'Người trói kẻ trộm' lãnh 6 tháng cải tạo không giam giữ

Trước đó, phiên tòa phúc thẩm TAND tỉnh Bến Tre ngày 9-12, đã bị hoãn lại vì HĐXX cho rằng sự vắng mặt của bị hại (có đơn xin vắng mặt) có ảnh hưởng đến nội dung kháng cáo của bị cáo nên hoãn phiên tòa để triệu tập bị hại cùng cha mẹ bị hại. 

Sau đó, TAND tỉnh đã có quyết định xét xử lưu động vụ án này tại TAND huyện Chợ Lách.

Anh Trình trước phiên tòa sáng nay 

 Mẹ anh Trình lo lắng trước giờ xét xử

'Người trói kẻ trộm' lãnh 6 tháng cải tạo không giam giữ ảnh 3
 

'Người trói kẻ trộm' lãnh 6 tháng cải tạo không giam giữ ảnh 4
Quang cảnh phiên tòa 

Trước đó, Pháp Luật TP.HCM thông tin anh Nguyễn Văn Trình ngụ xã Vĩnh Bình, Chợ Lách cùng cha là ông Nguyễn Văn Tập giữa khuya bắt quả tang một người trộm tiền trong tiệm tạp hóa nhà mình. Anh đã nhiều lần gọi báo cho trưởng ấp nhưng trưởng ấp không nghe máy. Do đêm khuya không có phà, ghe đưa tên trộm lên xã nên anh Trình “neo” người này tại nhà mình.

Kết luận cơ quan điều tra thể hiện quá trình bắt trộm anh Trình có trói và đánh tên trộm vài cái, dùng dây vắt qua cây kéo tên trộm lên xuống vài cái để tra hỏi tên gì, con ai, ở đâu. Đến khi tên trộm khai rõ con ai thì anh Trình ngưng, không đánh nữa. Đến 4 giờ 40 sáng trưởng ấp mới nghe điện thoại và cùng công an ấp đến nhà anh giải quyết.

Sau khi anh Trình bị khởi tố tội bắt giữ người trái pháp luật, cha anh cũng bị xem là đồng phạm, quá trình điều tra ông đã uất ức treo cổ tự vẫn.

Xử sơ thẩm ngày 10-9, dù khẳng định việc bắt người phạm tội quả tang là đúng, TAND huyện Chợ Lách (Bến Tre) vẫn tuyên phạt bị cáo Trình sáu tháng cải tạo không giam giữ về tội giữ người trái pháp luật nên anh Trình kháng cáo vì cho rằng mình vô tội.

9h00. Sau phần công bố cáo trạng, HĐXX bước vào phần thẩm vấn.

Phần xét hỏi, tòa hỏi bị cáo có ý kiến với bản án sơ thẩm không, bị cáo Trình nói mình vô tội. Tòa hỏi khi gặp K. bị cáo làm gì, bị cáo nói bị cáo đè cổ K. và đánh nhẹ mấy cái rồi ôm lại, sau đó đưa K. ra ngoài quán. Sau đó, bị cáo kêu cha là ông Tập đi lấy dây dù dùng để ràng đồ để ở nhà, ông Tập là người trói hai tay K. lại, sau đó ông Tập tiếp tục trói K. vào gốc cây rồi kéo lên kéo xuống mấy cái.

"Bị cáo chỉ có hỏi K. là mày con ai, còn việc trói hai tay và trói K. vào gốc cây, kéo lên kéo xuống là cha bị cáo thực hiện chứ không phải bị cáo", bị cáo Trình nói.

Cũng theo bị cáo, khi ông Luyến trưởng ấp Phú Bình đến thì K. vẫn còn bị trói vì sợ K. bỏ chạy.

Khi ông Hải là công an đến dẫn K. về đến trụ sở ấp rồi mới cởi trói cho K. Bị cáo cũng nói thời điểm xảy ra vụ việc chỉ thấy thấp thoáng một số người đi tập thể dục chứ không nhìn rõ là ai, sau này khi làm việc với công an mới biết là ai.

Tòa: Bị cáo giữ bị hại bao lâu? 

Bị cáo: khoảng 10 phút.

Tòa: Thời gian 10 phút vậy đủ để làm kịp không?

Bị cáo: Được. Lúc đó bị cáo chỉ lo bắt trộm, chỉ nhớ khoảng 10 phút thôi chứ lúc đó đâu có đi lấy đồng hồ ra coi đâu mà biết chính xác mấy giờ. Lúc đó có điện số khuyến mãi cho ông Luyến 2,3 lần nhưng không được. sau đó bị cáo nhớ lại có số chính của ông Luyến nên gọi số này. Bị cáo không biết số của mấy anh công an nên không thể goi. Điện cho ông Luyến lần sau ông Luyến đến liền.

Tòa: Sao lúc gọi số khuyến mãi không được bị cáo không nghĩ đến gọi số chính mà đợi lúc sau mới gọi?

Bị cáo: Lúc đó bắt trộm rối nghĩ số nào gọi số đó thôi chứ sao nhớ nổi

Tòa: Sao bắt xong lại trói đánh, kéo lên cây?

Bị cáo: Bắt trộm mà không trói nó trốn đi mất sao. Còn đánh là do K. không biết bao nhiêu tuổi nhưng lớn con, trong tiệm bị cáo có bán tạp hóa như dao kéo, lúc đó K. lại vùng vẫy, quơ tay quơ chân dữ quá nên mới khống chế K. lại. Còn việc K. bị kéo lên kéo xuống là cha bị cáo làm. Bản thân bị cáo bắt trộm quả tang nên không có tội. Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo tội giữ người trái pháp luật, nhưng bị cáo có lên mạng xem và thấy pháp luật hiện tại quy định bắt trộm phải giao ngay, bị cáo bắt xong chỉ trói khoảng 10 phút rồi giao ngay là đúng.

Tòa: Công an có ép cung không?

Bị cáo: Mấy anh công an có nói khai đại đi, mấy ảnh nói thời gian bao lâu thì tôi khai vậy thôi.

Tòa: Yêu cầu bị cáo hôm nay thế nào? 

Bị cáo: Bị cáo yêu cầu hủy án sơ thẩm, điều tra lại vì bị cáo vô tội.

10h20.Tòa mời ông B thẩm vấn, cha của K (người bị bắt trói, hôm nay K vắng mặt).

Tòa: Ông biết về vụ này thế nào?. 

Ông B: Lúc đó tôi không có nhà, vợ tôi chứng kiến nên tôi chỉ nghe lại thôi, nên diễn biến vụ việc tôi không nắm rõ.

10h30. Tòa mời nhân chứng thẩm vấn. Nhân chứng thì có người thấy, người không. Tại phiên tòa, nhiều người dân địa phương quá trình chạy thể dục buổi sáng cũng tham gia làm nhân chứng.

Bà Lan (người làm chứng): Lúc đó tôi thấy chú Trình nắm sợi dây kéo lên kéo xuống. 

Bà Linh (nhân chứng): Chú Trình nắm kéo lên kéo xuống bị hại K. la quá trời, ông Tập không có kéo. 

Bà Phe (nhân chứng): Lúc tôi lại thấy cậu Trình đang cầm tay của K. chứ đâu có trói gì đâu. 

Ông Đém (nhân chứng): Lúc đó chỉ thấy K. bị trói tay, chân để dưới đất chứ không có treo lên cây, còn Trình thì đứng gần K. giữ K. lại, xong tôi về ngay không thấy gì thêm.

11h00. Đại diện VKS và luật sư tham gia thẩm vấn

VKS: Sao ở gần nhà trưởng ấp mà không đi báo?

Bị cáo: Nếu chạy đi rồi ai giữ tên trộm, bị cáo có gọi ông Luyến nhưng không được.

Luật sư báo chữa cho bị cáo cho rằng cần làm rõ cụ thể thời gian bắt trộm vì các nhân chứng khai không thống nhất nhau. Quá trình điều tra cơ quan điều tra cũng không cho tiến hành đối chất giữa bị cáo, bị hại với người làm chứng.

11h30. Quan điểm VKS: Chứng cứ không có gì khác biệt so với phiên tòa sơ thẩm. Tòa sơ thẩm xử bị cáo tội giữ người trái phap luật là đúng người đúng tội. Kháng cáo của bị cáo yêu cầu hủy án sơ thẩm điều tra bổ sung là không có cơ sở xem xét. Ngoài ra, kháng cáo kêu oan của bị cáo cũng không có cơ sở xem xét. VKS đề nghị y án sơ thẩm, tuyên bị cáo 6 tháng cải tạo không giam giữ về tội giữ người trái pháp luật.

Luật sư: Án sơ thẩm vi phạm tố tụng. Thứ nhất là không lập biên bản ghi nhận sự việc ngay, bị trói như thế nào, tư thế gì, dây gì. Đằng này lấy dây khác thay thế là không đúng. Thứ 2, có sự mâu thuẫn về thời gian. Bản án, cáo trạng đều nêu 2 giờ 30 nghe tiếng chó sủa, nghe tiếng chó sủa thôi chứ chưa phải thời gian bắt trộm. Còn bị hại khai 3 giờ 10 đi khỏi nhà.... Nhân chứng là bà Phe khai đi từ nhà lúc 3 giờ, từ nhà cháu bà đến hiện trường cách 3,4 cây số, bản thân bà lớn tuổi, khi đến đó khoảng 4 giờ thì thấy bị cáo chưa trói mà chỉ giữ tay bị hại phía sau. Vậy có căn cứ thấy rằng thời gian bắt giữ trộm là từ 4 giờ đến 4 giờ 30 phút. Các nhân chứng với bị cáo và bị hại đã không được cho đối chất để làm rõ thời gian. Ngoài ra, hiện nay luật chưa hướng dẫn khi bắt trộm phải giải ngay, nhưng “ngay” là trong bao lâu? Luật cũng không quy định rõ dân phải biết nhà cán bộ, trụ sở ấp lực lượng dân phòng chỉ trực lễ tết, hôm đó cũng không ai trực. Hiện trường cách UBND xã hàng chục cây số nên bị cáo cũng không thể dẫn giải đến.

VKS: Cơ quan điều tra đã kết luận không mâu thuẫn nên không cần đối chất. Phần tranh luận của Luật sư đối với các vấn đề nêu trên đã được trả lời tại tòa sơ thẩm nên tại tòa hôm nay không có cơ sở xem xét.

Luật sư: 4 giờ bà Phe tới thấy chưa trói, đi khoảng 10 phút gặp các nhân chứng khác, 4 giờ 20 phút các nhân chứng này thấy có trói, đến 4 giờ 37 phút đã gọi điện báo. Thời gian giữ người vậy có vi phạm pháp luật không?

12h10. HĐXX đang nghị án.

13h00. HĐXX vào tuyên án. Tòa nhận định, xét kháng cáo, dù bị cáo không thừa nhận hành vi, nhưng lời khai tại cơ quan điều tra phù hợp với tình tiết vụ án. Bị cáo đã cố ý giữ bị hại để đánh trói, tra hỏi. Hành vi của bị cáo là trái quy định pháp luật. Kháng cáo của bị cáo là không có cơ sở, cần giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo 6 tháng cải tạo không giam giữ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm