Làm một biển quảng cáo ngoài trời còn khó hơn xây một nhà máy

(PLO)- Đại diện Hiệp hội quảng cáo TP Hà Nội cho hay đầu tư làm một biển quảng cáo ngoài trời còn khó hơn xây dựng một nhà máy vì nhiều thủ tục và vướng mắc...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam


Ngày 11-4, Báo Người Lao động phối hợp với Hiệp hội quảng cáo TP Hà Nội tổ chức tọa đàm "Giải pháp phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời”. Toạ đàm nhằm góp ý nội dung cho dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi, dự kiến sẽ được xin ý kiến Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2024.

Các ý kiến cho rằng hoạt động quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo ngoài trời hiện nay còn nhiều tồn tại, bất cập, vướng mắc từ hành lang pháp lý cho đến quá trình tổ chức thực hiện. Điều này trở thành rào cản cho sự phát triển của ngành, khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, cơ quan quản lý nhà nước lúng túng, ngân sách thất thu

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo TP Hà Nội cho biết hiện nay, nhiều vị trí ở Hà Nội rất đắc địa để quảng cáo, nhưng cũng có những nơi "mời doanh nghiệp đầu tư vào quảng cáo rất khó" vì vị trí không đẹp, không hiệu quả.

quang-cao-ngoai-troi.jpg
Tọa đàm "Giải pháp phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời” diễn ra ngày 11-4 (Ảnh: TP)

“Để xin làm một bảng quảng cáo ngoài trời, doanh nghiệp phải làm rất nhiều thủ tục, đầu tư cũng rất lớn. Có thể nói làm một bảng quảng cáo ngoài trời còn khó hơn xây dựng một nhà máy" - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, hiện nay nhiều địa phương không ký cấp phép cho xây dựng các biển quảng cáo ngoài trời, nên quy hoạch bảng, biển quảng cáo thành "quy hoạch treo". Theo đó, ông Tuấn đề nghị cần có hành lang pháp để cụ thể hoá các tiêu chuẩn, quy định cho lĩnh vực này để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Phát biểu tại toạ đàm, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho hay Hà Nội nhìn nhận quảng cáo, trong đó có quảng cáo ngoài trời là một bộ phận cấu thành của công nghiệp văn hoá. Do vậy quảng cáo ngoài trời, quảng cáo tấm lớn cần được quy hoạch lại để tránh tình trạng phát triển manh mún, mất mỹ quan đô thị.

“Hoạt động quảng cáo, nhất là quảng cáo ngoài trời phải hướng đến mục tiêu là một trong những mũi nhọn của công nghiệp văn hoá. Chúng ta cần mời các kiến trúc sư vào, để mỗi công trình quảng cáo như một công trình kiến trúc có giá trị, trở thành ngôn ngữ quảng cáo đặc trưng của từng đô thị, thành phố", ông Hồng bày tỏ.

Còn bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), cho biết, với vai trò là quản lý nhà nước và là tổ biên tập sửa đổi Luật Quảng cáo, Cục sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp.

“Luật Quảng cáo sẽ tác động tới nhiều đối tượng, do vậy chính sách được xây dựng sẽ cân đối để không thể vì quyền lợi của cơ quan quản lý mà "bóp chặt" và không phải vì doanh nghiệp mà buông hết", bà Hương nói.

Bà Hương cũng thông tin Luật Quảng cáo sửa đổi sẽ được xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024, dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 5-2025.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần thiết phải tổ chức nhiều buổi tọa đàm để lắng nghe nhiều ý kiến góp ý xây dựng Luật Quảng cáo mới đảm bảo chất lượng nhất.

Có như vậy luật ra đời mới phát huy được hiệu lực, hiệu quả, giúp hoạt động quảng cáo theo kịp xu hướng thế giới, đồng thời giải quyết được những bức xúc, bất cập đang tồn tại trong thời gian vừa qua.

Ông Sơn cho hay sắp tới, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội sẽ có một đợt giám sát thực hiện Luật Quảng cáo.

"Chúng tôi rất trân trọng những ý kiến đóng góp ngày hôm nay. Những ý kiến trong tọa đàm rất quan trọng đối với đợt giám sát này bởi từ đó, những bất cập trong quá trình triển khai luật sẽ được tiếp nhận và xử lý", ông Sơn nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm