Đơn tố cáo đòi hàng, sau lại đòi tiền
Theo cáo trạng, ngày 27-7-2012, Công ty cổ phần Tuna Fish Bình Định do ông Đỗ Tấn Vinh (chồng bà Sâm) làm giám đốc giao nguyên liệu cá ngừ cho công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vinh Sâm (trụ sở Phú Yên) do bà Trịnh Thị Ngọc Sâm để thuê Công ty cổ phần và đóng gói Thủy Hải Sản (gọi tắt công ty USPC, có trụ sở Bình Dương) gia công. Hợp đồng gia công nhưng chưa ký chính thức.
Sau khi gia công xong với số lượng hơn 11 tấn thành phẩm, bà Nguyễn Thị Minh Trang (Phó tổng giám đốc công ty USPC) xuất khẩu lô hàng, bên ủy thác là công ty Tuna Fish Bình Định. Tuy nhiên việc ủy thác chưa thống nhất nên bà Sâm đã yêu cầu trả lại hàng. Khi biết bà Trang xuất bán cho khách hàng Mỹ, bà Sâm nộp đơn lên cơ quan công an. Lúc này bà Trang báo cho bà Sâm biết sẽ triệu hồi hàng về trả lại và yêu cầu thanh toán các chi phí.
Qua điều tra, công an xác định công ty USPC khai sai về nguồn gốc lô hàng cá ngừ nhằm trốn thuế 470 triệu đồng. Còn riêng lô hàng hơn 11 tấn cá ngừ nhập từ Singapore, bà Trang nói với bà Sâm đây là hàng công ty yêu cầu nhận lại nhưng phải thanh toán hơn 3 tỷ đồng.
Bà Trang (phải) trao đổi với Luật sư bảo vệ quyền lợi của mình tại tòa. Ảnh: VH.
Tại phần xét hỏi, HĐXX hỏi về số hàng cá ngừ giao cho công ty USPC là của công ty Vinh Sâm hay công ty công ty Tuna Fish Bình Định? Bà Sâm cho biết, vì hai công ty đều là của gia đình nên cá ngừ do bà bỏ tiền ra nhưng công ty Tuna Fish Bình Định mới thành lập nên muốn công ty này đứng ra xuất khẩu để lấy kim ngạch.
“Phát hiện lô hàng cá ngừ đã xuất đi rồi sao không yêu cầu lấy hàng về mà đòi trả tiền?”, tòa lại hỏi tiếp,. “Tôi không đồng ý nhận lại hàng về lý do một số khách biết về lô hàng này rồi thì sẽ không bán được và hàng đã xuất đi rồi thì thanh toán tiền cho tôi. Theo chủ quan của tôi thì lô hàng triệu hồi không phải là lô hàng đã xuất đi nên không nhận”.
Tòa hỏi tiếp: “Trong đơn tố cáo, bà tố cáo với tư cách là cá nhân hay là đại diện theo pháp luật của công ty Vinh Sâm?”. “Tôi đại diện theo pháp luật của công ty Vinh Sâm”, bà Sâm nói.
“Vậy tại sao đơn tố cáo lại ghi với tư cách cá nhân? và trong đơn tố cáo cơ quan công an thị xã Thuận An, bà ghi rõ: yêu cầu đơn yêu cầu trả gấp số hàng này cho tôi?”. “Lâu quá tôi không nhớ”, bà Sâm nói.
Tại tòa, bà Sâm cũng khẳng định chưa bao giờ nhìn thấy lô hàng cá ngừ mà công ty USPC triệu hồi về.
Luôn kêu oan cho cấp phó
“Tại sao ông lại gửi rất nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng Việt Nam?”, chủ tọa hỏi.
“Vì tôi khẳng định cấp phó là bà Trang 100% vô tội”, Ông Byron Scott Me Laughlin, Tổng giám đốc công ty USPC trả lời.
Ông Byron cho biết, chính công ty ký hợp đồng gia công cá ngừ với công ty Tuna Fish Bình Định do ông Đỗ Tấn Vinh ký tên. Sau đó công ty USPC thông báo cho công ty Tuna Fish Bình Định lấy hàng nhưng họ không có động thái.
HĐXX hỏi tiếp: “Công ty ông có ký hết hợp đồng gia công, họ không lấy hàng, ảnh hưởng kinh doanh sao ko kiện ra tòa?”.
“Họ nói với chúng tôi đang cần người mua số hàng và chờ đợi họ. Họ có nhờ chúng tôi xuất khẩu cá ngừ ra nước ngoài. Sau đó ông Vinh có ký ủy thác, có dấu công ty chuyển qua fax”, ông Byron trả lời.
Đại diện VKSND hỏi ông Byron “Theo cơ quan điều tra công an tỉnh Bình Dương, tàu chở hàng không qua cảng Singapore mà đi thẳng đến Mỹ?”, “Điều đó là sai sự thật”, ông Byron trả lời.
“Tại sao lúc đầu triệu hồi hàng về công ty USPC xin miễn thuế nhưng sau đó lại yêu cầu phía công ty Vinh Sâm trả khoản tiền thuế?”, VKS hỏi.
“Vì lúc đó phía Hải quan yêu cầu chúng tôi phải đóng thuế. Chúng tôi không muốn những điều bất lợi cho mình”, ông Byron giải thích.
Còn về đại diện hãng tàu APL (vận chuyển), khẳng định lô hàng của USPC phải ghé qua cảng tại Singapore để trung chuyển sang tàu lớn sang Mỹ. Nếu sang cảng Singapore mà khách muốn triệu hồi về thì hãng tàu sẽ làm theo yêu cầu của khách.
Luật sư đại diện công ty USPC hỏi: “Hiện có xác nhận nào xác định khi lô hàng sang đến khách Mỹ vẫn còn nguyên siu và có xác định được lô hàng quay về có phải lô hàng xuất hay không?”. “Đến nay chưa có xác nhận nào về vấn đề này”, đại diện hãng tàu khẳng định .
“Ngày 28-3-2013, đại diện hãng tàu APL có văn bản trả lời cơ quan điều tra công an Bình Dương về vụ án. Vậy APL lấy căn cứ nào để tàu trả lời cho công an Bình Dương”, luật sư hỏi tiếp. Đại diện hãng tàu cho biết ‘Hiện tại chưa có văn bản nào”.
Chiều nay tòa tiếp tục diễn ra phần xét hỏi bị cáo Trang