Làm sao để trị nạn ‘trộm cắp’ tin, bài?

Trên số báo trước, chúng tôi phản ánh thực trạng bản quyền tác phẩm báo chí bị xâm phạm và ý kiến của một số cơ quan báo chí phản ứng về việc này. Nhìn nhận vấn nạn này đang tràn lan, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (TTĐT), Bộ TT&TT, nói: “Tất cả hành vi sao chép, lấy lại nội dung trí tuệ của người khác là đáng lên án, cho dù xảy ra ở bất cứ đâu”…

Báo chí phản ứng chưa quyết liệt

. Phóng viên:Hiện rất nhiều tờ báo bị các trang TTĐT, mạng xã hội xâm phạm bản quyền và điều này đang phổ biến, ông nhận xét gì về hiện tượng này?

 Ông Nguyễn Thanh Lâm

+ Ông Nguyễn Thanh Lâm (ảnh): Chúng tôi nhận được nhiều phản ánh và đây là chuyện lớn, rất đáng quan tâm vì gây ra sự lẫn lộn, hiểu lầm cho người đọc. Người ta không biết họ đọc tin đó có chính thống không, có đáng tin không và sau mỗi bản tin được sao đi chép lại đó còn nhiều hệ lụy khác…

Có điều là các cơ quan báo chí phản ứng chính thức đến các cơ quan quản lý là chưa nhiều, mặc dù rất nhiều cơ quan nói là có chuyện đó.

. Ông có thể giải thích rõ hơn vì sao có hiện tượng những cơ quan báo chí bị xâm phạm bản quyền lại ít phản ứng chính thức đến cơ quan quản lý nhà nước, thưa ông?

+ Ở đây cho thấy nhiều vấn đề. Thứ nhất, một số cơ quan báo chí hợp tác liên kết, đồng ý cho trang này trang kia lấy tin, bài của mình, cơ quan quản lý không thể biết được là có vi phạm bản quyền hay không.

Thứ hai, ngay cả khi không có hợp tác, chia sẻ thì tờ báo bị sao chép bài cũng không mấy khi phản ứng. Có thể họ thấy thông tin của mình được lan tỏa thì có lợi hơn chăng?

Thứ ba, ở chừng mực nào đó, có thể cơ quan báo chí cũng muốn bảo vệ tài nguyên của mình nhưng chưa đủ sức, thậm chí chưa biết cách.

. Theo ông, làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

+ Sao chép không được phép nội dung báo chí mà lại để khai thác thương mại nữa thì đương nhiên là hành vi vi phạm. Pháp luật hiện hành có đủ quy định để xử lý và xử lý từng việc cụ thể không khó. Vấn đề lớn hơn là chính từng cơ quan báo chí phải quan tâm sản phẩm trí tuệ của mình, tự bảo vệ mình trước khả năng bị lấy cắp, sao chép.

Cần thống nhất về nhận thức rằng đây là tài sản trí tuệ của tập thể báo, tuyên bố rõ bản quyền và cấm sao chép dưới mọi hình thức khi chưa thỏa thuận. Việc này cũng phải thống nhất nhận thức với từng phóng viên, vì nhiều khi anh em lại mong muốn bài viết của mình được lan tỏa rộng rãi, thay vì chỉ xuất hiện trên tờ báo nhà.

Kể cả khi thỏa thuận cho sao chép, sử dụng lại thì từng cơ quan báo chí cần hiểu rõ các hậu quả của việc chia sẻ ấy. Thực tế là có tờ báo dễ dãi cho trang thông tin tổng hợp sử dụng bài của mình để rồi sau này mới nhận ra là mình không nhận được lợi ích tương xứng, chẳng hạn giá trị quảng cáo trên nền tảng bài viết. Vậy là dẫn đến xung đột lợi ích, cơ quan quản lý rất khó phân xử.

Khi đồng ý chia sẻ bài viết, lãnh đạo cơ quan báo chí cần chú ý tới đặc thù ở ta, là dường như xã hội đang có thói quen coi tin tức là một thứ gì đó miễn phí. Người đọc hứng thú dễ dãi với một bản tin nóng trên bất cứ trang web nào mà không cần biết trang web đó có phải là cơ quan báo chí hay không, bản tin đó do phóng viên nào, tờ báo nào sản xuất, vất vả, chất xám ra sao… Không nhận thức hết các khía cạnh đó tức là làm giảm giá trị nhận biết thương hiệu của tờ báo vốn bao công gây dựng.

Phóng viên các báo, đài đang tác nghiệp trong một vụ việc ở TP.HCM. Ảnh: HTD

Nhiều trang web mạo danh nhưng khó phát hiện

. Bạn đọc rất khó để biết đâu là báo điện tử, đâu là trang tin tổng hợp và điều này đang xóa nhòa ranh giới giữa làm báo và xào tin. Là cơ quan quản lý, ông lý giải thế nào?

+ Hiện có hơn một triệu trang web có nội dung bằng tiếng Việt. Thế giới và Việt Nam cũng vậy, tôn trọng quyền tự do Internet nên việc đăng ký tên miền là rất dễ dàng. Theo phân định quốc tế, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cấp, quản lý tên miền đuôi .vn. và việc cấp tên miền này theo thủ tục đăng ký chứ không phải xin phép.

Vấn đề mà ta đang bàn không liên quan nhiều đến các trang web này, mà là trang TTĐT tổng hợp, tính chất của nó khá gần với báo chí và thực tế đã được đưa vào, chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí 2016. Các trang TTĐT tổng hợp này phải được cấp phép với nội dung hoạt động cụ thể để giám sát, quản lý.

Đối với người dùng, để phân biệt đó là trang TTĐT có phép hay không thì dưới chân trang phải ghi rõ số giấy phép, cơ quan cấp, người chịu trách nhiệm nội dung… Tuy nhiên, thực tế có những trang tin mà họ thiết kế kiểu trượt, trượt mãi không thấy chân trang nên người dùng không thấy các nội dung phải công khai ấy.

Chưa kể không ít trang web mạo danh là trang TTĐT tổng hợp, thậm chí mạo danh có giấy phép hoạt động báo chí mà hiện chưa có công cụ kỹ thuật hữu hiệu để phát hiện. Chúng tôi rất mong đợi phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người sử dụng để phát hiện, xử lý các trang mạo danh này.

1.600 trang TTĐT tổng hợp do Cục Phát thanh Truyền hình và TTĐT cùng Sở TT&TT các địa phương cấp phép, trong đó 1.200 trang là do Sở TT&TT TP Hà Nội và TP.HCM cấp. 

Nghiên cứu dừng cấp phép trang TTĐT

. Hợp tác là như thế nào, chẳng hạn với việc xử lý vấn nạn sao chép vô tội vạ nội dung báo chí?

+ Tức là tôi với anh phải cùng nhau làm. Ví dụ, anh bảo tại sao tình trạng lấy tin, bài nhiều thế mà Nhà nước không làm gì, rồi cho rằng Nhà nước hoàn toàn ngăn chặn được việc lấy tin, bài của nhau để đổ lỗi cho Nhà nước.

Tư duy ấy là không đúng. Tài sản của anh, trước hết anh phải tự bảo vệ. Mỗi tờ báo cần đầu tư cho bộ phận pháp lý, thiết lập công cụ kỹ thuật để tự rà trên Internet xem những nơi đâu đang sao chép bài viết của mình, có được phép hay không được phép, lợi ích hài hòa chưa…

Trang thông tin điện tử Pháp Luật Ngày Nay sao chép bài viết của báo Pháp Luật TP.HCM trong cùng một ngày, mà không được sự cho phép của Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: PV

Về bản chất, đây là vấn đề của pháp luật dân sự. Cơ quan báo chí có nhiều kênh để bảo vệ quyền lợi của mình, không chỉ qua cơ quan quản lý như chúng tôi hay các sở thông tin truyền thông, mà còn có thể qua tòa án. Ngay cả cơ quan quản lý cũng vậy thôi, nếu báo anh không lên tiếng, không có văn bản hay email chính thức tố giác, phản ánh thì chúng tôi cũng không thể can thiệp được.

. Theo tôi được biết hiện đang có những phương án rà soát chặt chẽ hơn trang tin tổng hợp, thậm chí có thể dừng cấp phép, việc đó đang được tính toán thế nào?

+ Các cơ quan tham mưu của Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương thống nhất là cần đánh giá lại sự cần thiết và xu hướng phát triển của các trang TTĐT tổng hợp.

Khuôn khổ pháp lý quản cái này là Nghị định 72/2013 của Chính phủ. Thời điểm đó, do hạ tầng công nghệ điện tử các báo giấy rất yếu nên trang TTĐT tổng hợp là cầu nối với người dùng Internet.

Nhưng giờ thì các báo đều đã đầu tư mạnh cho công nghệ rồi thì cầu nối kia còn cần thiết không? Vừa rồi Dân Việt thông báo không hợp tác với Báo Mới nữa. Nếu cứ xu hướng ấy, các báo đều từ chối thì chả còn Báo Mới, thậm chí chả còn trang TTĐT tổng hợp nữa. Mà theo tôi biết thì hoạt động kinh doanh của các trang TTĐT không còn dễ dàng, một số công ty công nghệ đang chuyển hướng kinh doanh khác, thay vì dựa trên nội dung báo chí.

Với tình hình ấy thì nhiều phương án đang được thảo luận và trong đó có cả khả năng tạm dừng cấp phép trang TTĐT tổng hợp.

. Xin cám ơn ông.

. Tự do, không biên giới chính là giá trị của Internet nhưng trong tự do ấy cũng có những khu vực cần quản lý chặt chẽ, như các trang báo điện tử, trang tin điện tử tổng hợp mà ta đề cập. Vậy làm thế nào để quản lý mà không cản trở tự do, cũng như kiểm soát được những vi phạm bản quyền báo chí, thưa ông?

+ Nhà nước luôn luôn phải cân nhắc giữa việc quản lý và phát triển. Nếu nhiều biện pháp quản lý quá có khi lại cản trở sự phát triển, cản trở sáng tạo. Còn phương pháp quản lý, nhất là quản lý nội dung trên Internet thì phải xác định rõ là Nhà nước không tự làm một mình được mà cần hỗ trợ, thúc đẩy quá trình tự quản của xã hội. Các lực lượng trong xã hội chính là đối tác để Nhà nước phối hợp trong quản lý Internet. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới