Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoạt động hơn một tháng. Tờ The Washington Post nhận định vai trò của Bộ Ngoại giao Mỹ trong tháng đầu là khá mờ nhạt. Cơ quan này vẫn chưa thể hiện là tiếng nói về chính sách đối ngoại Mỹ. Ngoại trưởng Rex Tillerson dường như đang bị gạt bên lề các sự kiện đối ngoại của chính phủ.
Không họp báo hằng ngày
So với các chính phủ tiền nhiệm, điều khác biệt dễ thấy nhất ở Bộ Ngoại giao tháng đầu tiên dưới thời ông Trump là không họp báo hằng ngày. Lịch họp báo hằng ngày ở Bộ Ngoại giao Mỹ đã được thiết lập từ thời Ngoại trưởng John Foster Dulles thập niên 1950. Những buổi họp báo này được ghi hình và cả thế giới theo dõi. Với Bộ Ngoại giao các chính phủ trước, đây vừa là một niềm tự hào to lớn vừa là trách nhiệm nặng nề.
Bộ Ngoại giao các chính phủ trước cũng không có “thói quen” im lặng sau các sự kiện gặp gỡ ngoại giao cấp chính phủ. Tuy nhiên, sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Tillerson và Cao ủy Đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini trong tháng 2, Bộ Ngoại giao Mỹ không có thông báo gì trong khi bà Mogherini nhanh chóng mở một cuộc họp báo chi tiết. Nhận định hóm hỉnh về việc này, nhà ngoại giao kỳ cựu Richard Boucher nói: “Rất khó khăn cho Bộ Ngoại giao nếu phải họp báo khi không biết nói gì”. Thậm chí các cuộc điện đàm của Ngoại trưởng Tillerson với những người đồng cấp Nga, Hy Lạp và với vua Salman của Saudi Arabia chỉ được công khai sau khi truyền thông moi được thông tin.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) tại Mexico ngày 22-2. Đây là chuyến công du thứ hai của ông. Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng bị cho ra rìa
Không chỉ vậy, theo The Washington Post, Ngoại trưởng Tillerson đã không xuất hiện trong khá nhiều cuộc gặp gỡ lãnh đạo nước ngoài tại Nhà Trắng. Đại diện Bộ Ngoại giao có mặt trong các buổi tiếp Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe là Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Tom Shannon, chứ không thấy ông Tillerson đâu cả.
Trưởng cố vấn chiến lược Nhà Trắng Stephen K. Bannon lại là người thường tham gia các cuộc họp an ninh quốc gia và mới đây còn được cho phép nói chuyện với đại sứ Đức tại Mỹ. Con rể ông Trump, Jared Kushner, được giao nhiệm vụ vận động nối lại đối thoại Israel-Palestine trong khi các công việc này thường là của Bộ Ngoại giao.
Tới giờ, phần lớn những việc mà ông Tillerson làm đều ít được chú ý: Gặp một vài ngoại trưởng các nước, điện đàm với một số nhà ngoại giao, có chăng là tham dự một hội nghị của nhóm G20 ở Đức tuần trước. Ảnh hưởng ông Tillerson cũng không hẳn lớn khi đề xuất của ông cho vị trí thứ trưởng Ngoại giao đã bị Tổng thống Trump bác thẳng tay.
Theo The Washington Post, vấn đề lớn nhất nổi lên từ sự mờ nhạt của Bộ Ngoại giao là sự bối rối trong trao đổi và phân quyền trong chính phủ. Tổng thống Trump có khuynh hướng nhờ đến các cố vấn thân cận giải quyết các vấn đề chính sách đối ngoại hơn là cơ quan chuyên trách.
Bào chữa về việc không duy trì họp báo mỗi ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng đây chỉ là vấn đề tạm thời. Cơ quan này lấy cớ rằng chính phủ mới đang thành hình, tuy nhiên không nói rõ khi nào sẽ nối lại hoạt động trên. Với các thời tổng thống trước, một khi nhận chuyển giao từ chính phủ tiền nhiệm thì Bộ Ngoại giao chỉ phải tạm ngưng việc họp báo tối đa vài ngày. Năm 2001, Bộ Ngoại giao của chính phủ Tổng thống George W. Bush đã tổ chức họp báo hằng ngày suôn sẻ ngay sau khi nhận chuyển giao từ chính phủ Tổng thống Bill Clinton. Buổi họp báo đầu tiên diễn ra ngày 22-1-2001, trả lời các câu hỏi về Philippines, Iraq. Đó cũng là ngày làm việc đầu tiên của cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin L. Powell. __________________________________ Tillerson không hề muốn bị cho ra rìa, ông ấy bị kẹt giữa một chính phủ có quá nhiều nhóm quyền lực cạnh tranh nhau và một tổng thống không muốn hay không thể quyết định ai sẽ là người nắm vai trò đầu tàu trong thực hiện chính sách đối ngoại. AARON DAVID MILLER, cựu cố vấn về Trung Đông cho nhiều đời tổng thống Mỹ |