Cùng vấn đề, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) dẫn chứng theo điều tra, lượng vàng tồn trong dân lên tới 500 tấn và 10 tỉ USD. Thế nhưng nếu như không có chính sách tạo niềm tin cho người dân gửi vàng và ngoại tệ thì NH sẽ không thu hút được tiền để phát triển kinh tế.
“Đây là vốn chết dân cất giữ, vừa không an toàn vừa không có lợi cho phát triển kinh tế-xã hội. Vậy xin hỏi Thống đốc có giải pháp gì để huy động số vốn này trong dân để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đầu tư vào hạ tầng phát triển đất nước?” - đại biểu Nhường đặt câu hỏi và nhận định mức trần chi trả bảo hiểm tiền gửi (khi các tổ chức tín dụng phá sản) hiện nay là 75 triệu đồng sẽ không đảm bảo được quyền lợi của người dân có tiền gửi NH.
Trả lời câu hỏi trên, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho hay: “Giải pháp căn cơ nhất là phải ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin của người dân vào nền kinh tế, vào giá trị của tiền đồng. Từ đó họ không trực tiếp trữ vàng và ngoại tệ nữa mà sử dụng tiền đồng để trực tiếp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, chứng khoán…”.
Ông Hưng cũng cho hay vừa qua Việt Nam đã thành công đối với ổn định thị trường vàng. Trước đây Việt Nam mất rất nhiều ngoại tệ mua vàng thì giờ đã tốn ít hơn. Thực tế này cho thấy “đã chuyển được một phần vàng trong dân vào phát triển kinh tế… Hệ thống NH cũng đã mua được lượng lớn ngoại tệ từ dân, để từ đó người dân chuyển tiền đồng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh” - ông Hưng nói.
Liên quan đến bảo hiểm tiền gửi, ông Hưng khẳng định: “Trong bất cứ trường hợp nào thì mục tiêu đầu tiên là phải đảm bảo an ninh kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống NH, giữ được lòng tin của người gửi tiền và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Vì thế, việc chọn bất cứ giải pháp nào thì mục tiêu đó phải được đảm bảo”.