Bộ Ngoại giao Mỹ đang hứng chỉ trích khi ngày 3-3 công bố báo cáo nhân quyền thế giới hằng năm một cách qua loa, sơ sài, không trọng thể như Mỹ vẫn làm trước nay, theo Reuters.
Thứ nhất, báo cáo không phải do chính Ngoại trưởng Rex Tillerson trực tiếp công bố - một việc chưa hề có tiền lệ ở các chính phủ Cộng hòa lẫn Dân chủ trước đây. Thứ hai, các câu hỏi của các nhà báo về báo cáo này được một quan chức cấp cao vừa không nêu tên vừa trả lời bằng điện thoại, chứ không phải họp báo công khai có ghi hình - lại là một việc chưa có tiền lệ nữa.
“Bản thân báo cáo đã lên tiếng rồi” - quan chức cấp cao này trả lời khi một nhà báo thắc mắc tại sao ông Tillerson không trực tiếp công bố.
Trước nay, báo cáo nhân quyền thế giới hằng năm đều được đích thân ngoại trưởng công bố, sau đó nhận phản hồi từ công chúng - chủ yếu về nhân quyền trong chính sách đối ngoại Mỹ về một số chi tiết nổi bật trong báo cáo.
Đây chính xác là những gì hai người tiền nhiệm Dân chủ của ông Tillerson - các cựu Ngoại trưởng John Kerry và Hillary Clinton - đã làm.
Năm 2005, dưới thời Tổng thống George W. Bush, báo cáo nhân quyền được Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề toàn cầu Paula Dobriansky thay mặt cho Ngoại trưởng Condoleezza Rice họp báo công bố.
Ngoại trưởng Rex Tillerson phát biểu trong chuyến thăm Mexico ngày 23-2. Ảnh: REUTERS
Từ khi làm ngoại trưởng đến giờ, ông Tillerson vẫn chưa tổ chức một cuộc họp báo nào và gần như không trả lời câu hỏi từ truyền thông.
Việc Bộ Ngoại giao công bố báo cáo nhân quyền một cách sơ sài khiến nhiều nhóm nhân quyền bất ngờ và chỉ trích.
Viết trên Facebook ngày 3-3, nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, cựu đối thủ của ông Donald Trump trong cuộc tranh cử tổng thống, nói rằng ông thất vọng vì ông Tillerson không trực tiếp công bố báo cáo.
Trong khi đó, ông Rob Berschinski, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách của nhóm Ưu tiên Nhân quyền, nhận xét: “Điều này phản ánh Bộ Ngoại giao thiếu sự quan tâm cơ bản và thiếu hiểu biết phải ủng hộ nhân quyền thế nào”. Ông Berschinski từng là phó trợ lý của Ngoại trưởng Mỹ Kerry về dân chủ, nhân quyền và lao động đến tận ngày 20-1.
Báo cáo do Quốc hội soạn thảo từ thông tin các đại sứ quán ở nước ngoài gửi về, ghi nhận tình hình nhân quyền của gần 200 nước và vùng lãnh thổ. Báo cáo năm nay chủ yếu hoàn tất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama. Bản thân ông Berschinski có tham gia vào quá trình lập báo cáo.
Báo cáo chỉ trích Philippines và cuộc chiến chống ma túy của nước này. Theo báo cáo, cảnh sát Philippines đã giết hơn 6.000 nghi can buôn bán ma túy và con nghiện kể từ khi bắt đầu chiến dịch hồi tháng 7-2016.
Báo cáo ghi rõ tình hình nhân quyền của Nga năm 2016 không tiến triển so với những năm trước, chỉ trích “hệ thống chính trị độc tài do Tổng thống Vladimir Putin thống trị”.
Lúc điều trần trước Quốc hội để đề cử chức ngoại trưởng được thông qua, ông Tillerson đã không trả lời các câu hỏi về tình trạng nhân quyền ở các nước, từ chối lên án các nước như Saudi Arabia, Philippines, nói rằng cần phải biết rõ sự thật trước khi nói.