Làm sao để CSGT bớt ra đường?

Đề xuất mới đây của Công an TP Hà Nội về việc các chủ ô tô buộc phải mở tài khoản để CSGT thu tiền phạt nguội đã gây ra tranh luận nhiều chiều. Điều đó cho thấy những bất cập lâu nay của việc phạt nguội cần phải tiếp tục có những lời giải phù hợp để cách thức xử lý vi phạm giao thông này phát huy những mặt tích cực của nó, hạn chế tối đa “điều tiếng” mang lại từ xử lý truyền thống bấy lâu nay - phạt nóng. Vậy phương thức xử lý này thời gian qua đã được thực hiện ra sao và mang lại kết quả gì?

Hạn chế CSGT ra đường, “đối diện” với người vi phạm

Thông tin về vấn đề này, Phòng CSGT đường sắt - đường bộ (PC67) Công an TP.HCM cho biết hiện nay đã bố trí hệ thống camera ở nhiều vị trí trọng yếu trong TP, nơi có tình hình giao thông diễn biến phức tạp. Đồng thời thường xuyên bố trí CSGT sử dụng camera di động để ghi hình xe vi phạm trên địa bàn TP.

Cách thức xử lý này đã đạt nhiều hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm giao thông, tăng cường vai trò của thiết bị camera trong giám sát, ghi hình, xử lý vi phạm. Hạn chế việc CSGT phải ra đường nhiều, đối diện với người dân.

Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng PC67 Công an TP.HCM, cho biết những năm tiếp theo, việc xử phạt vi phạm qua hình ảnh sẽ là biện pháp trọng tâm, trọng điểm, là biện pháp căn cơ của CSGT trong việc xử phạt vi phạm giao thông.

Theo đó, TP.HCM sẽ nâng cấp và hoàn thiện trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông thành hệ thống quản lý, xử lý hình ảnh vi phạm giao thông. Tiến tới Phòng CSGT TP.HCM sẽ lắp đặt hệ thống camera giám sát trên toàn TP, nâng số camera lên hàng trăm máy, tập trung tại các giao lộ phức tạp, vừa phục vụ việc giám sát tình hình vừa ghi hình, xử phạt, trích xuất hình ảnh vi phạm.

“Việc này sẽ tạo cho người dân ý thức chấp hành pháp luật, vì khi tham gia giao thông, biết khu vực này có camera giám sát thì người dân sẽ tự điều chỉnh hành vi. Đồng thời, hệ thống camera với tính khoa học, chính xác sẽ xác lập chuẩn hành vi vi phạm, tránh sự đối đầu trực tiếp của CSGT với người dân” - Trung tá Huỳnh Trung Phong thông tin.

Ngoài ra, tại các tuyến cửa ô, các địa bàn giáp ranh với TP.HCM như Bình Chánh-Long An, Tây Ninh-Củ Chi cũng sẽ được thiết lập hệ thống camera nhằm cảnh báo người dân ở các địa phương khác khi di chuyển vào địa bàn TP.HCM phải có ý thức chấp hành luật giao thông.

CSGT TP.HCM phân tích xử lý vi phạm qua hình ảnh vi phạm được camera ghi lại. Ảnh: LÊ THOA

Trưởng PC67 Công an TP.HCM cũng cho biết CSGT TP đang nghiên cứu việc phối hợp với các cơ quan chức năng để nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh. Cụ thể như phối hợp với trạm đăng kiểm, trạm thu phí, kể cả điểm sát hạch ô tô, điểm đăng ký ô tô, mô tô… để có thể làm sao tìm ra được người vi phạm qua hình ảnh và mục đích cuối cùng là nâng cao việc chấp hành pháp luật của người dân.

Trao đổi với Pháp Luật TP. HCM, Trung tá Phan Văn Thương, Phó phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, cho biết hiện nay TP Đà Nẵng đã có 82 camera giám sát giao thông được gắn ở 26 vị trí (năm cái quan sát, bảy cái giám sát tốc độ và 70 cái để giám sát xử lý vi phạm).

Theo Trung tá Thương, hệ thống này hoạt động giám sát 24/24 giờ giúp giảm bớt hoạt động con người trong tuần tra kiểm soát.

Hệ thống này tự động ghi nhận lỗi vi phạm chính xác, rõ ràng. Điều này tránh việc tranh cãi như những trường hợp lực lượng trực tiếp bắt lỗi vi phạm. Vì hình ảnh đã quá chính xác, người vi phạm khi xem đã tự nhận lỗi của mình và ký biên bản xử phạt.

Trung tá Thương nhận định từ khi có camera người dân tự có ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, kể cả khi không có lực lượng CSGT. Từ đó thay đổi thói quen, phản xạ của người đi đường. Nếu trước đây họ thấy có CSGT mới chấp hành thì nay đã tự ý thức.

Gian nan xử lý hậu ghi hình

PC67 TP.HCM cho biết hiện nay công tác truy tìm “khổ chủ” vi phạm giao thông sau qua hình ảnh gặp rất nhiều khó khăn. Qua thực tế, nhiều người vi phạm không đến đóng phạt xuất phát từ nguyên nhân do chủ xe mua bán không sang tên đổi chủ nên việc chuyển thông báo vi phạm đến tay chủ xe còn chậm hoặc không thể chuyển được.

Nhất là việc nhiều doanh nghiệp giải thể không tìm được địa chỉ; chủ xe thường xuyên thay đổi chỗ ở, qua đời, đang thụ án, đang thi hành nghĩa vụ quân sự, xuất cảnh cũng rất khó khăn trong việc gửi thông báo vi phạm.

Ngoài ra, nhiều trường hợp, chủ xe vẫn còn né tránh, thường không tự nguyện đến phối hợp với CSGT theo thông báo vi phạm để CSGT xác định người điều khiển xe vi phạm.

Trung tá Phan Văn Thương, Phó phòng CSGT TP Đà Nẵng, cho hay thời gian đầu việc xử lý vi phạm qua camera cũng gặp những bất cập gây khó khăn trong việc thông báo vi phạm, nhất là khi địa chỉ chủ phương tiện đã thay đổi. Tuy nhiên, sau đó CSGT đã có trang thông báo vi phạm công khai nên nhiều người chuyển địa chỉ đã tự đến đóng phạt và cập nhật lại.

Mặt khác, trong quá trình triển khai có rất nhiều trường hợp chủ xe không phải là người điều khiển tại thời điểm vi phạm. Sau khi nhận được thông báo vi phạm, chủ xe lúc đầu cũng có phản ứng. Nhưng bằng những chứng cứ từ hình ảnh, những chủ xe này đã tích cực hợp tác để tìm người vi phạm và đóng phạt.

“Nhiều người cho thuê xe tự lái nhưng người thuê vi phạm cũng than thở nhiều, nhất là những lỗi vi phạm tốc độ vì mức phạt cao. Sau này những chủ xe đã gắn giám sát hành trình để biết những người thuê có vi phạm tốc độ hay không” - Trung tá Thương chia sẻ.

Thêm vào đó, một số người bán xe, chuyển chủ sở hữu nhưng không sang tên, gây khó khăn cho việc thông báo lỗi. Việc này lực lượng đã khắc phục bằng cách nếu phương tiện nào chuyển đổi tên phải đóng hết lỗi các vi phạm.

Đặc biệt, có một trường hợp phát hiện xe vi phạm nhưng không thể tra cứu được biển số và xác minh chủ xe. Nhưng sau này lực lượng đã lập biên bản xử phạt xe này các lỗi vi phạm như gắn không đúng biển số, không có giấy đăng ký xe, không có chứng nhận bảo hiểm, không có giấy kiểm định. Với tất cả lỗi trên, xe này bị phạt 12,5 triệu đồng.

Trung tá Thương nhớ lại thời điểm đó Phòng CSGT phải thông báo cho các đội, trạm về biển số xe này. Sau vài ngày tập trung quan sát kỹ, Đội Tuần tra dẫn đoàn mới bắt được.

Phát hiện nhiều nhưng xử phạt được bao nhiêu?

21.260, đó là số trường hợp vi phạm qua camera trong sáu tháng đầu năm 2018, bị lực lượng CSGT thuộc PC67 TP.HCM ghi hình được. Trong đó đã có 4.770 trường hợp đến cơ quan công an thực hiện quyết định xử phạt (đạt 22,44%). Cùng kỳ năm 2017, CSGT TP.HCM đã ghi hình được 23.105 trường hợp vi phạm và có 6.242 người chấp hành nộp phạt (đạt 27,2%).

20.000, đó là số trường hợp vi phạm giao thông đã được Phòng CSGT TP Đà Nẵng gửi thông báo xử phạt từ tháng 11-2016 đến nay. Tổng số tiền thu về cho kho bạc nhà nước từ việc xử phạt này là hơn 14 tỉ đồng. Trong các lỗi xử phạt, chủ yếu là vi phạm tốc độ với 15.425 trường hợp.

Làm sao để CSGT bớt ra đường? ảnh 2
Phòng CSGT TP Đà Nẵng đang tổng hợp các trường hợp vi phạm giao thông bằng camera phạt nguội. Ảnh: CS

3.092, đó là số trường hợp vi phạm về lỗi đi không đúng làn đường quy định và không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông được hệ thống camera giám sát trật tự an toàn giao thông ở Cần Thơ ghi được từ đầu năm 2017 đến nay. Trong đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý vi phạm 1.344 trường hợp với lỗi vi phạm về làn đường là 1.098 trường hợp, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông là 246 trường hợp. Tổng số tiền phạt nộp ngân sách là gần 1,5 tỉ đồng. Các trường hợp còn lại đang tiến hành xử lý. Hầu hết các trường hợp vi phạm khi tiếp nhận thông tin về việc vi phạm đều nghiêm túc chấp hành việc 
xử phạt.

LÊ THOA-T.VIỆT-G.TUỆ

Cục CSGT: Còn nhiều rào cản

Trả lời báo chí ngày 27-6, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết đơn vị vừa gửi văn bản phản hồi tới Công an TP Hà Nội về đề xuất ban hành quy định yêu cầu các chủ xe khi đăng ký phương tiện phải mở tài khoản ngân hàng để thuận tiện cho việc xử phạt nguội. Theo đó, đơn vị này cho rằng trong thực tế còn nhiều rào cản. Cụ thể, vấn đề lớn nhất là việc sang tên, đổi chủ xe khi mua bán chưa được làm triệt để mặc dù đã có quy định, do vậy “rất khó áp dụng thu tiền vi phạm qua tài khoản ngân hàng”. Hơn nữa, trong trường hợp chủ xe có đăng ký tài khoản theo quy định nhưng có thể vài ngày sau họ rút hết tiền, những tài khoản khi đó biến thành các tài khoản trống không.

Về pháp lý, đơn vị này cho rằng để áp dụng hình thức trên không phải sửa văn bản là được mà phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan. Bên cạnh đó, muốn xử phạt chủ xe qua tài khoản, dữ liệu của công an phải kết nối được với ngân hàng, qua đó trích xuất chủ xe vi phạm và trừ tiền. Tuy nhiên, việc này lại động chạm đến bảo mật thông tin của khách hàng nên chưa thể làm ngay.

PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm