Mới đây, Thái Lan đã có sáng kiến muốn cùng năm nước Việt Nam (VN), Campuchia, Lào, Malaysia và Myanmar thành lập khu vực thị thực (visa) chung để khách quốc tế xin visa một lần nhưng có thể đến được sáu nước. Mục tiêu của sáng kiến này là để thu hút du khách có kỳ nghỉ dài và chi tiêu cao giữa các nước, đồng thời nâng cao vị thế của khu vực Đông Nam Á. Dù mang lại nhiều lợi ích cho ngành du lịch VN nhưng theo các chuyên gia, việc này cũng mang lại nhiều thách thức.
Sáng kiến hay nhưng không dễ thực hiện
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương, đánh giá sáng kiến visa chung các nước trong khối ASEAN là rất hay. Nếu thành hiện thực sẽ mang lại lợi ích rất rõ ràng cho cả doanh nghiệp du lịch lẫn khách du lịch trong khối ASEAN.
Theo ông Thủy, đây cũng là một trong những vấn đề mấu chốt để mở rộng “room” thu hút khách du lịch nước ngoài vào VN. “Bằng chứng cụ thể là vừa rồi Chính phủ đã nới lỏng visa, qua đó đã có những ảnh hưởng, kết quả rất rõ nét. Visa càng thuận lợi thì khách đến càng nhiều hơn. Qua đó, có thể thấy tác động của visa với ngành du lịch rất cụ thể, rõ ràng” - ông Thủy khẳng định.
Ông Thủy đánh giá Thái Lan là một trong những “bậc thầy” trong xúc tiến du lịch. Nước này đặt mục tiêu đến năm 2027 thu hút 80 triệu du khách. Hiện nay Thái Lan tạo điều kiện visa cho nhiều nước, lượng khách tăng mạnh. Với ý tưởng của Thái Lan, nếu được thực thi thì rất thuận lợi. Điển hình như khối Schengen của châu Âu đã làm từ lâu.
“Tuy nhiên, khối ASEAN còn nhiều rào cản, chính phủ các nước chưa thống nhất về vấn đề này cũng như trong điều kiện hiện tại, vấn đề xét duyệt visa chưa đồng bộ. Tôi nghĩ đó là ý tưởng hay nhưng thực thi ở các nước Đông Nam Á rất khó” - ông Thủy nói.
Riêng đối với Chính phủ VN, ông Thủy cho rằng việc áp dụng visa chung cho sáu nước ASEAN cũng là một thách thức. Trước đây, các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong đã ký kết công nhận các loại xe lưu thông qua biên giới mà không phải làm thủ tục tại các cửa khẩu. Khi triển khai còn nhiều hạn chế, do yêu cầu và quy định chưa nhất quán.
“Ví dụ khi đón đoàn khách từ các nước Thái Lan, Malaysia bằng ô tô đường bộ điển hình cho việc liên kết du lịch xuyên biên giới đã cho thấy nhiều vấn đề chưa thuận lợi. Thách thức khác là trong bối cảnh mỗi quốc gia có quan điểm an ninh chính trị riêng” - ông Thủy nói.
55 là số điểm đến trên thế giới mà công dân VN không cần visa, hoặc chỉ cần visa điện tử hoặc visa cửa khẩu. Theo chỉ số xếp hạng hộ chiếu Henley với 112 thứ hạng cho các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, VN đứng thứ 88 và đạt 55 điểm.
Đánh giá cao về đề xuất của Thái Lan, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho hay đây là một bước đột phá về thủ tục xuất nhập cảnh. Nếu thành hiện thực cũng thể hiện trình độ phát triển của VN trong khu vực, thông qua sự đồng thuận của cả khối sáu nước.
Theo ông Dũng, việc cấp thị thực một lần và sử dụng được ở cả sáu nước là việc rất tốt khi những khách hàng có điều kiện đi nhiều nước như vậy là thuộc nhóm có mức chi tiêu cao. Đồng thời, đây cũng là một nguồn thu lớn cho ngành du lịch.
“Du khách ở thị trường gần chỉ đi du lịch 1-2 nước. Còn du khách ở thị trường xa và có tài chính nhiều hơn thì một lần sẽ đi du lịch nhiều nước” - ông Dũng nói.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng cho rằng việc áp dụng visa chung sẽ thúc đẩy thêm về du lịch đường bộ giữa sáu nước. Bởi đường bộ đi từ các nước liên tuyến Thái Lan, Lào, Campuchia, VN, Myanmar, khách khám phá theo đường bộ chỉ cần xin visa một lần vào bất kỳ nước nào.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng việc cấp visa chung không thể diễn ra trong ngày một ngày hai mà phải có sự đồng thuận của nhiều bên, nhiều cơ quan chức năng. Cùng với đó là đồng bộ luôn cả hạ tầng hệ thống dữ liệu kết nối của các nước. Bởi khi du khách nhập cảnh vào một nước thì các nước còn lại cũng phải biết du khách này đã nhập cảnh vào đâu để biết miễn thị thực khi sang các nước còn lại.
Vào khối thị thực chung, cần làm gì?
Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, tham gia nhóm thị thực chung như visa Schengen của châu Âu đòi hỏi VN cần ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ để đồng bộ dữ liệu với các nước. Cạnh đó, phải dùng công nghệ số để kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh vào VN.
Ông Thủy dẫn chứng ở nhiều nước đã làm rất tốt việc này. Điển hình như Thái Lan sử dụng hộ chiếu quét qua cổng điện tử khi check-in vào quốc gia của họ, hoặc Trung Quốc và Đài Loan sử dụng công nghệ số tuyệt đối, quản lý không gian số và khách du lịch. Theo đó, khách du lịch chỉ cần rời khỏi hành trình đăng ký thì họ sẽ phát hiện và cảnh báo ngay.
Visa 27 nước khối cộng đồng châu Âu Schengen
Khối Schengen là khu vực gồm 27 quốc gia châu Âu, cho phép người dân của các nước thành viên, người bên ngoài khối có quyền cư trú hợp pháp tại các nước thành viên và du khách được cấp visa Schengen di chuyển, đi lại tự do trong toàn bộ vùng lãnh thổ của các nước thành viên. Theo đó, người dân của các nước này và du khách đáp ứng đủ điều kiện sẽ không phải chịu sự kiểm soát biên giới giữa các nước trong khối Schengen.
Danh sách 27 nước thành viên chính thức của khối Schengen gồm: Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, Litva, Malta, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Áo, Ý, Hy Lạp, Thụy Sĩ, Liechtenstein và Croatia.
Khách du lịch chỉ cần xin thành công visa Schengen của một trong 26 nước trên, 25 nước còn lại có thể đi lại tự do mà không cần làm thủ tục cấp visa.
“Trong điều kiện VN chưa thể mở rộng chính sách visa thông thoáng trong khu vực thì chúng ta có thể cân nhắc mở rộng đối tượng miễn visa có độ tin cậy cao như thành viên trong khối APAC, tỉ phú, 1.000 doanh nghiệp công bố trên sàn chứng khoán quốc tế…” - ông Thủy đề xuất.
Theo PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Cục Du lịch Quốc gia VN), thị thực chung tạo sức hấp dẫn không chỉ một quốc gia mà nhiều nước trong khu vực. “Trước đây, chúng tôi đã đề xuất sáng kiến visa chung cho ba nước Đông Dương (VN - Lào - Campuchia) nhưng vẫn chưa thực hiện được vì nhiều lý do khách quan” - PGS-TS Lương cho hay.
PGS-TS Lương nhận định visa chung rất có lợi, du khách đến nước này nếu còn thời gian có thể quá cảnh sang nước khác mà không cần phải xin visa. Để làm thị thực chung cần sự quyết tâm và hệ thống kiểm soát loại khách. Về mặt du lịch, lợi ích đã thấy rõ ràng, mỗi nước cần phát triển sản phẩm theo lợi thế riêng của mình.
Các nước ngồi với nhau ra chuỗi sản phẩm hấp dẫn mang tính khu vực. Ví dụ khi đến Thái Lan “bắt buộc” khách sẽ đến với VN vì nằm trong chuỗi sản phẩm chung của khu vực. Các nước cùng nhau quảng bá sản phẩm tạo sự cạnh tranh với khối khác.
“Chúng ta mong muốn đón bắt cơ hội này, bứt tốc thì không còn cách nào khác là phải chuẩn bị thật kỹ để đón khách đến nhà. Thái Lan là đối thủ lớn, họ có nhiều lợi thế và sức cạnh tranh. Vì vậy, chúng ta nên tận dụng cơ hội đặc biệt này. Ngành du lịch không thể hoạt động đơn lẻ theo cách truyền thống thông thường. Tôi đề xuất tách biệt visa du lịch và các loại visa khác, có thể là hai loại: Visa bình thường (tất cả loại khách) và visa du lịch (ưu tiên)” - PGS-TS Lương đề xuất.
Ủng hộ sáng kiến visa chung sáu nước, PGS-TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), đưa ra bốn vấn đề cần phải cân nhắc.
Thứ nhất, sự “vênh nhau” về độ mở của chính sách visa. Dù chính sách visa của VN đã thông thoáng hơn nhưng so với Thái Lan thì chưa đáng kể. Vậy thị trường khách nào sẽ được miễn visa để vào sáu quốc gia? Các nước cần ngồi lại bàn bạc để tìm tiếng nói chung, thống nhất chọn thị trường cũng như miễn visa cho những quốc gia nào.
Thứ hai, việc triển khai công tác quản lý về an ninh, an toàn của điểm đến. Khi được thông qua, du khách có thể ra vào sáu nước. Đôi khi chỉ cần đóng một con dấu như ở châu Âu. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có hệ thống kiểm soát chặt chẽ khách du lịch khi đến VN.
Thứ ba, việc kết nối tour tuyến, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Các nước cần chuẩn bị sẵn bộ sản phẩm đủ hấp dẫn, đủ chất lượng cho khách đoàn cũng như khách lẻ. Cuối cùng, công tác nhân lực phục vụ cần một tiêu chuẩn chung cho cả sáu nước.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam ủng hộ sáng kiến visa chung sáu nước
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (VN) bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến thị thực chung sáu nước của Thái Lan ở góc độ du lịch.
Cục Du lịch Quốc gia VN đánh giá sáng kiến thúc đẩy du lịch khu vực “sáu nước, một điểm đến” hướng tới visa chung cho sáu nước Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và VN sẽ tạo thuận lợi về chính sách thị thực thông thoáng, góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch trong khu vực.
“Việc thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch khu vực sáu nước thông qua thống nhất chung visa (tương tự như visa Schengen của EU) sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho du lịch khu vực” - đại diện Cục Du lịch Quốc gia VN đánh giá.
Cục Du lịch Quốc gia VN nhận định hiện nay trong hoạt động du lịch, liên kết là xu thế tất yếu. Việc áp dụng visa chung sáu nước sẽ tạo điều kiện cho sáu nước Đông Nam Á trở thành một điểm đến chung, tạo ra sức hấp dẫn hơn nhiều so với từng quốc gia riêng lẻ. Qua đó, góp phần tăng năng lực cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, sáng kiến này sẽ góp phần thúc đẩy du lịch thông suốt và thuận tiện; tăng cường kết nối giao thông đường hàng không, đường bộ, đường biển trong khu vực; thu hút vốn đầu tư và du khách quốc tế. Qua đó, thúc đẩy phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung cho các quốc gia trong khu vực.
Đối với du khách, có thể tiếp cận một lúc sáu quốc gia chỉ bằng một lần thực hiện thủ tục xin visa duy nhất sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nhận thêm nhiều giá trị trong cùng một chuyến đi thay vì phải lên kế hoạch và thực hiện từng chuyến đi riêng lẻ đến từng nước. Do đó, visa chung sáu
nước sẽ làm tăng khả năng lựa chọn điểm đến tại nhóm sáu nước cho du khách quốc tế.
Tuy nhiên, Cục Du lịch Quốc gia VN cho rằng việc xem xét, tiến tới thực hiện visa chung sáu nước cần cân nhắc
đến các yếu tố chính trị ổn định, đảm bảo các vấn đề an
ninh, quốc phòng, ngoại giao của tất cả các nước trong
nhóm nước đề xuất visa chung. Đồng thời cần xem xét tính khả thi của đề xuất bởi trong thực tế, hợp tác du lịch khu
vực, cơ chế hợp tác năm nước ACMECS (Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan) đã nhiều lần đưa ra sáng kiến visa chung nhưng đến nay chưa thực hiện được.
Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM ngày 16-4 tại buổi họp báo công bố chương trình kích cầu du lịch tỉnh Quảng Nam, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia VN, cho rằng nội dung thị thực luôn là chủ đề hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đi lại. Trên thế giới có nhiều nhóm quốc gia, điển hình như khối Schengen ở châu Âu bao gồm 27 quốc gia.
“Tôi cho rằng đây là một xu hướng chúng ta sẽ hướng tới. Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, sau đó giữa các quốc gia phải đàm phán để đi đến thống nhất chung. Về phía VN, chúng ta là thành viên luôn luôn chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế nên sẽ xem xét tham gia các hoạt động chung phù hợp với tình hình đất nước” - ông Siêu nói.
VIẾT THỊNH - THANH NHẬT
CCCD có thể được sử dụng khi du lịch nước ngoài
Khi được cho phép, CCCD sẽ được dùng thay hộ chiếu khi du lịch nước ngoài.
THU TRINH
Việc sử dụng CCCD thay cho hộ chiếu chỉ được thực hiện khi Việt Nam (VN) và nước ngoài ký kết thỏa thuận quốc tế cho phép người dân được sử dụng. Theo các chuyên gia, khi khối ASEAN thực hiện được điều này, ngành du lịch của các nước sẽ tăng khả năng cạnh tranh, giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường lẫn nhau.
Sử dụng CCCD thay hộ chiếu
Theo quy định hiện hành và quy định của Luật Căn cước (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024), CCCD/thẻ căn cước được sử dụng thay cho việc sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp VN và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân được sử dụng.
Do đó, khi VN và các nước ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép thì công dân sẽ được sử dụng CCCD thay cho việc sử dụng các giấy tờ xuất nhập cảnh hiện nay như hộ chiếu, giấy thông hành… trên lãnh thổ của nhau.
Tuy nhiên, hiện tại VN chưa ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế với các nước về vấn đề này. Theo thông tin tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các quốc gia trong ASEAN đang phấn đấu để thống nhất các loại giấy tờ.
Cụ thể, ASEAN đang hướng tới việc thống nhất không sử dụng visa tương tự như cộng đồng châu Âu (visa Schengen). Điều này đồng nghĩa với việc công dân VN có thể dùng CCCD để đi lại trong khu vực ASEAN khi các nước thống nhất được nội dung trên.
Theo các chuyên gia du lịch, việc các nước ASEAN không sử dụng visa mà chỉ sử dụng CCCD để đi lại trong khu vực được ví như cánh cửa mở ra với thế giới để hội nhập tốt hơn. Điều này sẽ có những khó khăn, thách thức đi kèm nhưng cái được đối với VN là lớn hơn rất nhiều.
Việc cấp visa du lịch duy nhất cho các nước ASEAN sẽ giúp tăng số lượng du khách ngoại quốc tới các nước Đông Nam Á cũng như tạo sự thuận tiện cho công dân VN.
Ví dụ, một khách du lịch châu Âu muốn khám phá các địa điểm khác nhau thay vì một quốc gia duy nhất sẽ gặp những khó khăn bởi sự phức tạp từ nhiều loại visa khác nhau.
Tăng năng lực cạnh tranh du lịch
“Việc sử dụng CCCD thay thế hộ chiếu hay visa là xu hướng toàn cầu hóa quan trọng và cần thiết đối với du lịch VN và du lịch Đông Nam Á” - ThS Hoàng Ngọc Hiển, Phó Trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Văn Lang, nhận định.
Du lịch và các ngành kinh tế khác của các nước ASEAN phát triển, trong đó du lịch là ngành hưởng lợi nhất, mở ra thị trường khách lớn, chi tiêu cao.
“Vì vậy, trước tiên chúng ta cần nhìn nhận sản phẩm du lịch, điều kiện về chất lượng dịch vụ, lưu trú, ăn uống để có chiến lược tạo nên sức cạnh tranh trong thị trường Đông Nam Á. Về thời gian lưu trú của du khách, Chính phủ, bộ, ngành quản lý du lịch sẽ xây dựng khung thời gian cụ thể để tạo sự thuận tiện cũng như đảm bảo yếu tố an toàn” - ThS Hiển cho biết.
ThS Mã Xuân Vinh, Phó Trưởng bộ môn Du lịch và lữ hành Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT), cũng nhận xét những mặt thuận lợi của việc sử dụng CCCD thay cho hộ chiếu thể hiện rất rõ nét, giúp cho việc thực hiện các thủ tục xuất nhập cảnh, an ninh, hành lý bị thất lạc và tìm kiếm thông tin người bị lạc trở nên thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, các thông tin trên CCCD cần phải thống nhất, đầy đủ dữ liệu của các nước với nhau thì mọi thủ tục sẽ trở nên dễ dàng.
Khi vấn đề này được thực hiện sớm sẽ thúc đẩy sự liên kết mạnh mẽ và phát triển trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ, an ninh trật tự… Từ đó, ngành du lịch của các nước sẽ tăng khả năng cạnh tranh, giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường lẫn nhau. Chất lượng các dịch vụ du lịch, nguồn nhân lực du lịch ở các nước sẽ có sự luân chuyển qua lại lẫn nhau tạo nên một môi trường phát triển sôi động.
Theo ThS Vinh, ngành du lịch của nước ta cũng có những biến động to lớn không những ở khu vực ASEAN mà còn mở rộng ra các khu vực khác trên thế giới. Các cơ sở đào tạo du lịch cần phải có những bước phát triển phù hợp về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất mới có thể đáp ứng được xu thế phát triển mới này.
Tiếp đến, VN đối mặt với khả năng cạnh tranh ngày càng cao giữa các cơ sở lưu trú, dịch vụ hàng không và điểm đến du lịch. Các nước trong khu vực khá tương đồng nhau về địa lý, khí hậu, tài nguyên du lịch... Do đó, ngoài giá cả thì chất lượng dịch vụ du lịch sẽ là yếu tố quyết định lựa chọn điểm đến của du khách.•