Lần đầu tiên, kỷ luật đảng là có thời hiệu

“Nếu nói điểm nào là mới nhất trong Quy định 102 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm thì đó là điều khoản về thời hiệu (Điều 3)” - ông Trần Đình Đồng, Vụ phó Vụ Nghiên cứu, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM chiều qua (7-12).

Quy định 102 do ông Trần Quốc Vượng, thành viên Thường trực Ban Bí thư, thay mặt Bộ Chính trị khóa 12 ký ban hành từ hôm 15-11 nhưng hai ngày trước báo chí mới đưa tin. Đây là văn bản sửa đổi, bổ sung từ Quy định 181 của Ban Chấp hành Trung ương mà Bộ Chính trị khóa 11 ban hành ngày 30-3-2013. Theo Quy định 102, đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm thì vẫn phải xem xét, kết luận và xử lý theo quy định.

Điểm mới nhất là quy định về thời hiệu

Các quy định trước đây về xử lý kỷ luật của Đảng đều không đặt ra vấn đề thời hiệu, bởi xác định đã là đảng viên thì phải gương mẫu. Và như thế, kỷ luật đảng mà về bản chất là kỷ luật-trách nhiệm chính trị không có thời hiệu.

Tuy nhiên, trong thực tế nhiều trường hợp sai phạm diễn ra đã lâu, nếu cứ đè ra kỷ luật thì cũng không còn nhiều ý nghĩa răn đe, chưa kể khả năng khắc phục hậu quả thấp. Chính vì vậy, qua nhiều cấp tham mưu, thảo luận, Bộ Chính trị thống nhất bổ sung vấn đề này. Theo Điều 3 Quy định 102, thời hiệu xử lý kỷ luật đảng là năm năm với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách, 10 năm với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.

Tuy nhiên, sẽ không áp dụng thời hiệu với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ, vi phạm về chính trị nội bộ, về an ninh, quốc phòng, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia và việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp.

Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 6, khóa XII. Ảnh: TTXVN

Quy định về thời hiệu kỷ luật đảng nói trên là dài hơn, nghiêm khắc hơn nhiều so với thời hiệu kỷ luật hành chính (24 tháng), được quy định trong Luật Cán bộ, công chức. Đây sẽ là vướng mắc khi một nguyên tắc được Đảng đặt ra là kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính của Nhà nước phải đồng bộ. Sẽ có trường hợp cán bộ, công chức là đảng viên, có vi phạm công vụ mà xét về trách nhiệm chính trị thì kỷ luật đảng được nhưng lại không thể kỷ luật hành chính tương ứng do hết thời hiệu.

“Đúng là có vướng mắc. Vừa rồi hội thảo bên Bộ Nội vụ, tôi đề nghị lần sửa Luật Cán bộ, công chức tới phải xử lý vấn đề này” - ông Đồng cho biết.

Không chịu kỷ luật chính trị thì nên đứng ngoài

Các văn bản của Đảng về xử lý kỷ luật lâu nay được thiết kế theo cách có cả quy định về nguyên tắc, quét theo chiều ngang theo các nguyên tắc chung về trách nhiệm chính trị và tổ chức, sinh hoạt đảng và các quy định quét theo chiều dọc các lĩnh vực quan trọng thuộc chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo cách ấy, có thể nói Quy định 181 trước đây đã bao quát hết các hành vi vi phạm có thể xảy ra của người đảng viên.

Không xử lý nội bộ

Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không xử lý nội bộ; bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ.

Không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước đối với đảng viên đang được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật.

Tự ý phát ngôn có thể bị khiển trách

Quy định 102 quy định rất rõ các mức xử lý đối với đảng viên vi phạm về tuyên truyền, phát ngôn. Theo đó, đảng viên có hành vi “tự ý phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và các phương tiện truyền thông khác, vi phạm Luật Báo chí, Luật Xuất bản và những quy định khác của Đảng và Nhà nước về phát ngôn, cung cấp thông tin, tuyên truyền, xuất bản” gây hậu quả ít nghiêm trọng sẽ bị kỷ luật khiển trách.

Mức kỷ luật này cũng áp dụng đối với hành vi phát ngôn hoặc cung cấp những thông tin, tài liệu, văn bản của các đề án, dự án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa được cấp có thẩm quyền cho phép phổ biến; không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.

Tới lần sửa đổi này, Quy định 102 cập nhật thêm tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12, chuyển hóa nhiều nội dung thuộc 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” thành các hành vi cụ thể với mức kỷ luật tương xứng. Theo cách này, nhóm hành vi “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” là bị kỷ luật nặng nhất, đến cách chức, khai trừ.

“Vi phạm đến mức như vậy thì anh không còn đủ tư cách người đảng viên nữa. Vậy thì anh không nên, không thể đứng trong hàng ngũ, tổ chức đảng” - ông Đồng lý giải.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết trước các quy định rạch ròi của Đảng thì đâu đó vẫn có ý kiến là khắt khe quá. Tuy nhiên, đây là sự nghiêm khắc cần thiết. Có vậy mới giữ được nguyên tắc, chuẩn mực trong sinh hoạt đảng. “Người đảng viên đã đứng trong đội ngũ thì phải chấp hành. Nếu thấy không thể thì nên đứng ngoài Đảng” - vị này nói.

Một số trường hợp bị khai trừ Đảng

- Cố ý nói, viết có nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật, phủ nhận vai trò lãnh đạo và thành quả cách mạng của Đảng và dân tộc.

- Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”.

- Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi “phi chính trị hóa” quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.

- Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học-nghệ thuật. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa-nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

- Mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định; tham gia các hoạt động rửa tiền.

- Tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh việc kê khai tài sản, thu nhập; đối phó, cản trở việc kiểm tra, giám sát, xác minh tài sản, thu nhập.

(Theo Quy định 102 của Bộ Chính trị)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới