Làm gì khi kẻ trộm vào nhà?

Gần đây có nhiều vụ trộm lẻn vào bị phát hiện thì quay ra hành hung, thậm chí là dùng hung khí đánh chết chủ nhà để cướp tài sản và tẩu thoát. Trong khi lại có nhiều vụ chủ nhà đánh kẻ trộm để bảo vệ tài sản và tính mạng thì lại bị xử lý về tội giết người hoặc cố ý gây thương tích. Vậy quy định của pháp luật hiện đã ổn và chủ nhà cần làm gì để không bị rơi vào một trong hai khả năng trên?

Phân loại hành vi để kết tội

Luật sư (LS) Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng đối với hành vi trộm cắp tài sản có sử dụng hung khí hành hung chủ nhà thì quy định chưa đủ sức răn đe. Chẳng hạn, dùng thủ đoạn nguy hiểm, hành hung để tẩu thoát... thì cũng chỉ chịu mức phạt 2-7 năm tù (khoản 2 Điều 173 BLHS 2015). Trong khi nhiều vụ, trộm thường hành hung chủ nhà bằng hung khí nguy hiểm như dao, búa, tuýp sắt... dẫn tới chủ nhà bị thương tích nặng, thậm chí tử vong.

Cho nên chỉ xử tội trộm cắp khi kẻ trộm lén lút trộm tài sản đơn thuần, không mang theo hung khí và khi bị phát hiện thì chỉ có hành vi tẩu thoát mà không đánh trả để tẩu thoát. Nếu kẻ trộm mang theo hung khí, tấn công hoặc hành hung chủ nhà khi bị phát hiện hoặc cả khi chưa bị phát hiện (như đang ngủ, đang làm việc) thì phải truy cứu về tội cướp tài sản. Bởi mức hình phạt ở tội này sẽ là 7-15 năm tù và mức cao nhất đến chung thân. Còn nếu kẻ trộm tấn công chủ nhà gây thương tích hoặc gây chết người thì đồng thời phải bị truy cứu thêm tội cố ý gây thương tích hoặc giết người.

“Nhiều người vì chống trả kẻ trộm thì lại vướng vòng lao lý, bị kết tội cố ý gây thương tích, giết người hoặc bắt giam, giữ người trái pháp luật. Tôi cho rằng xử lý như vậy là nặng, tạo tâm lý tức tối cho chủ nhà vì họ nghĩ rằng mình chưa được pháp luật đối xử công bằng” - LS Nghĩa nói. Theo LS, không ai phân biệt được kẻ trộm nào hiền hay liều lĩnh. Cho nên cần xem xét chỉ xử lý hành chính hoặc án treo nếu gây ra thương tích cho kẻ trộm và chỉ áp dụng hình phạt tù cao nhất là năm năm tù nếu gây ra cái chết cho kẻ trộm.

LS Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa) dẫn chứng vụ việc xảy ra tại Bến Tre, hai cha con chủ tiệm tạp hóa vì “neo” kẻ trộm bị khởi tố tội bắt giữ người trái pháp luật, người cha vì uất ức đã treo cổ tự vẫn. Nhưng thời điểm xét xử vụ án trên còn áp dụng BLHS 1999 khi ranh giới giữa trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự và phải chịu trách nhiệm hình sự là mong manh.

Điều 24 BLHS 2015 quy định người dân được loại trừ trách nhiệm hình sự khi tham gia bắt kẻ phạm tội quả tang, kẻ bị truy nã. Theo đó, hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.

Thực tiễn mỗi vụ việc có hoàn cảnh, tình huống khác nhau nên hiểu và áp dụng quy định thế nào cũng chưa rõ ràng. Vì thế cần phải có văn bản hướng dẫn để áp dụng thống nhất. nếu cơ quan tố tụng áp dụng điều luật trên theo hướng bảo vệ tối đa quyền con người thì người dân sẽ thật sự an tâm tự bảo vệ tài sản của mình và tích cực phòng, chống tội phạm.

Hiện trường vụ trộm tại nhà ông Đặng Văn Trường ở Hưng Yên.

Bị cáo Lê Minh Phương bị phạt chín năm tù vì chém kẻ trộm trong đêm. Ảnh: TUYẾN PHAN

Phải tự định lượng vì ranh giới mong manh

Theo TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM), với chủ nhà cần hiểu pháp luật cho phép được làm gì và không được làm gì để hành xử đúng. Theo đó, mọi cá nhân đều có quyền bắt giữ kẻ trộm cắp tài sản (có thể là tội phạm). Vấn đề là khi dùng vũ lực để bắt giữ (kể cả trong trường hợp dùng công cụ, phương tiện) thì phải trong giới hạn là đủ để bắt giữ kẻ trộm thì mới hợp pháp (khoản 1 Điều 24 BLHS). Ngược lại, việc dùng vũ lực quá mức cần thiết như đã bắt giữ, khống chế được kẻ trộm mà còn tiếp tục đánh để hả cơn tức giận (tức gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết) thì chủ nhà phải chịu trách nhiệm hình sự (khoản 2 Điều 24 BLHS).

Nếu kẻ trộm dùng vũ lực tấn công chủ nhà hoặc những người đuổi bắt thì họ được quyền phòng vệ và việc phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm (khoản 1 Điều 22 BLHS). nếu việc dùng vũ lực để chống trả quá mức cần thiết để loại trừ hành vi tấn công thì có thể bị coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và phải chịu trách nhiệm hình sự (khoản 2 Điều 22 BLHS).

Như vậy, theo TS Tuấn, pháp luật không cấm người bị trộm, người tham gia đuổi bắt kẻ trộm dùng vũ lực để bắt kẻ trộm cắp hoặc loại trừ hành vi tấn công của kẻ trộm. Việc có sử dụng vũ lực để thực quyền (chứ không phải nghĩa vụ) bắt giữ người thực hiện hành vi phạm pháp, quyền phòng vệ chính đáng của mình hay không là mỗi cá nhân trong hoàn cảnh cụ thể phải tự quyết định phù hợp với ý chí và năng lực của mình. Vì thế, những hướng dẫn về xử lý tình huống khi nhà có trộm cắp của cơ quan công an là rất cần thiết cho người dân.

Một số vụ trộm đánh chủ nhà, chủ nhà đánh trộm

- Khoảng 21 giờ ngày 5-11, Đoàn Hữu Khơi (17 tuổi, trú cùng khu phố) lẻn vào nhà nạn nhân là bà Nguyễn Thị Tân (66 tuổi, trú tại phố Hòa Bình, thôn Cao Xá, thị trấn Trần Cao, Hưng Yên) để trộm. Bị bà Tân phát hiện và hô hoán, hung thủ đã dùng dao đâm nhiều nhát khiến bà Tân tử vong. Nghe tiếng tri hô, ông Bùi Ngọc Đắc (hàng xóm) chạy đến nhưng cũng bị Tân dùng dao đâm bị thương.

- Ngày 17-8, Đinh Công Tráng (41 tuổi) lẻn vào nhà vợ chồng anh Đặng Văn Trường ở khu phố Nam Tiến, phường Hồng Châu, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Bị anh Trường phát hiện nên Tráng đã ra tay sát hại vợ chồng anh. Ngoài ra, Tráng còn dính líu đến một vụ trộm khác chỉ trước đó vài ngày nên đã bị khởi tố về hai hành vi giết người và trộm cắp tài sản.

- Ngày 17-7, Nguyễn Thanh T. lợi dụng buổi trưa vắng vẻ đã đột nhập vườn nhà của anh Khổng Tiến Cường ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội để trộm cắp. Anh Cường phát hiện, truy đuổi, trong lúc xô xát chủ nhà đã dùng dao chém và đâm vào ngực khiến T. tử vong. Người đâm kẻ trộm sau đó đã đến công an huyện đầu thú.

- Ngày 1-11, TAND TP Hà Nội xử sơ thẩm, tuyên phạt Lê Minh Phương (trú Bắc Từ Liêm) chín năm tù về tội giết người. Theo đó, đêm 23-11-2017, cháu T. (15 tuổi) đột nhập vào tiệm tạp hóa nhà Phương để trộm đồ. Phát hiện, Phương đã lấy thanh kiếm chém vào đầu và tay, cháu T. bỏ chạy nhưng bị cáo vẫn tiếp tục đuổi theo và chém nhiều nhát khiếu cháu T. bị tỉ lệ thương tích hơn 90%.

S.NGUYỄN tổng hợp

Đừng sống theo kiểu "đèn nhà ai nhà nấy rạng"

Trộm đột nhập thường là trộm chuyên nghiệp, hoạt động theo nhóm, có sẵn công cụ, phương tiện. Trước khi trộm, chúng sẽ nghiên cứu, theo dõi, lên kế hoạch, nắm thói quen ra vào để quyết định ra tay vào thời điểm nào.

Ngoài việc khóa cửa nẻo cẩn thận, lắp camera, báo động, đi họp tổ dân phố đầy đủ để cập nhật thông tin cảnh báo… thì cần có mối quan hệ tốt với hàng xóm. Người xưa có câu “bán anh em xa mua láng giềng gần” vì họ là những người sống gần mình nhất và có thể hỗ trợ ngay nếu gia đình mình không may xảy ra chuyện. Công an khi nhận tin báo cũng phải mất thời gian di chuyển đến, không thể phản ứng nhanh bằng hàng xóm.

Bản chất của trộm là lén lút nên biết có trộm bên ngoài đang phá khóa, cạy cửa thì chủ nhà có thể đánh động bằng cách mở đèn sáng, mở tivi, nói chuyện lớn… để trộm bỏ đi. Nếu trộm đã đột nhập vào nhà thì phải bình tĩnh để bảo vệ mình, người thân và nghĩ phương pháp đối phó. Có nên la không, tìm chỗ ẩn nấp ở đâu, gọi điện thoại cho công an như thế nào cũng phải xem tương quan lực lượng…

Nhiều đối tượng rất manh động, mục đích ban đầu chỉ là trộm nhưng khi bị phát hiện thì sẵn sàng chống trả để tẩu thoát. Bởi vậy, nếu trộm đã vào nhà, đừng vội la lớn mà nên tìm chỗ nấp an toàn và báo động cho người khác biết để hỗ trợ.

Trung tá LÊ MINH LÊ, Đội trưởng Đội Tổng hợp, 
Công an quận 3, TP.HCM

Năm cách phòng trộm “viếng” nhà

Trộm có thể đột nhập vào nhà bằng nhiều cách: cửa chính, cửa sổ, lúc chủ nhà đi vắng hoặc ngủ say. Để phòng trộm, thứ nhất phải trang bị khóa chắc chắn, làm cửa sổ có chắn song, khi ra ngoài phải khóa từ bên trong. Thứ hai, các gia đình nên có camera, chuông báo động. Nếu có việc đi xa, cũng có thể quan sát camera từ điện thoại để phát hiện sự cố, báo động.

Thứ ba, phải có số điện thoại của công an khu vực, công an phường, số khẩn cấp của công an quận nơi mình cư trú và phổ biến cho các thành viên trong gia đình biết. Có thể dán nó ở những vị trí bắt mắt, yêu cầu mỗi người phải học thuộc để được hỗ trợ kịp thời. Thứ tư, nên quan hệ tốt với hàng xóm để khi có chuyện, họ hỗ trợ và khi đi vắng gửi họ trông nhà. Thứ năm, đi đâu xa, các thành viên trong gia đình đừng khoe lên Facebook, các trang mạng xã hội. Như vậy chẳng khác nào lời mời gọi trộm ghé nhà.

Một lãnh đạo Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận 1, TP.HCM

NGUYỄN TRÀ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm