Làm rõ thông tin 'lập đàn cầu mưa' và khi nào TP.HCM có mưa

(PLO)- Ông Lê Minh Hoàng cho biết: "Tôi đã cầu mưa cho các tỉnh toàn quốc đã mấy mươi năm nay. Thường tôi đến nơi bị hạn hán xin gặp chính quyền và người dân nơi đó và cầu xin làm mưa. Sau khi cầu xin thì có mưa".

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội lan truyền văn bản có chữ ký của TS Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và khoa học - công nghệ (CTCS), gửi Chi cục Thủy lợi TP.HCM giới thiệu ông Lê Minh Hoàng người có khả năng cầu mưa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia khí tượng, việc lập đàn cầu mưa là hoàn toàn không có căn cứ.

Lập đàn cầu mưa là không có căn cứ

Văn bản gửi Chi cục Thủy lợi ngày 2-4 mà TS Nguyễn Hoàng Điệp ký tên có nội dung về việc giới thiệu ông Lê Minh Hoàng (57 tuổi, cư ngụ TP Hà Nội) người có khả năng cầu mưa nhưng chưa được kiểm chứng.

Làm rõ thông tin 'lập đàn cầu mưa' và khi nào TP.HCM có mưa?
Văn bản gửi Chi cục Thủy lợi về việc cầu mưa.

"Sau 2 lần gặp gỡ trực tiếp tôi, anh Hoàng có nhờ cơ quan (CTCS) giới thiệu anh với các tỉnh phía Nam đang bị hạn hán khô cằn nặng và anh nói có khả năng cầu mưa có hiệu quả. Song thực tế vấn đề này chúng tôi chưa được kiểm chứng nhưng rất xót xa dằn vặt về việc nạn hạn hán thất bát mùa màng của một số tỉnh phía Nam nên tôi giới thiệu với Quý Cục về anh Lê Minh Hoàng.

Nếu quả thực anh Minh Hoàng có khả năng kỳ diệu ấy thì đất nước ta gặp phúc và các tỉnh phía Nam đang gặp hạn được cứu hạn. Song một lần nữa chúng tôi xin nhấn mạnh anh Lê Minh Hoàng có khả năng cầu mưa được hay không là chúng tôi chưa khẳng định và phủ định"- văn bản nêu rõ.

Trao đổi với PV PLO ông Nguyễn Hoàng Điệp xác nhận là có ký văn bản để giới thiệu trường hợp ông Lê Minh Hoàng, tuy nhiên ông cho rằng ông vẫn chưa kiểm chứng được khả năng của ông Hoàng có thật hay không.

"Tôi khẳng định là tôi chưa kiểm chứng được năng lực thật sự của anh Hoàng. Tuy nhiên, qua hai lần gặp gỡ, anh Hoàng có kể về quá khứ của anh điển hình như anh đưa ra thông tin là đã cầu mưa cho nhiều nơi và có kết quả, có ý kiến của người dân công nhận. Tuy nhiên, những thông tin này cũng không có xác nhận của chính quyền địa phương. Anh Hoàng tự giới thiệu có khả năng cầu mưa nên tôi mới giới thiệu, nếu anh này có khả năng cầu mưa thì đây là điều tốt cho người dân"- ông Nguyễn Hoàng Điệp thông tin.

Chúng tôi cũng trao đổi với ông Lê Minh Hoàng, ông cho biết: "Tôi đã cầu mưa cho các tỉnh toàn quốc đã mấy mươi năm nay. Thường tôi đến nơi bị hạn hán xin gặp chính quyền và người dân nơi đó và cầu xin làm mưa. Sau khi cầu xin thì có mưa".

Liên hệ với lãnh đạo Chi cục Thủy lợi TP.HCM, vị này cho biết có nhận được văn bản nêu trên nhưng phía Chi cục vẫn chưa phúc đáp.

Theo một chuyên gia khí tượng thủy văn, việc lập đàn cầu mà có mưa là không có căn cứ. "Có mưa hay không phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau chứ không phải cầu là có".

Khi nào TP.HCM có mưa?

Theo báo cáo từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mùa nắng nóng năm 2024 kết thúc muộn với thời kỳ nắng nóng kéo dài hơn trung bình nhiều năm (TBNN).

mua o TP.HCM.JPG
Mưa ở TP.HCM khả năng sẽ đến muộn hơn trung bình nhiều năm.

Dự báo mùa mưa ở Nam Bộ, trong đó có TP.HCM khả năng sẽ bắt đầu trong khoảng thời gian xấp xỉ đến muộn hơn TBNN, từ khoảng 10-5 đến 20-5 (TBNN từ 29-4 đến 10-5). Tổng lượng mưa trong mùa mưa cao hơn TBNN khoảng 5-15%, tập trung vào nửa cuối mùa mưa, từ tháng 7 đến tháng 11.

"Năm nay khả năng sẽ có những đợt mưa lớn diện rộng kéo dài nhiều ngày, đặc biệt là ở các tỉnh Miền Tây Nam Bộ (Cà Mau, Kiên Giang...). Sau khi mùa mưa bắt đầu là thời kỳ hoạt động mạnh của gió mùa Tây Nam và La Nina nên những đợt giảm mưa trong mùa mưa hầu hết là không rõ ràng.

Mưa vẫn còn xảy ra ở một vài nơi và thời gian giảm mưa không dài, chỉ khoảng 3-5 ngày. Kết thúc mùa mưa muộn hơn trung bình (khoảng cuối tháng 11) "- thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho hay.

Điều kiện để xảy ra mưa

Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết việc có xảy ra hiện tượng mưa (giáng thủy) phải có các điều kiện.

Cụ thể là bầu trời phải có mây, loại mây đối lưu dễ xảy ra mưa, hoặc các loại mây tầng thấp, mà điều kiện hình thành mây tầng thấp thì quá trình bốc hơi liên tục xảy ra, độ ẩm không khí phải cao, mặt đất có nhiệt độ cao.

Tuy nhiên, càng lên cao nhiệt độ càng giảm, khối không khí đạt tới trạng thái bão hòa, quá trình ngưng kết xảy ra, hạt mây đủ lớn, trọng lượng những hạt mây thắng được lực dòng thăng, mưa sẽ xảy ra. Trong tầng đối lưu độ ẩm càng cao, hạt nhân ngưng kết (sol khí) càng nhiều, khi đó mưa càng dễ xảy ra.

Ông Quyết cho hay, thời điểm hiện tại, TP.HCM và khu vực Nam Bộ, hình thế thời tiết tác động, đó là trên cao áp cao Tây Thái Bình Dương khống chế khu vực Nam Trung Bộ, dưới tầng thấp, áp thấp nóng phía Tây hoạt động mạnh, lấn về phía Đông Nam, làm cho cả khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ đều nằm trong trường phân kỳ.

Quá trình hình thành mây tầng thấp rất kém, bầu trời chủ yếu mây tầng trung hoặc tầng cao, gió chủ đạo gió Tây Bắc, lượng ẩm từ biển cũng không thuận lợi đẩy vào đất liền, do đó thời tiết chủ đạo ban ngày trời nắng, nắng nóng.

"Với những điều kiện nhiệt độ không khí cao, không khí rất khô (độ ẩm không khí thấp), ban ngày chỉ 30-35%, rất xa với điều kiện thuận lợi hình thành mây gây mưa (độ ẩm không khí phải từ 89-90%) thì không thể có mưa"- ông Quyết chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm