Làm rõ việc trồng 700 ha cao su khi chưa có quyết định cho thuê đất tại Bình Thuận

(PLO)- Thanh tra tỉnh Bình Thuận yêu cầu làm rõ việc doanh nghiệp không trực tiếp thuê đất nhưng lại được hưởng ưu đãi đầu tư, miễn tiền thuê đất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thanh tra tỉnh Bình Thuận vừa có kết luận thanh tra việc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sông Dinh liên kết hợp tác với Công ty Cổ phần Phú Long trồng cao su tại xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh.

Ký hợp đồng khi chưa được thuê đất

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sông Dinh (Công ty Sông Dinh), trực thuộc Sở NN&PTNT Bình Thuận, 100% vốn nhà nước, do UBND tỉnh làm chủ sở hữu.

Trồng cao su tại Suối Kiết, Tánh Linh. Ảnh: PP

Trồng cao su tại Suối Kiết, Tánh Linh. Ảnh: PP

Tháng 7-2008, Công ty Sông Dinh và Công ty Cổ phần Phú Long ký kết Hợp đồng Hợp tác đầu tư trồng cao su với quy mô 1.000 ha, sau đó điều chỉnh diện tích xuống còn 694 ha.

Theo hợp đồng, Công ty Sông Dinh được hưởng 10% trên tổng diện tích đã trồng của dự án (gần 70 ha), Công ty Cổ phần Phú Long được hưởng 90% trên tổng diện tích đã trồng của dự án. Thời gian thực hiện hợp đồng chia làm hai chu kỳ, tổng cộng 49 năm.

Về trách nhiệm, Công ty Cổ phần Phú Long không được tự ý thay đổi loại cây trồng và mục tiêu dự án trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Chín năm sau ngày ký hợp đồng, tháng 6-2017, Công ty Cổ phần Phú Long chuyển nhượng toàn bộ quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ trong Hợp đồng hợp tác trồng cao su cho Công ty TNHH Đầu tư Tân Hà với tổng giá trị 21,7 tỉ đồng.

Nhiều đoàn thanh kiểm tra nhưng không phát hiện

Đáng chú ý, qua thanh tra đã phát hiện thời điểm Công ty Sông Dinh ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư trồng cao su và bàn giao đất tại thực địa vào năm 2009 để Công ty Cổ phần Phú Long trồng cao su khi UBND tỉnh chưa có quyết định cho thuê đất.

Theo Thanh tra tỉnh, việc này là không đúng quy định của pháp luật về đất đai.

Công ty Sông Dinh còn cho phép Công ty TNHH Đầu tư Tân Hà chuyển đổi cây trồng từ cao su sang keo lá tràm tại lô số 120 với diện tích 74,5 ha và ít nhất năm lô khác tại các tiểu khu 380, 385 (chưa xác định được diện tích đất), là chưa đúng về loại cây trồng theo hợp đồng và theo quy hoạch trồng cây cao su của UBND tỉnh.

Ngoài ra, Công ty Sông Dinh chưa lập phương án liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trồng rừng, trồng cao su theo đề nghị của Sở NN&PTNT vào tháng 4-2007 và kiến nghị của Sở TN&MT tại Kết luận thanh tra vào tháng 2-2013.

Theo đoàn Thanh tra, Sở NN&PTNT đã không theo dõi, đôn đốc, yêu cầu Công ty Sông Dinh xây dựng phương án liên doanh, liên kết theo đề nghị của Sở và kiến nghị của Sở TN&MT là thực hiện chưa đảm bảo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

Nhiều đoàn thanh tra nhưng không phát hiện Công ty Sông Dinh hợp tác trồng cao su khi UBND tỉnh chưa cho thuê đất.

Nhiều đoàn thanh tra nhưng không phát hiện Công ty Sông Dinh hợp tác trồng cao su khi UBND tỉnh chưa cho thuê đất.

Đối với Sở TN&MT và các cơ quan có liên quan khi xác định mốc, bàn giao đất thực địa cho Công ty Sông Dinh vào năm 2011 đã không phát hiện và xử lý việc Công ty Sông Dinh hồi tháng 5-2009 đã lập Biên bản bàn giao thực địa cho Công ty Phú Long để san ủi mặt bằng trồng cây cao su.

Đặc biệt, tại Kết luận thanh tra vào tháng 2-2013 của Sở TN&MT cũng không thể hiện nội dung nêu trên để kiến nghị xử lý theo quy định.

"Trách nhiệm về những hạn chế, thiếu sót nêu trên thuộc về Công ty Sông Dinh, Công ty TNHH Đầu tư Tân Hà, Sở NN& PTNT và Sở TN&MT" - kết luận của Thanh tra nêu.

Từ các cơ sở trên, Chánh Thanh tra tỉnh kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Sông Dinh báo cáo UBND tỉnh cụ thể việc xây dựng phương án liên doanh, liên kết trồng rừng, trồng cao su theo quy định; tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Đo đạc, xác định cụ thể số diện tích đất hiện đã chuyển đổi sang trồng cây keo lá tràm, cây xà cừ của Công ty TNHH Đầu tư Tân Hà và của Công ty Sông Dinh (nếu có) không đúng quy hoạch của UBND tỉnh. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan.

Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Công ty Sông Dinh và các sở, ngành có liên quan báo cáo UBND tỉnh giao cơ quan chuyên môn tổ chức thẩm định phương án liên doanh, liên kết trồng rừng, trồng cao su theo quy định. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Có kế hoạch kiểm tra việc Công ty Sông Dinh thực hiện Đề án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt được phê duyệt và việc triển khai trồng cây cao su, cây lâm nghiệp khác (keo lá tràm, cây xà cừ) trên diện tích đất cải tạo có đảm bảo quy định của UBND tỉnh hay không. Tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc về những tồn tại, thiếu sót được nêu tại kết luận này.

Đối với Sở TN&MT tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc về những tồn tại, thiếu sót đã nêu.

Thanh tra tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu Cục Thuế có văn bản đề nghị Tổng Cục thuế hướng dẫn rõ, cụ thể đối với việc xét miễn tiền thuê đất cho Công ty Sông Dinh (là đối tượng trực tiếp thuê đất) nhưng Công ty có ký hợp đồng liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư trồng cao su với các doanh nghiệp. Việc này có đảm bảo quy định của pháp luật về miễn tiền thuê đất hay không.

Cụ thể, việc miễn tiền thuê đất trong trường hợp đối tượng trực tiếp thuê đất ký hợp đồng liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư trồng cao su với các doanh nghiệp, đồng nghĩa các doanh nghiệp (không phải là đối tượng trực tiếp thuê đất) cũng được hưởng ưu đãi đầu tư (được miễn tiền thuê đất của 90% diện tích đầu tư trồng cao su).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm