Hiện nay, trên thị trường buôn bán tràn lan nhiều loại rượu tự nấu, tự pha chế, không nhãn mác, không qua kiểm định. Chính vì những loại rượu không rõ nguồn gốc mà xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Hiện nay nhiều nơi buôn bán rượu không nhãn mác, không qua kiểm định. Điều này dẫn đến nguy cơ ngộ độc rượu. Ảnh: Nguyên Võ
Một số triệu chứng của người bị ngộ độc rượu là không điều khiển được hành vi, nôn ói, rối loạn nhịp tim,…người bị ngộ độc có thể thở chậm hoặc thở rất nhanh, da xanh, hạ thân nhiệt hoặc có thể bị hôn mê.
Theo TS.BS. Lê Quốc Hùng, trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, bệnh viện Chợ Rẫy, khi nghi ngờ người dùng bị ngộ độc rượu không nên để người ngộ độc nằm một mình, đặt người có người bị ngộ độc đầu nằm cao, nằm nghiêng qua một bên. Sau đó ủ ấm, không được gây nôn ói trừ trường hợp bệnh nhân tự nôn ói vì lúc đó người ngộ độc rượu mất đi phản xạ nên có thể gây sặc. Nên tránh thực hiện những truyền miệng trong dân gian như bôi vôi ở lòng bàn chân, móc họng cho bệnh nhân ói trong lúc hôn mê, cạo gió,…những việc này sẽ gây những tác hại cho sau này. Trường hợp người bị ngộ độc thật sự bất tỉnh nên đưa đến cơ sở y tế trong thời gian gần nhất. Ngoài ra, chúng ta không nên dựa vào số lượng rượu mà người dùng uống là bao nhiêu để đánh giá có ngộ độc rượu hay không mà chúng ta nên dựa vào tình trạng bệnh nhân để đánh giá.