Làm rõ việc chấm dứt hợp đồng BOT với nhà đầu tư sân bay Phan Thiết

(PLO)-  Bộ KH&ĐT đề nghị chính quyền tỉnh Bình Thuận làm rõ điều kiện chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn với Công ty cổ phần Rạng Đông - nhà đầu tư sân bay Phan Thiết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ KH&ĐT vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận giải trình, làm rõ quy định của hợp đồng BOT đã ký kết với nhà đầu tư về các trường hợp, điều kiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên trong trường hợp này.

Bộ GTVT với vai trò là đơn vị chuyên ngành cũng được đề nghị có ý kiến về việc UBND tỉnh Bình Thuận thực hiện thay thế nhà đầu tư dự án; tác động của đề xuất này đối với quy hoạch phát triển cảng hàng không, sân bay.

Dự án sân bay Phan Thiết. Ảnh: Sở GTVT tỉnh Bình Thuận
Dự án sân bay Phan Thiết. Ảnh: Sở GTVT tỉnh Bình Thuận

Cạnh đó, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có ý kiến về yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật Nhà nước của dự án. Điều kiện áp dụng hình thức thức chỉ định nhà đầu tư theo Luật Đối tác công – tư (PPP).

Hai bộ cũng cần cho ý kiến trong trường hợp phải tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và kéo dài thời gian hoàn thành hạng mục hàng không dân dụng đến cuối năm 2025 đối với hạng mục quân sự.

Đầu tháng 8, UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo Thủ tướng cho chủ trương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dự án đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết, theo hình thức BOT đối với Công ty cổ phần Rạng Đông, để lựa chọn nhà đầu tư thay thế.

Nguyên nhân do hợp đồng BOT giữa tỉnh Bình Thuận và Công ty cổ phần Rạng Đông được ký năm 2016, với dự kiến công suất nhà ga 1 triệu hành khách mỗi năm, quy mô sân bay cấp 4C (theo quy định Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế), thời gian xây dựng 3 năm, hoàn thành trong năm 2018. Tuy nhiên, quá trình triển khai, nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh quy hoạch và quy mô sân bay nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

Theo đó, tỉnh Bình Thuận và Bộ Quốc phòng đã báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận nâng cấp sân bay Phan Thiết lên cấp 4E, kéo dài đường băng từ 2.400m lên 3.050m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách mỗi năm.

Tuy nhiên, theo Luật PPP, do dự án điều chỉnh quy hoạch và nâng quy mô đầu tư, tăng tổng mức đầu tư trên 10% nên phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và lựa chọn lại nhà đầu tư.

UBND tỉnh Bình Thuận cho biết sau khi Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, tỉnh mong muốn được tiếp tục thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức chỉ định thầu. Vì địa phương cho rằng nếu đấu thầu theo quy định, thời gian hoàn thành thủ tục sớm nhất phải đến tháng 8-2025, không đảm bảo được thời gian đưa sân bay vào khai thác trong năm sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm