Ngày 1-11, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử bị cáo Lê Minh Phương (51 tuổi, trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về hành vi chém trọng thương kẻ trộm bằng kiếm, gây thương tích 90%. Bị cáo Phương đã bị HĐXX tuyên phạt chín năm tù về tội giết người.
Nội dung vụ án như sau: Khoảng 0 giờ ngày 23-11-2017, cháu NĐT (16 tuổi) đột nhập vào cửa hàng tạp hóa của gia đình Lê Minh Phương để tìm đồ ăn và trộm cắp tài sản. Lúc này, vợ chồng bị cáo đang ngủ trên gác. Phát hiện tiếng động bất thường, vợ bị cáo ngó xuống phía dưới và phát hiện cháu T. đang lục lọi đồ đạc nên đánh thức chồng dậy.
Ngay sau đó bị cáo đi xuống tầng một, lấy thanh kiếm rồi nấp vào chỗ kín quan sát. Cùng thời điểm, cháu T. vừa ăn bánh mì vừa tiến về chỗ chủ nhà.
Chờ T. tiến lại gần, Lê Minh Phương xông tới dùng kiếm chém liên tiếp hai nhát vào đầu và tay đối phương. Bị chém, T. vụt chạy ra phía cửa và cầu xin chủ nhà đừng đánh nữa. Nhận ra T. ở gần nhà mình nên Lê Minh Phương không đánh nữa và cất hung khí đi. Vợ bị cáo thấy nạn nhân bị chảy nhiều máu nên gọi xe cấp cứu đưa tới bệnh viện, đồng thời trình báo cơ quan công an.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định mặc dù bị hại trong vụ án không mất mạng nhưng tổng tỉ lệ tổn hại sức khỏe tương ứng với nhiều vết thương lên đến hơn 90%.
Vụ án này ngay từ thời điểm xảy ra và khi khởi tố bị can đã có rất nhiều ý kiến tranh cãi về hành vi chém trộm trong đêm của Phương là giết người hay phòng vệ chính đáng. Theo đó, với hành vi đột nhập vào nhà của bị hại, việc bị cáo phòng vệ là cần thiết và chính đáng để bảo đảm sự an toàn cho bản thân và gia đình. Đặt tình huống nửa đêm bất ngờ có bóng đen xuất hiện, chủ nhà có quyền lập tức phòng vệ chứ không cần phải đợi kẻ gian có hành vi tấn công. Việc đánh phủ đầu là được phép vì hành vi đột nhập vào chỗ ở trong đêm ẩn chứa những nguy cơ lớn về khả năng xảy ra án mạng.
Bên cạnh đó, việc bị cáo dùng kiếm chém loạn xạ trong bóng tối khi chưa bật đèn dẫn đến hậu quả gây thương tích cho bị hại có dấu hiệu phòng vệ chứ không phạm tội. Hoặc trong trường hợp hành động vượt quá mức cần thiết, căn cứ yếu tố hậu quả có thể xử lý về tội giết người (hoặc cố ý gây thương tích) do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng…
Bị cáo Lê Minh Phương bị phạt 9 năm tù về tội giết người. Ảnh: Tuyến Phan
Trộm vào nhà biết nó có manh động hay không
Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng trộm đột nhập vào nhà là cực kỳ nguy hiểm, không thể đợi trộm ra tay họa sát cả nhà rồi chủ nhà mới được ra tay. Đã có nhiều vụ án thương tâm do trộm gây ra cho chủ nhà nên không thể không “xử lý” trộm được.
Bạn DƯƠNG QUANG ĐÔNG bức xúc: “Thật vô lý với án xử kẻ trộm đột nhập vào nhà. Bao nhiêu vụ trộm cắp gây hậu quả nghiêm trọng, đã có nhiều người chết xảy ra. Khi trộm đột nhập vào nhà cực kỳ nguy hiểm, việc chủ nhà phải quyết liệt là điều đúng đắn, không thể khác được bất kể ai cũng vậy”.
Bạn HÀ ANH TUẤN cũng không đồng tình với mức án tòa tuyên đối với bị cáo Phương, bạn băn khoăn: “Trộm vào nhà thì làm sao mà biết là nó có muốn giết cả nhà mình hay không, đợi nó chém chết người nhà rồi mới dám đánh nó chắc. Bảo sao lâu lâu lại có vụ giết cả gia đình. Trộm bây giờ còn được bảo vệ hơn cả gia chủ nữa. Quá thất vọng với tội danh mà bị cáo phải chịu”.
“Với tất cả sự tôn trọng pháp luật, nếu có trường hợp đột nhập vào gia đình ăn trộm cắp mà bị phát hiện, trong khi trong nhà còn có vợ con, tôi cũng phải đánh, phải cho nó nằm xuống trước đã, để bảo vệ gia đinh. Trường hợp ẩn nấp và báo công an thì cũng là phương án hay, nhưng sao biết được mà nấp khi con một phòng, vợ một phòng, còn không biết nó có manh động hay không. Sinh mạng con người là cao quý, nhưng trộm cũng có bản năng sinh tồn, bản năng đó rất nguy hiểm khi bị phát hiện, vì vậy rất khó xử trong trường hợp này” - bạn TRẦN TRUNG HIỆU bình luận.
“Xảy ra vào lúc 12 giờ đêm thì làm sao mà thấy rõ được thằng ăn trộm là ai, bao nhiêu tuổi, chỉ biết là có thằng trộm nó vào nhà, cần phải hành động để bảo vệ tính mạng của mình và gia đình trước. Nếu không nó mang theo dao, theo súng đi trộm hoặc nó vào nhà để giết người nhưng tranh thủ lúc đói bụng ăn miếng bánh xong tìm cả nhà để giết thì sao? Truy tố tội giết người là không phù hợp tẹo nào” - bạn NGUYỄN NAM viết.
Làm gì cũng nên nghĩ đến tình người
Tuy nhiên, lại cũng có ý kiến cho rằng mức án tòa tuyên là hoàn toàn hợp lý, tương xứng với hành vi bị cáo đã gây ra, đã chém làm nạn nhân bị thương tích đến 90%. Hơn nữa, trừ các trường hợp thù hận sâu sắc, chứ kẻ trộm vào nhà thì chỉ muốn lấy cắp tài sản là chính nên không cần quá bạo lực; làm gì cũng nên có tình người một chút.
“Cầm dao mà chém người đến 90% thương tích (giờ thì sống không bằng chết) thì cũng không bênh nổi chủ nhà trong vụ này rồi. Muốn pháp luật nghiêm minh thì phải xử thế thôi, chứ nếu không xử thế thì lại bảo tòa không ngay tình ngay hà” - bạn GIANG HUONG đồng tình với mức án tòa tuyên phạt bị cáo. Ý kiến này nhận được khá nhiều like đồng quan điểm.
“Tôi nêu ra ý kiến này khác với nhiều bạn, tôi sẵn sàng nhận ném đá. Sinh mạng con người là cao nhất, quý nhất dù đó là kẻ trộm, ấy là chưa kể kẻ trộm là thiếu niên. Tội ăn trộm đã đáng tội tử hình chưa mà đoạt mạng người ta? Khi anh cầm thanh kiếm, anh có thừa nhận thức biết là thanh kiếm là vũ khí giết người. Anh thấy kẻ trộm đang ăn (do đói), anh nấp và hành xử như thế... Thật là hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ, có tính tàn bạo. Giả sử kẻ trộm đó bị giết chết, tôi tin chắc rằng người chủ nhà sẽ trở thành kẻ giết người và ông ta sẽ ân hận cả đời. Mọi người ơi, cho dù trong cơn nóng giận, hãy nghĩ tới luật nhân quả khi làm một hành động gì đó tương đương với sự tấn công người khác!” bạn HOANG THỊ YẾN BÌNH bày tỏ quan điểm của mình.
Đồng tình, bạn ĐÀO NGUYÊN NHUNG bình luận: “Tôi thấy ý kiến của Yến Bình rất đúng. Nhìn thấy tội phạm đang ăn bánh mì thì cũng phải nghĩ là nó đói, mà lại là thanh thiếu niên ít tuổi thì có đánh cũng đừng dã man quá vậy. Mà sao ông ta lại được tàng trữ kiếm trong nhà, như vậy đoạt mạng con người ta dễ như trở bàn tay. Làm người cũng nên nghĩ đến tình người chứ!!!”.
Có thể mượn chia sẻ của bạn THUAN NGUYEN để thay cho lời kết bài này. Bạn NGUYEN kể lại một câu chuyện của chính bản thân và chia sẻ cách xử lý của bạn khi bắt gặp kẻ trộm vào nhà, cách hành xử của bạn khá nhân văn: “Gặp các tình huống thế này thật khó xử, dù sao đi nữa thì gia chủ cầm kiếm sắc nhọn đâm chém cố sát như vậy là sai hoàn toàn, nên dùng gậy khống chế hoặc bắt trói được là tốt nhất, nếu không có khả năng như vậy thì nên la to hoặc nói lớn hoặc làm bất cứ cách gì với mục đích báo động cho tên trộm biết để hắn tự rút lui chứ không cần chém giết. Trừ các trường hợp thù hận sâu sắc, chứ kẻ trộm vào nhà thì chỉ muốn lấy cắp tài sản thôi chứ không có ý định giết ai đâu nên không cần quá bạo lực.
Lúc trước tôi ở phòng trọ, buổi trưa đang ngủ thì có một đứa thiếu niên khoảng 16-17 lẻn vào phòng trộm đồ, khi tôi giật mình thức giấc thì thấy nó đang cầm điện thoại của mình, tôi liền tóm cổ nó định cho một trận nên thân nên hình, nhưng thấy nó ốm yếu như đứa trẻ bán vé số nên dừng lại không đánh, tôi cũng định báo chủ nhà trọ nhưng làm thế lùm xùm không hay, cuối cùng tôi nói "thôi đi ra ngoài đi, lần sau đừng làm thế nữa", sau đó tên trộm vặt lặng lẽ rời đi và sau này cũng chẳng thấy nó lần nào nữa”.
Trước đây cũng đã từng có một vụ án chủ nhà bị khởi tố vì tự ý xử lý kẻ trộm là anh Nguyễn Văn Trình (ở ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre). Anh Trình cùng cha là ông Nguyễn Văn Tập giữa khuya bắt quả tang một người trộm tiền trong tiệm tạp hóa nhà mình. Anh đã nhiều lần gọi báo cho trưởng ấp nhưng trưởng ấp không nghe máy. Do đêm khuya không có phà, ghe đưa tên trộm lên xã nên anh Trình “neo” người này tại nhà mình. Kết luận cơ quan điều tra thể hiện quá trình bắt trộm anh Trình có trói và đánh tên trộm vài cái, dùng dây vắt qua cây kéo tên trộm lên xuống vài cái để tra hỏi tên gì, con ai, ở đâu. Đến khi tên trộm khai rõ con ai thì anh Trình ngưng, không đánh nữa. Đến 4 giờ 40 sáng, trưởng ấp mới nghe điện thoại và cùng công an ấp đến nhà anh giải quyết.
|