuyến xe đón được 20-25 khách và hầu hết khách đều đặt vé xe trước chứ không mua vé tại bến. Lượng khách đón tại BXMĐ mới ít hơn rất nhiều, thậm chí không có khách.

Chủ một hãng xe khách lộ trình TP.HCM - Thái Nguyên cho biết từ ngày về BXMĐ mới thường không có khách nên các hãng hay đậu ở BXMĐ cũ hoặc Bến xe Ngã Tư Ga. “Nếu vẫn duy trì chỉ chuyển một số tuyến thì BXMĐ mới sẽ không phát huy hiệu quả” - người này nói.

Bến xe miền đông mới đìu hiu, không một bóng khách. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bến xe miền đông mới đìu hiu, không một bóng khách. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Quy hoạch đúng,triển khai còn thiếu sót

Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, khẳng định việc chuyển đổi từ BXMĐ cũ sang bến mới là hoàn toàn đúng. Công tác chuyển đổi này sẽ góp phần giảm kẹt xe ở quốc lộ 13 hiện nay, đồng thời giảm quá tải ở BXMĐ cũ.

KTS Nam Sơn cho biết BXMĐ mới phục vụ cho toàn miền Đông của TP.HCM và vị trí của bến hoàn toàn phù hợp với hướng phát triển, phù hợp liên kết vùng và đảm bảo giao thông. Bến cũng kết nối với metro nên sẽ phát huy hiệu quả về vận tải.

Tuy nhiên quy hoạch đúng, song kế hoạch triển khai thì thiếu sót.

“Khi chuyển từ bến cũ qua BXMĐ mới không được nhập nhằng giữa hai bến xe này, chính sách phải dứt khoát. Cụ thể, chúng ta cần đề ra một số chính sách, một thời gian chuẩn bị để dứt khoát triển khai. Đối với những chuyến xe đã chuyển về BXMĐ mới thì hành khách chỉ được đi từ BXMĐ mới, không có chuyện xuất bến từ BXMĐ cũ” - KTS Nam Sơn nói.

Với những người đi từ BXMĐ cũ thì cần tạo điều kiện thuận lợi bằng cách làm trung tâm trung chuyển xe buýt từ đây - song không cho xuất bến từ BXMĐ cũ. Hành khách cũng có thể đến BXMĐ cũ mua vé nhằm tạo điều kiện cho người dân.

“Đây là bến xe phục vụ cho miền Đông, toàn TP.HCM chứ không phục vụ cho một nhóm người. Do đó, chúng ta cần thấy rằng dự án còn thiếu kế hoạch triển khai nhất quán và đồng bộ. Chúng ta cần tính toán chuyển toàn bộ các tuyến về BXMĐ mới, còn bến cũ có thể làm nơi trung chuyển cho người dân đi lại thuận tiện hơn” - KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

Chuyển dứt khoát các tuyến sang BXMĐ mới

Tương tự, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, cho biết nguyên nhân bến xe ế khách mà Sở GTVT đưa ra vừa có yếu tố chủ quan vừa có yếu tố khách quan. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của bến xe hiện đại bậc nhất cả nước thì Sở GTVT cần tính toán, làm ngay hệ thống chuyển tiếp giữa bến cũ và mới, tạo thuận lợi cho hành khách.

Bên cạnh đó, tình trạng “xe dù, bến cóc” tồn tại nhiều năm nay, ngành GTVT và CSGT cần có kế hoạch dẹp bỏ hiệu quả.

Ông Tính cũng cho biết đối với các dịch vụ, phục vụ ở BXMĐ mới còn trống vắng vì khách đi lại rất ít. Theo đó, cần đấu thầu, triển khai ngay các dịch vụ tốt nhất để hành khách lựa chọn về bến xe này.

“Chỉ khi nào chuyển toàn bộ các tuyến ra BXMĐ mới thì mới phát huy hiệu quả của bến vì hành khách cũng không biết tuyến nào đi từ BXMĐ cũ, tuyến nào đi từ BXMĐ mới. Đặc biệt hơn, chất lượng dịch vụ ở BXMĐ mới phải tốt hơn, hiện đại hơn BXMĐ cũ” - ông Tính nói.•

Xử lý tình trạng 21 tuyến cố định vẫn đón khách ở BXMĐ cũ

Theo ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 47 hành khách di chuyển qua BXMĐ mới, giảm 95% so với trước khi có dịch (trước đó là 706 hành khách). Việc giảm hành khách đi lại cũng là giảm chung, bao gồm cả BXMĐ mới và BXMĐ cũ. Cụ thể, năm 2022 trung bình chỉ có 9.000 hành khách di chuyển qua hai BXMĐ - giảm 70% so với những năm trước.

Ông Hưng cũng cho biết sẽ chỉ đạo thanh tra xử lý tình trạng 21 tuyến cố định từ Quảng Trị ra các tỉnh phía Bắc nhưng vẫn đón khách ở BXMĐ cũ.

Cũng theo ông Hưng, Sở GTVT còn rất nhiều dự án, công trình cần phải làm như dự án tăng cường kết nối giao thông vào metro; hoàn thiện các tuyến xe buýt gom cho metro nhằm kết hợp với metro tăng vận chuyển hành khách cho toàn tuyến và BXMĐ mới... Những việc này dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm