Nông sản Việt Nam gặp khó tại Nhật Bản?
Tại tọa đàm “Chinh phục tiêu chuẩn Organic JAS, lợi thế kết nối thị trường Nhật’ được tổ chức bởi Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Trung tâm BSA phối hợp với Trường Cán bộ Quản lý NN&PTNT II tổ chức, bà Ino Mayu điều phối viên Chương trình “Seed to Table” cho biết: “Sau đại dịch COVID-19, người Nhật đang có xu hướng tìm mua các loại hạt. Ngoài ra họ cũng thích trái cây đóng hộp, trái cây đông lạnh của Việt Nam”.
Tuy nhiên hiện nay Nhật Bản chỉ thường nhập nông sản đã qua chế biến từ Việt Nam là chính, trong khi nông sản tươi chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của Nhật.
Điều này cũng được bà Tường Mỹ - Công ty Yoshimi (nhà phân phối hàng Việt Nam qua Nhật Bản) đồng tình. Bà nhận thấy người Nhật thích những trái cây đông lạnh như sầu riêng, mít nhãn và có nhu cầu nhập nhiều mặt hàng này.
Tuy nhiên bà Mỹ bày tỏ lo ngại hầu hết các mặt hàng nông sản đã qua chế biến của Việt Nam khi xuất khẩu qua Nhật Bản thường gặp tình trạng bị nhiễm khuẩn E.coli và chứa chất bảo quản, do đó doanh nghiệp của bà chưa dám xuất khẩu nhiều. Thêm nữa, giá thành sản phẩm của Việt Nam còn cao, khó cạnh tranh với nước khác khi cũng cùng xuất khẩu mặt hàng tương tự vào Nhật Bản.
Bà Ino Mayu cho rằng, hiện nay nếu sản xuất không theo tiêu chuẩn thì không thể xuất bán ra nước ngoài, thậm chí bán trong nước cũng khó. Theo đó nhà nước và cơ quan chức năng nên giúp các nhóm nông dân theo đuổi các quy trình tiêu chuẩn như VietGap, GlobalGap hay Organic JAS, tiêu chuẩn hữu cơ nông nghiệp Nhật Bản
Bà cho rằng, việc quan tâm và sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay được nhiều người, ở nhiều nước quan tâm. Điều này không chỉ tác động tốt đến đời sống của người nông dân về mặt vật chất mà quan trọng hơn là mặt đời sống tinh thần, đời sống xã hội. Bởi sản xuất nông sản sạch không chỉ mang lại sản phẩm nông sản sạch mà còn để bảo vệ môi trường, vì muốn có nông sản sạch thì phải có môi trường xanh, sạch.
Vải thiều Việt Nam xuất khẩu sang Nhật cần đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn, và đây cũng là loại quả được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận. Ảnh: PLO
Chinh phục tiêu chuẩn Organic JAS, lợi thế kết nối thị trường Nhật
Bà Ino Mayu cho rằng để đáp ứng tiêu chuẩn JAS của Nhật không quá khó. Nông dân Việt Nam chỉ cần tập trung làm bài bản, làm có quy trình đồng bộ. “Đặc biệt, các bạn nên tập trung nâng cao công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị cho nông sản Việt Nam”- vị điều phối viên chia sẻ.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc HTX Tấn Đạt, tỉnh Vĩnh Long cho biết, HTX Tấn Đạt được nhận ba chứng nhận quốc tế của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Trong đó, tiêu chuẩn của Nhật Bản là khó nhất. Theo ông để đạt chứng nhận này vừa dễ mà cũng vừa khó. Khó vì là một trong những đơn vị đi trước, không thể tiếp cận các chế phẩm sinh học, mà phải tận dụng các phương pháp dân gian. Các loại phân hữu cơ cũng không có, nên rất khó khăn. “Khi đó nói thật chúng tôi không nghĩ phải đạt tiêu chuẩn gì, chỉ muốn sản xuất ra các sản phẩm sạch và giữ gìn được môi trường”, ông bộc bạch.
Ông cũng đề cập đến những cái khó khi sản xuất hữu cơ như quá trình cải tạo đất, nguồn nhân lực, năng suất sản xuất hữu cơ cũng sụt giảm nhiều so với sản xuất bằng phân hóa học, hay khó về thị trường tiêu thụ…
Do đó, theo ông Tài muốn làm hữu cơ, trước hết phải thống nhất làm sao để các thành viên HTX phải thống nhất một quy trình sản xuất, để tất cả mọi người cùng tuân thủ, cùng làm.
Thứ hai, các nhà khoa học nên nghiên cứu từng vùng đất để đưa ra quy trình chuẩn từ đó các hộ nông dân, các HTX đưa vào áp dụng thống nhất.
Thứ ba, muốn làm hữu cơ phải chấp nhận ba năm đầu không có lợi nhuận vì trong thời gian cải tạo đất, năng suất sụt giảm 30%. Nhưng bên cạnh đó có thể vận dụng các chính sách của nhà nước hiện có để hỗ trợ thêm cho bà con cho sản xuất hữu cơ.
Còn với ông Trần Phong Lan, Chủ tịch HĐQT Seagull ADC chia sẻ, JAS thực sự là một tiêu chuẩn khắt khe, nhưng doanh nghiệp của ông không thấy khắt khe, vì đi theo một quy trình từ VietGap, GlobalGap, rồi chinh phục JAS.
“Ban đầu chúng tôi chỉ muốn làm ra sản phẩm sạch, không cần chứng nhận. Chúng tôi nói không với thuốc bảo vệ thực vật, với phân bón hóa học bằng cách chế tạo phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học khác. Nhưng có một đơn vị Nhật Bản đi tìm kiếm thị trường và đến trang trại ở Tây Ninh họ rất ngạc nhiên trước những gì chúng tôi đang làm.
Tôi nói rằng chúng tôi muốn làm sản phẩm hữu cơ, và áp dụng các phương pháp cha ông tôi để lại, cộng thêm phương pháp ghi chép tôi đã học được từ VietGap và GlobalGap. Họ nghe vậy thì nói chúng tôi là có thể đạt chứng nhận JAS đó. Thế là họ giúp chúng tôi làm các thủ tục để đạt được tiêu chuẩn JAS”, ông kể.
Tuy nhiên ông Lan nhấn mạnh: "Sản xuất hữu cơ thực sự không phải quá khó. Sản xuất hữu cơ trước hết phải theo tiêu chuẩn, tiêu chuẩn gì cũng được nhưng phải có tiêu chuẩn và phải ghi chép lại quá trình sản xuất. Việc ghi chép này rất quan trọng”.
Theo vị chủ tịch Seagull ADC, việc ghi chép đầy đủ không chỉ để cho các cơ quan giám sát, điều tra, là bằng chứng của việc đi theo một tiêu chuẩn, mà nó còn có ích cho chính người sản xuất. Cụ thể, chúng ta sẽ biết sai ở đâu, cần giúp kinh nghiệm ở đâu trong quá trình sản xuất.