Làm sao để trẻ sớm thích nghi khi lần đầu tới trường?

(PLO)-  Theo lịch, Hà Nội cho trẻ mầm non đến trường bắt đầu từ ngày 13-4 . Nhiều bậc phụ huynh lo lắng về việc làm sao để con mình sớm thích nghi với trường lớp sau thời gian dài nghỉ vì dịch bệnh, đặc biệt là đối với trẻ tới lớp lần đầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Làm sao để trẻ sớm thích nghi khi lần đầu tới trường?

Thông thường, đến một môi trường mới, trẻ thường có tâm lý hoảng sợ, gào khóc… Bởi tất cả con người, cảnh vật ở đó đối với trẻ đều xa lạ. Sau thời gian dài, tới đây trẻ mầm non sẽ được quay trở lại trường học. Thậm chí, nhiều trẻ lần đầu rời vòng tay bố mẹ, khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng.

Băn khoăn ngày đầu cho con tới lớp

Anh Nguyễn Văn Đạt (Thanh Trì, Hà Nội) tâm sự, gia đình anh chuẩn bị cho con gái 19 tháng tuổi đi học mầm non. Tuy nhiên, giống như tâm trạng của các phụ huynh khác, vợ chồng anh rất lo lắng vì không biết con sẽ thích ứng với môi trường mới như thế nào.

“Từ khi sinh ra, con luôn ở cạnh người thân, chưa xa gia đình bao giờ. Tôi lo lắng, không biết phải làm tư tưởng cho con ra sao”- anh Đạt tâm sự.

Chị Hoàng Vân (Hai Bà Trưng, Hà Nội): “Nghĩ đến cảnh ngày đầu đến lớp, con gào khóc nhìn theo bố mẹ ra về, khiến tôi không khỏi bối rối. Có lẽ, giai đoạn sắp tới là thời gian rất khó khăn của vợ chồng tôi và con”.

Nhớ lại những ngày lần đầu đưa con tới trường, chị Nguyễn Thị Luyến (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, khi con trai chị được hơn một tuổi, vợ chồng chị đã quyết định gửi con vào trường mầm non tư thục trên địa bàn.

Sau khi tham khảo kinh nghiệm từ những phụ huynh đi trước, mỗi ngày chị dành hai đến ba giờ đưa con tới lớp, làm quen với cô giáo và các bạn trước. Nhờ vậy, sau khi nhập học chính thức, con trai chị đã không còn tâm lý e sợ khi xa bố mẹ.

“Nên để con có thời gian thích nghi với môi trường mới trước. Như vậy, các con mới không bị hoảng sợ, lạ lẫm”- chị Luyến nói.

Nhiều phụ huynh lo lắng khi lần đầu tiên cho trẻ tới trường. Ảnh PHI HÙNG

Nhiều phụ huynh lo lắng khi lần đầu tiên cho trẻ tới trường. Ảnh PHI HÙNG

Theo anh Nguyễn Tuấn Nam (Hoài Đức, Hà Nội), vợ chồng anh khá bận rộn với công việc, nên khi con anh được sáu tháng tuổi đã gửi nhà trẻ. Hai vợ chồng rất lo cho con, sợ cô giáo không thể chăm sóc được như ở nhà.

“Thời điểm đó, ngày nào tôi cũng tranh thủ buổi trưa được nghỉ là về thăm con, dặn cô giáo kỹ lưỡng về những đặc tính của cháu, để tiện bề chăm sóc. Rất may, ở nhà vợ chồng tôi cho con ăn, ngủ rất đúng giờ. Nên ở lớp, cháu rất ngoan”- anh Nam nói.

Theo kinh nghiệm của chị Đinh Linh (Hoài Đức, Hà Nội), nhiều gia đình có thói quen ăn, ngủ không đúng giờ, điều này làm ảnh hưởng tới “đồng hồ sinh học” của trẻ. Đến tuổi đi học, trẻ dễ bị sốc do thay đổi môi trường, giờ giấc sinh hoạt. Vì thế, phụ huynh nên sắp xếp thời gian, công việc cho hợp lý.

