NÓNG TRONG TUẦN:

Cách nào tránh bị ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng?

(PLO)- Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh và khả năng gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, cả nước xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm khiến nhiều người phải nhập viện điều trị, đây là thông tin nhận được sự quan tâm của bạn đọc.

Theo một số chuyên gia dinh dưỡng, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh và khả năng gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao.

Trước tình hình trên, một số bạn đọc băn khoăn cần bảo quản thức ăn cũng như cần ăn những thực phẩm nào để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm vào những ngày nắng nóng.

ngộ độc thực phẩm
Các quán ăn cần chú ý yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho người dùng. Ảnh: MINH HOÀNG

Giám sát chặt các quán ăn lề đường mùa nắng nóng

Bạn đọc Ngọc Mai bình luận: “Mùa nắng nóng, một số quán bán thức ăn không đảm bảo vệ sinh, cách bảo quản không đúng quy trình, khách hàng ăn vào rất dễ bị ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, người dân cần chú ý đến nước uống, nước giải khát cũng phải được lựa chọn cẩn thận để tránh bị ngộ độc”.

“Qua nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra gần đây cho thấy vào những ngày thời tiết nắng nóng, các cơ sở ăn uống cần chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hơn. Theo tôi, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt các cơ sở chế biến thức ăn bằng những thực phẩm đông lạnh. Bởi những loại thực phẩm này có nơi bảo quản hàng mấy tháng trời, việc bảo quản thực phẩm lâu như vậy liệu có bảo đảm an toàn?” - bạn đọc Thanh Đông nêu ý kiến.

Bạn đọc Thái An nêu ý kiến: “Để bảo đảm an toàn thực phẩm vào những ngày nắng nóng này, đề nghị các cơ quan chức năng nên tăng cường việc giám sát, kiểm tra những xe đẩy, quán ăn ở lề đường cạnh trường học, bệnh viện. Tôi thấy đây là những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm nhất”.

“Tôi từng là nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm bởi xe đẩy bán thức ăn ở lề đường. Hôm đó, do bận công việc, không thể nấu ăn ở nhà nên tôi ghé dọc đường mua vội hộp bún xào để ăn sáng. Đến trưa tôi có biểu hiện đi ngoài, đau đầu, nôn ói. Cả ngày hôm đó tôi bị đau bụng vật vã, phải vào bệnh viện cấp cứu. Tôi mong rằng các quán ăn cũng như những người bán thực phẩm ở ngoài đường khi chế biến thức ăn phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đừng vì một chút lợi nhuận mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác” - bạn đọc Thiên Hương chia sẻ.

Vào mùa nắng nóng, những thực phẩm như hải sản giàu đạm, protein… nhanh chóng bị ôi thiu nên người ăn có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.

Bạn đọc bày cách bảo quản thức ăn

Chị Trần Thị Hà, chủ quán ăn ở quận Tân Bình, TP.HCM, chia sẻ: “Tôi bán quán ăn nên thường mua thực phẩm với số lượng lớn về để chế biến dần. Vào những ngày trời dịu mát thì nguyên liệu chế biến thức ăn có thể để bên ngoài cả ngày cũng ít bị hư. Tuy nhiên, vào những ngày nắng nóng như thế này thì rau, củ rất dễ bị hư. Cách bảo quản thực phẩm tốt nhất là cho vào ngăn mát tủ lạnh.

Đối với thức ăn được quán chế biến sẵn, tôi cũng hạn chế để bên ngoài vì rất dễ ôi thiu. Tôi cho vào ngăn mát tủ lạnh, khi bán thì làm nóng lại mới bán cho khách”.

Chị Nguyễn Ngọc Thúy, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM, cũng cho biết thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao như những ngày qua khiến đồ ăn rất dễ bị hỏng. “Thông thường khi ăn xong, tôi phải bỏ thức ăn vào ngăn mát tủ lạnh ngay, vì nếu để bên ngoài rất dễ bị thiu và có mùi.

Những ngày này, tôi thường nấu ít thức ăn lại, hạn chế để dư thừa, để qua đêm. Đối với những thức ăn chưa kịp nguội không bỏ vào tủ lạnh ngay, tôi để trong lồng bàn, không đậy kín bằng nắp vung để bảo quản thức ăn. Ngoài ra, thời gian này tôi cũng hạn chế mua thức ăn nhanh bên ngoài. Nếu mua thì phải chọn những nơi bán uy tín để tránh bị ngộ độc thực phẩm” - chị Thúy nói.•

Thực phẩm nào có nguy cơ “dính” vi khuẩn?

Thời tiết nắng nóng là điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Đặc biệt, những thực phẩm thuộc nhóm nguy cơ cao như thịt, cá, trứng, sữa, thực phẩm không được làm sạch do quá trình sản xuất, vận chuyển bị ô nhiễm… đều có thể là môi trường cho vi khuẩn gây bệnh phát triển.

Ngoài ra, một số món ăn như canh, súp hoặc thực phẩm phải chế biến qua nhiều khâu có nguy cơ “dính” vi khuẩn từ bên ngoài.

Các bếp ăn tập thể, bữa ăn tập trung đông người như đám cưới, tiệc… đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Việc phải phục vụ nhiều người cùng một lúc, tốc độ phục vụ nhanh khiến thức ăn chưa đủ thời gian chín, đồ chín để lẫn với đồ sống dễ bị nhiễm khuẩn. Việc đồ ăn phải chuẩn bị từ sớm cũng có nguy cơ bị ôi thiu.

Ngoài ra, vào mùa nắng nóng, những thực phẩm như hải sản giàu đạm, protein… nhanh chóng bị ôi thiu nên người ăn có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.

Do vậy, vào mùa nắng nóng, tất cả thực phẩm đã qua chế biến chỉ nên để ở ngoài khoảng 2-3 tiếng. Nếu để lâu hơn, thực phẩm có thể bị ôi thiu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây ngộ độc khi ăn phải.

Nếu người dân muốn bảo quản thực phẩm lâu hơn thì nên để trong điều kiện lạnh như tủ lạnh, phích đựng đá, tốt nhất nên để đông lạnh. Thức ăn đã chế biến để trong tủ lạnh trước khi ăn nên đun sôi lại ở nhiệt độ trên 100 độ C trong thời gian hơn 5 phút.

BS NGUYỄN TRUNG NGUYÊN, Giám đốc Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai

THANH THANH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm