Đó là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra tại tại hội thảo “Nghị định 86/2014 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 21-08.
Đòi cạnh tranh công bằng
Ảnh: plo.vn
Điểm đáng chú ý nhất của dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 vẫn là cuộc chiến về điều kiện kinh doanh giữa taxi truyền thống và loại hình Grab. Vừa qua, khi Bộ GTVT trình Chính phủ dự thảo Nghị định (lần thứ 5), ngay lập tức Hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM có đơn kêu cứu lên Chính phủ đề nghị coi hoạt động của loại xe hợp đồng điện tử đang thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT là taxi và quản loại hình Grab này như taxi. Trong khi đó, các chuyên gia vẫn không đồng tình cách quản loại hình Grab như dự thảo vì chưa phù hợp với thực tế và bản chất kinh doanh.
Với những tranh cãi đó, hội thảo lần này tiếp tục “nóng”. Để hạn chế những tranh cãi nảy lửa, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng ở đây chúng ta đòi cạnh tranh công bằng, chứ không phải là đòi “siết” loại hình mới lại. Đồng nghĩa là muốn có cạnh tranh công bằng thì trước hết phải có chính sách và điều kiện kinh doanh công bằng.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM, thừa nhận không phản đối việc đưa tiến bộ khoa học vào hoạt động vận tải, cũng không chống đối loại hình Grab. Nhưng vấn đề đặt ra là Nhà nước cần tạo sự công bằng, minh bạch về mặt chính sách và điều kiện kinh doanh cho các mô hình vận tải có bản chất giống nhau theo quy định của pháp luật.
Đề xuất biển số, màu sơn riêng
Theo đó, ông Hỷ cho rằng nếu Nghị định này ra đời mà không được cải sửa về nội dung thì tình hình vận tải hành khách bằng xe 9 chỗ trở xuống có thể sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, không thể quản lý nổi và gây hậu quả rất lớn về thất thu thuế, về sự bảo đảm an toàn và quyền lợi hợp pháp của hành khách, chưa kể sẽ gây ách tắc giao thông nghiêm trọng trong các đô thị do sự phát triển tràn lan và chưa có điểm dừng.
“Thậm chí nước ta sẽ không còn xe taxi nữa vì đã tan rã - phá sản, hoặc vì các đơn vị taxi sẽ chuyển sang hoạt động như xe hợp đồng điện tử để dễ dàng “lách luật” nhằm trốn thuế và giảm được rất nhiều chi phí khác giống như Grab đang làm…”, ông Hỷ nhấn mạnh.
Người đứng đầu Hiệp hội taxi TP.HCM cũng kiến nghị cần quy định tất cả xe dưới 8 chỗ có kinh doanh vận tải hành khách ở các đô thị là taxi. Ngoài ra, đơn vị này cũng kiến nghị Bộ Công an nên quy định xe 8 chỗ trở xuống kinh doanh vận tải hành khách có biển số với màu sơn riêng hoặc ký hiệu riêng. Hiệp hội còn kiến nghị Bộ GTVT, quy định tem đăng kiểm kỹ thuật của xe 8 chỗ trở xuống có kinh doanh vận tải hành khách có màu sắc đặc trưng riêng để nhận biết và có kích cỡ lớn gấp 2 lần so với tem đăng kiểm của các xe thông thường không kinh doanh chở khách.
Cần sự tương đồng về mặt chính sách
Có chung kiến nghị, Th.S Trương Đình Quý, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. HCM cho rằng rõ ràng về mặt bản chất kinh doanh, taxi truyền thống và loại hình Grab đều là taxi. Tuy nhiên, Bộ GTVT lại chia ra thành dịch vụ taxi và xe hợp đồng điện tử để từ đó áp đặt các điều kiện kinh doanh khác nhau, tạo ra sự bất công trong kinh doanh là điều khó hiểu.
Theo ông Quý, taxi truyền thống và loại hình Grab cùng kinh doanh trên một thị trường, phục vụ cùng một đối tượng khách hàng, cung cấp một dịch vụ như nhau, nhưng xe taxi phải chịu 13 điều kiện kinh doanh khắt khe (như cấm đường, phù hiệu, quản lý giá cước, kiểm định đồng hồ, bảo hiểm, giờ chạy xe tối đa, niên hạn xe...) còn xe hợp đồng điện tử thì không.
“Riêng việc lách được quy định cấm đường đã khiến nhiều hành khách bỏ taxi sang gọi xe Grab. Các lợi thế chi phí ví dụ như thuế VAT đối với taxi 10% trong khi Grab bằng không càng giúp cho loại hình xe này phát triển nhanh chóng, trong khi các doanh nghiệp taxi chuyên nghiệp rơi vào khủng hoảng...”, ông Quý nhấn mạnh.
Theo đó Nghị định 86 sửa đổi theo ông Quý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự sống còn của cả một ngành vận tải taxi, đến cả cộng đồng doanh nghiệp vận tải taxi trong nước và cuộc sống của hàng trăm ngàn người lao động.
Tóm lại, các Hiệp hội đều kiến nghị nên đưa loại hình xe hợp đồng điện tử nhập vào taxi (taxi điện tử) để có sự tương đồng về mặt chính sách, tạo cơ hội cho sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, chấm dứt mọi nguyên nhân dẫn đến xung đột.