Hơn 9 triệu người thi, đại học vẫn không có sinh viên
Mặc dù Trung Quốc có một “đội quân khủng” đeo đuổi con đường đại học, nước này vẫn phải đối mặt với nạn “lạm phát” trường đại học sau mấy thập kỷ bùng nổ hệ thống trường đại học.
Số lượng học sinh tham gia kỳ thi Gaokao đã giảm trong 5 năm liền kể từ năm 2009. Năm 2008, số sĩ tử lên đến đỉnh điểm là 10,5 triệu.
Sắp có hơn 9 triệu thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học "Gaokao" tại Trung Quốc (Ảnh minh họa)
Theo một báo cáo về tuyển sinh đại học ở Trung Quốc năm 2015 đăng trên China Education online, năm 2014 lượng thí sinh tham gia kỳ thi Gaokao có dấu hiệu ngưng suy giảm, tuy nhiên vẫn không cứu vãn nổi các trường đại học trước nạn “lạm phát”: trường thì nhiều, thi thì đông, mà sinh viên thì chẳng có.
Khó mà tuyển đủ chỉ tiêu
Các trường đại học trên khắp Trung Quốc đang đối mặt với những khó khăn để đáp ứng được chỉ tiêu tuyển sinh trong những năm gần đây.
Như ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, việc theo đuổi con đường đại học quá khốc liệt. Năm 2014, tất cả trường đại học cao đẳng tỉnh này bị “hụt” 70.000 sinh viên, chiếm 11,36% chỉ tiêu toàn tỉnh. Tình trạng “trường thì nhiều - sinh viên chẳng bao nhiêu” đã tồn tại tồn tại suốt 3 năm ở Hà Nam.
Tình trạng này xảy ra tương tự như với Bắc Kinh, nơi được đánh giá là có các trường đại học danh giá nhất ở Trung Quốc. Chỉ tiêu học sinh ở Bắc Kinh tham gia kỳ thi Gaokao bị cắt xuống 52,200 sinh viên trong năm 2014, giảm 30% so với chỉ tiêu 76,700 sinh viên trong năm 2008.
Tuy nhiên, việc cắt giảm chỉ tiêu như vậy cũng không “lấp” được tình trạng vắng học sinh trong quá trình tuyển sinh đại học.
Thống kế cho thấy các trường đại học, cao đẳng hạng nhì ở Bắc Kinh từ năm 2010 còn thê thảm hơn khi không tuyển đủ chỉ tiêu trong suốt 4 năm liên tiếp.
Trường đại học “cái gì cũng dạy”
Kỳ thi Gaokao luôn là nổi ám ảnh của học sinh Trung Quốc (Ảnh minh họa)
Theo học đại học không đảm bảo được một việc làm tốt sau khi tốt nghiệp. Năm nay, gần 7,5 triệu sinh viên “sống sót” qua kỳ thi Gaokao cách đây 4 năm vẫn loay hoay tìm việc làm trước một thị trường lao động đang khắc nghiệt hơn bao giờ hết.
Các nhà phê bình cho hay một lượng lớn trường đại học Trung Quốc đang “chạy đua” để mở rộng quy mô trường học bằng cách mở rộng thêm nhiều ngành học trong cùng mộ trường. Tuy nhiên, nền giáo dục “đa ngành” khiến sinh viên mới ra trường có cơ hội việc làm khó hơn.
“Khủng hoảng trong tuyển sinh, trong vấn đề tìm kiếm việc làm quả thực là khủng hoảng của chất lượng nền giáo dục” – ông Chen Zhiwen, tổng biên tập của trang điện tử China Education online cảnh báo.
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, các trường đại học ở Trung Quốc đã bổ sung 1.681 chuyên ngành năm 2014, hầu hết trong số các chuyên ngành đó đều bị chồng chéo với các chuyên ngành khác.
Chẳng hạnh như ngành kỹ sư mạng có thể xem là ngành phổ biến nhất tại các trường. Có 54 trường đại học, cao đẳng Trung Quốc đã bổ sung chuyên ngành này và ngành “góp mặt” ở tổng cộng 250 trường cao đẳng – đại học.
Mở ra chuyên ngành đại trà và không quản lý đã gây nên sự quá tải cho phân khúc thị trường lao động. Hệ lụy là sinh viên tốt nghiệp hóa thành thất nghiệp, còn thí sinh thì không muốn thi vào ngành đó nữa. Thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy sinh viên đại học chuyên ngành Tiếng Anh và Khoa học &Công nghệ Máy tính khó tìm việc làm hơn do mỗi chuyên ngành có tới 100.000 sinh viên ra trường vào năm 2013.
Đổ xô đi du học
Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp mặt du học sinh Trung Quốc tại Mỹ (Ảnh: Telegraph)
Đặt nặng vấn đề vào các kỳ thi tuyển và khó có cơ hội vào được các trường hàng đầu ở Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng nhiều phụ huynh, đặc biệt là các gia đình giàu có tìm kiếm các lựa chọn thay thế khác.
Hiện xu hướng sinh viên Trung Quốc nộp đơn vào các trường đại học ở nước ngoài ngày càng tăng. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, trong số một triệu học sinh đủ điều kiện tham gia kỳ thi Gaokao năm 2010 nhưng quyết định không thi. Hết 1/5 tổng số học sinh đó đã quyết định đi du học.
Theo thống kê từ Mỹ, số học sinh phổ thông ở Trung Quốc theo học đại học tại Mỹ lên đến 110.550 người trong thời gian 2013-2014, tăng gần 50% so với thời gian 2010-2011.
Nền giáo dục của Trung Quốc cứ thế đang bị đẩy vào tình cảnh. Trường đại học và cao đẳng tại Trung Quốc vì thế cũng đang dần đối mặt với câu hỏi hóc búa: “Làm sao để sống sót?”