Như Pháp Luật TP.HCM thông tin, ngày 1-11, TAND TP Hà Nội đã xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lê Minh Phương (51 tuổi) chín năm tù về tội giết người.
Theo đó, do không được cha cho ăn cơm nên khuya tháng 11-2017, cháu NĐT đột nhập vào cửa hàng tạp hóa của gia đình Lê Minh Phương để tìm đồ ăn và trộm cắp tài sản. Phát hiện cháu T. đang lục lọi đồ đạc nên Phương được vợ đánh thức dậy.
Phương lấy thanh kiếm rồi nấp vào chỗ kín quan sát. Cùng thời điểm, cháu T. vừa ăn bánh mì vừa tiến về chỗ chủ nhà. Chờ cháu T. tiến lại gần, bị cáo Phương xông tới dùng kiếm chém liên tiếp hai nhát vào đầu và tay. Bị chém, cháu T. vụt chạy ra phía cửa và cầu xin chủ nhà đừng đánh nữa. Hậu quả cháu T. bị thương tật hơn 90%.
Hành vi giết người
Luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) phân tích: Hành vi của chủ nhà hết sức nguy hiểm, đã dùng kiếm (hung khí nguy hiểm) chém liên tiếp hai nhát vào tay và đầu (đây là vùng nguy hiểm, xung yếu nhất của con người). Chủ nhà khi dùng kiếm chém như vậy phải nhận thức hành vi của mình có thể đe dọa đến tính mạng cháu T. Dù cháu T. không chết nhưng tổn hại sức khỏe lên đến hơn 90%. Do đó hành vi của bị cáo chủ nhà Lê Minh Phương có dấu hiệu cấu thành tội giết người trong trường hợp phạm tội chưa đạt.
Báo chí nêu cháu T. đang ăn trộm (đang ăn bánh mì), tay không có hung khí, chưa gây nguy hiểm gì cho chủ nhà. Vậy nên không thể xác định hành vi của chủ nhà dùng kiếm đâm cháu T. hai nhát thuộc trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Giả sử kẻ trộm chống cự mà chủ nhà phòng vệ không tương ứng cũng có thể dẫn đến vi phạm pháp luật.
TS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng cần phải xác định được chủ nhà dùng kiếm chém cháu T. bị thương khi đang ở tình huống nào?
Trường hợp nếu chủ nhà đang bị tấn công thì bất kể là ai cũng có quyền tự phòng vệ. Bởi pháp luật có quy định: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết.
Cũng cần lưu ý, khi người tấn công đã chấm dứt hẳn hành vi mà nếu tiếp tục sử dụng quyền phòng vệ thì ngay lập tức chuyển từ phòng vệ chính đáng sang vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Tùy theo hậu quả xảy ra, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi hành vi tấn công chưa xảy ra nhưng đã có những biểu hiện đe dọa sự tấn công thì pháp luật vẫn cho phép được quyền phòng vệ chính đáng. Nếu chưa có những biểu hiện đe dọa sự tấn công ngay tức khắc mà đã phòng vệ thì đó là trường hợp phòng vệ quá sớm và cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, cháu T. chưa có “những biểu hiện đe dọa sự tấn công ngay tức khắc” và chủ nhà đang ở thế chủ động phòng vệ quá sớm và quá mức cần thiết. Do đó chủ nhà bị kết tội giết người là phù hợp và đúng với quy định của pháp luật.
Luật sư Lê Trung Phát (Giám đốc Công ty luật TNHH Luật sư Riêng) bổ sung: Trong vụ án này, rõ ràng cách hành xử của chủ nhà là chưa đúng với quy định của pháp luật. Để bảo vệ tài sản của mình, ông ta có nhiều cách để lựa chọn: Có thể gọi điện thoại cho lực lượng công an để bao vây, bật điện sáng lên để kẻ trộm biết mình đã bị phát hiện và bỏ chạy, đánh động để kẻ trộm biết đã bị phát hiện để tẩu thoát...
Việc chủ nhà chủ động cầm kiếm, có thời gian quan sát thấy rõ nạn nhân còn nhỏ, không có hung khí trong tay, mà ông ấy lại chém vào tay, vào đầu nạn nhân là đã đi quá giới hạn của những tình huống mà luật định cho phép. Do đó bị cáo Phương bị TAND TP Hà Nội kết án về tội giết người là có cơ sở.
Cần phải làm gì khi phát hiện có trộm?
Theo luật sư-TS Nguyễn Thị Kim Vinh (Đoàn Luật sư TP.HCM, nguyên thẩm phán TAND Tối cao), khi phát hiện có kẻ lạ đột nhập vào nhà, điều quan trọng nhất là cần phải giữ bình tĩnh. Sau đó tùy tình huống mà có cách ứng phó khác nhau chẳng hạn như im lặng, tìm nơi trú ẩn an toàn để quan sát kẻ đột nhập. Nếu chủ nhà và kẻ trộm đã phát hiện ra nhau thì cần giữ khoảng cách an toàn, phải tìm cách tự vệ cho mình, trước khi tính đến việc bảo đảm an toàn cho người thân.
Nếu nhà neo người, không có đàn ông, cần phải bình tĩnh, kín đáo quan sát đặc điểm nhận dạng, hành động của kẻ đột nhập, tùy vào trường hợp cụ thể mà có thể bất ngờ bật điện, hô hoán thật to để kẻ đột nhập hoảng sợ tháo chạy. Nếu kẻ đột nhập hoảng sợ thoát chạy, cứ để cho hắn chạy thoát rồi mới hô hoán nhờ người thân trợ giúp, không nên la hét hoảng loạn hoặc đuổi theo sẽ rất nguy hiểm.
Để tránh vướng vào vòng lao lý, nếu bắt được kẻ trộm, tuyệt đối không nên đánh đập hay giam giữ mà hãy trình báo cho cơ quan chức năng về vụ việc sớm nhất có thể.
(PLO)- Dùng kiếm chém một thiếu niên đột nhập vào nhà trộm cắp tài sản, bị cáo 51 tuổi tại Hà Nội bị đưa ra xét xử về tội giết người.