Ngoài ra, cần cho con làm quen với cách sống tự lập, để sau này trẻ dễ thích nghi khi không có bố mẹ ở bên.

“Ví dụ: Lúc ngủ, hãy để cho trẻ có không gian riêng, tránh ôm ấp quá mức. Vì điều này hại về mặt hô hấp, vừa tạo thói quen không tốt cho trẻ. Lâu dài, con sẽ có cảm giác không thể thiếu nếu như xa bố mẹ”- anh Minh chia sẻ.

Trường học là nhà, cô giáo như mẹ hiền

Cô Trần Thu Hương, Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, trẻ nhỏ từ một đến 1,5 tuổi dễ thích nghi với môi trường mới hơn so với trẻ ba tuổi. Nhiều bậc phụ huynh lo lắng, sợ con còn nhỏ sẽ quấy khóc. Nhưng thực tế, trẻ ở lứa tuổi này dễ dàng bị cuốn hút bởi đồ chơi, nhanh chóng quên đi nỗi nhớ cha mẹ.

“Tất nhiên, giáo viên sẽ vất vả với trẻ ở tuổi này, phải dành thời gian chăm sóc nhiều hơn. Điều quan trọng hơn cả, cô giáo cần phải cho trẻ cảm nhận được ở trường lớp như ở nhà, giáo viên như người mẹ thứ 2, từ đó các con sẽ sớm hòa nhập”- cô Hương cho hay.

Ngoài ra, theo cô Hương, khi tiếp nhận HS, nhà trường sẽ phát cho phụ huynh phiếu điền các thông tin về đặc điểm, sở thích của con để tiện chăm sóc. Đặc biệt, đối với HS mới theo học, trường sẽ bố trí giáo viên có kinh nghiệm để chăm sóc trẻ.

Theo nhiều người, cần tạo thói quen sống tự lập cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Ảnh PHI HÙNG

Theo nhiều người, cần tạo thói quen sống tự lập cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Ảnh PHI HÙNG

Cô Đỗ Thị Huyền Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, nhà trường thường gửi các hình ảnh sinh động, cho trẻ xem trước ở nhà. Điều này giúp trẻ làm quen dần với môi trường, tạo cảm giác không xa lạ.

“Đối với trẻ từ 24 – 36 tháng tuổi, quan trọng nhất là giao lưu xúc cảm, tình cảm bằng cách ôm ấp, trò chuyện, giúp các con không bỡ ngỡ”- cô Thúy nói.

Theo TS Vũ Thu Hương, nguyên Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trẻ cần được dạy các kỹ năng sống tự lập ngay từ nhỏ, ở từng độ tuổi, mức độ sẽ khác nhau. Cha mẹ là người hướng dẫn, làm mẫu cho con làm theo.

Từ việc tự học ăn, vệ sinh cá nhân, thay quần áo đến cách nói chuyện… bố mẹ đều có thể tập cho con từ sớm. Trước khi đi học, phụ huynh nên kể cho con về trường lớp, đồ chơi, bạn bè, để trẻ cảm nhận được đó là nơi hấp dẫn, hứa hẹn nhiều điều tuyệt vời. Việc đi học đối với trẻ lúc này không là điều đáng sợ, thay vào đó là tâm lý mong đợi ngày đến trường.

Sau đó, phụ huynh nên dành thời gian cho con tới làm quen với khung cảnh, bạn học và cô giáo ở trường trước. Từ đó, xây dựng mối quan hệ thân thiết, tạo cảm giác cho trẻ như đang ở gia đình.

“Đặc biệt, phụ huynh cần giữ đúng lời hẹn như giờ giấc đón trẻ, mua đồ chơi thích nhất… Quãng đường từ trường về nhà, có thể gợi ý bằng một vài câu hỏi để trẻ kể chuyện trên lớp. Dành những lời khen đúng lúc, để con hào hứng cho buổi học tiếp theo”- Tiến sĩ Hương nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm