Làm phố đi bộ Lê Lợi ở TP.HCM: Cần thể hiện sự khác biệt

(PLO)- Các sở, ngành, chuyên gia đều ủng hộ việc thực hiện phố đi bộ Lê Lợi ở TP.HCM, song cần tính toán về sự hài hòa trong thiết kế để mang lại hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi gỡ bỏ rào chắn để phục vụ thi công tuyến metro số 1, hàng loạt rào chắn trên đường Lê Lợi (quận 1, TP.HCM) đã được trả lại không gian thoáng mát, sự sầm uất và nhộn nhịp vốn có. Cũng dịp này, UBND quận 1 đã kiến nghị UBND TP nghiên cứu xây dựng phố đi bộ Lê Lợi nhằm tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Cần nghiên cứu kỹ về thiết kế

Theo kiến nghị của UBND quận 1, phố đi bộ Lê Lợi sẽ được bố trí kinh doanh theo mô hình phố đi bộ ở London (Anh). Mô hình này được Công ty CP Ngôi Sao Biển Sài Gòn nghiên cứu.

Sở GTVT TP.HCM cho rằng đường Lê Lợi sau khi được trả mặt bằng sẽ thực hiện tương tự như đường Nguyễn Huệ (cho xe lưu thông hai bên và đi bộ vị trí tim đường). Còn đối với việc thiết kế, Sở GTVT cho rằng Sở QH-KT cần chủ trì xem xét thiết kế tổng quan tuyến đường Lê Lợi và khu vòng xoay trước chợ Bến Thành.

Sở Du lịch TP.HCM cho biết sở cũng thống nhất phương án đầu tư phố đi bộ Lê Lợi. Bởi đây được coi như sản phẩm tạo ra sức hút cho khách du lịch, kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ - chợ Bến Thành, kéo dài thời gian lưu trú cho khách du lịch khi đến với TP. Tuy nhiên, khi thực hiện thì cần chú ý nghiên cứu kỹ về thiết kế, thể hiện sự khác biệt.

Cụ thể, Sở Du lịch cho rằng về gian hàng thì cần thiết kế và trang trí thành hình ảnh một điểm đến nào đó của TP. Các gian hàng cũng chỉ nên bố trí một bên, bên còn lại là không gian sinh hoạt cho du khách.

Đặc biệt, Sở Du lịch cũng góp ý cần chú ý đến các hoạt động giải trí, nơi biểu diễn, giao lưu các hội nhóm. Trong đó, cần có chương trình biểu diễn định kỳ, tôn vinh giá trị văn hóa của TP. Đồng thời, cần xem xét kết nối các điểm vui chơi, giải trí xung quanh hiện hữu.

Về mặt điểm nhấn, Sở Du lịch nhận định cần nghiên cứu việc thu phí khách lên đỉnh hoa sen (ý tưởng) để tham quan, check in và đây sẽ là điểm nhấn của tuyến này.

UBND quận 1 đã kiến nghị UBND TP.hcm nghiên cứu xây dựng phố đi bộ Lê Lợi nhằm tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch. Ảnh: Đ.TRANG

UBND quận 1 đã kiến nghị UBND TP.hcm nghiên cứu xây dựng phố đi bộ Lê Lợi nhằm tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch. Ảnh: Đ.TRANG

Chú trọng tới các điểm nổi bật, giải trí

Phòng Văn hóa và thông tin quận 1 cho biết khi xây dựng phố đi bộ cần chú ý đến không gian phù hợp với đa đối tượng, đa độ tuổi. Nếu xây dựng phố đi bộ thành ba phân khu chuyển biến từ hoài cổ đến hiện đại thì cũng cần tính toán cho phù hợp, logic.

Đặc biệt, phòng này cho biết TP.HCM hiện đang quá tải về các bãi giữ xe. Theo đó, cần gắn với quy hoạch bãi giữ xe cụ thể ở khu vực này, nếu không sẽ xuất hiện hàng loạt bãi xe không phép.

Phòng Văn hóa và Thông tin quận 1 cũng yêu cầu các đơn vị cần xem xét, nghiên cứu phương án tổng thể với vòng xoay Quách Thị Trang, phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, Công viên Mê Linh, bến Bạch Đằng...

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS khoa học Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho biết các con đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Hàm Nghi là một không gian, tam giác quan trọng ở khu trung tâm TP. Theo đó, khi làm phố đi bộ Lê Lợi cần tính toán tổng thể, tạo điểm nhấn với những ưu điểm và cần khắc phục khuyết điểm của những tuyến hiện hữu. “Khi làm tuyến Lê Lợi cần có nhiều điểm khác biệt với tuyến Nguyễn Huệ, nhằm tạo sự thu hút du khách” - ông Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Sơn, vấn đề bãi giữ xe là rất quan trọng với một phố đi bộ bởi nhiều tuyến phố chưa hề chú trọng đến vấn đề này. “Chúng ta có thể sử dụng bãi giữ xe ngay phía dưới phố đi bộ Nguyễn Huệ nhằm tạo hiệu quả về mặt không gian. Tương tự, Công viên 23-9 cũng có thể làm phố đi bộ. TP cũng có thể tổ chức một tuyến xe điện chạy vòng từ Lê Lợi - Hàm Nghi để hành khách lựa chọn tham quan quanh TP” - ông Sơn góp ý.

TP cần tính toán việc trồng lại cây xanh ở khu vực này, đặc biệt là đường Lê Lợi để tạo không gian, bóng mát cho người dân. “Không gian đường Lê Lợi khá đặc biệt vì một thời gian dài bị đứng bởi metro. Do đó, cần có sự đổi mới chứ không nên buôn bán như hiện nay. Chúng ta có thể tính toán đến việc cho xe chạy để tạo sự kết nối, liên thông giữa các khu vực nhưng không được đậu xe” - ông Sơn nhận định.

Ông Sơn cũng cho rằng các công trình hai bên đường cần tạo các mái che liên tục, kết hợp với kiến trúc hài hòa dành cho khách bộ hành. Song song đó, cần xử lý các trang thiết bị như đèn đường, bảng hướng dẫn và đặc biệt là giải pháp nhà vệ sinh công cộng như cách làm của Paris (Pháp) hiện nay.

Cuối cùng, TP cần tính toán đến xây dựng không gian đi bộ ngầm từ chợ Bến Thành - bùng binh Cây Liễu bởi chúng rất gần nhau, lại có nhiều điểm thu hút. Theo đó, cần chú ý xây dựng đi ngầm dưới hầm metro cũng là một điểm nhấn thực sự hấp dẫn cho du khách, nếu không làm sẽ rất uổng phí.•

Còn nhiều vấn đề cần làm rõ

Phòng Kinh tế quận 1 cho biết đơn vị thống nhất với việc đầu tư phố đi bộ Lê Lợi bởi đây là sản phẩm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế đêm. Tuy nhiên, khi nghiên cứu phải có báo cáo tổng thể để có sự thống nhất về quy hoạch chung của các sở, ngành.

Bên cạnh đó, khi xây dựng các phân khu từ hoài cổ - du lịch - hiện đại phải có thêm nhiều ý tưởng. Các xe bán hàng ở phố đi bộ sẽ di chuyển về đâu sau thời gian hoạt động.

Đường Lê Lợi nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐT

Đường Lê Lợi nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐT

Đơn vị nghiên cứu cũng cần phải làm rõ hơn về phương án xây dựng nhà vệ sinh, bãi giữ xe bởi hiện nay đã quá tải. Về phương án đầu tư cũng cần làm rõ nguồn vốn huy động, lợi nhuận và đóng góp những gì cho xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm