Một buổi họp phụ huynh không áp lực, ấm áp và tràn đầy tiếng cười do thầy Phạm Thư Tùng giáo viên trường THPT Ten Lơ Man (Ernst Thalmann) quận 1, TP.HCM lên ý tưởng tổ chức cho học sinh trong hơn 4 năm qua.
Niềm vui của những người làm nghề "lái đò"
Tại buổi họp phụ huynh, các em học sinh sẽ tự lên kịch bản, từ phần đón khách, tiếp đãi phụ huynh, văn nghệ, chia sẻ tâm tư tình cảm của bản thân các em dành cho cha mẹ, thầy cô và bạn bè.
Hơn 9 năm đứng trên bục giảng, thầy Phạm Thư Tùng, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A2 chia sẻ: “Tôi thực hiện ý tưởng họp phụ huynh này đã 4 năm. Năm trước do tình hình dịch bệnh còn rất căng thẳng, các em học sinh dù đã chuẩn bị xong hết nhưng không thể thực hiện được, tôi thấy tiếc cho các em. Nên năm nay tôi quyết định tổ chức cho các em học sinh các hoạt động như tập luyện văn nghệ, viết thư tay, nấu ăn…. Các hoạt động nhằm trau dồi cho các em khả năng làm việc nhóm, lên ý tưởng kịch bản chương trình, có nhiều trải nghiệm hơn trong học tập. Tôi mong các em sẽ gắn kết với nhau hơn, tự tin trong học tập và cả trong cuộc sống”.
Thầy Phạm Thư Tùng - giáo viên chủ nhiệm lớp 10A2 là người lên ý tưởng cho buổi họp phụ huynh đặc biệt này. Ảnh: NVCC. |
Theo thầy Tùng, lớp 10 là lứa tuổi rất đặc biệt. Ở lứa tuổi này có thể thấy thời gian các em học sinh gặp nhau trên lớp còn nhiều hơn gặp ba mẹ ở nhà. Chính vì vậy mối quan hệ giữa bạn bè trong lớp cực kỳ quan trọng và kỹ năng mềm để các bạn tương tác, chia sẻ với nhau quan trọng hơn điểm số mà các em đạt được.
"Vì vậy tôi mong rằng trong buổi họp phụ huynh các bậc cha mẹ sẽ thấu hiểu con cái thông qua lá thư mà con mình đã gửi gắm. Lắng nghe các con kể về thành tích tốt xấu của con, nhìn thấy con đã trưởng thành như thế nào, con đã đạt được điều gì, học được gì…. hoặc những điều mà em cảm thấy khó khăn, vướng mắc chưa thể giải bày" - thầy Tùng bày tỏ.
Những tiết mục văn nghệ khiến không khí tại buổi họp phụ huynh sôi động hơn bao giờ hết. Ảnh: NVCC. |
Thầy Tùng tâm sự: "Khi tôi thấy các em nói lên tình cảm của bản thân với cha mẹ, thể hiện rằng các em biết ba mẹ cực khổ như thế nào, tự thấy bản thân đã sai điều gì và sẵn sàng đối diện nhận lỗi tôi đã thấy rất vui rồi.
Mong rằng qua những ý tưởng tổ chức của tôi sẽ khơi gợi sự hứng thú trong các em học sinh, sẽ để lại cho các em một chút kỷ niệm. Qua những ánh mắt ánh lên niềm vui của các bậc phụ huynh tôi nghĩ họ đã phần nào thấu hiểu được thông điệp mà mình mong muốn truyền tải. Mong rằng các bậc phụ huynh hãy dành thời gian cho con mình nhiều hơn, tâm sự với con nhiều hơn. Đừng chỉ quan tâm mãi kết quả học tập, vì những con số không phản ảnh được sự thành công và niềm hạnh phúc của con cái. Hy vọng rằng các bậc phụ huynh có thể thay đổi tư duy, cởi mở hơn với con mình, có cách nói chuyện phù hợp với con khi mà ở cái độ tuổi này sự khác biệt giữa hai thế hệ khá rõ ràng.
Em Bảo Uyên không giấu được những giọt nước mắt khi đọc lá thư của chính mình. Ảnh: NVCC. |
Hơn một người thầy
Chị Trần Huyền Nhung - phụ huynh của em Đình Quân cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm một buổi họp phụ huynh có sự chuẩn bị cực kỳ chu đáo từ chính các em học sinh, từ phần đón tiếp, chiêu đãi phụ huynh bằng chính nước uống và thức ăn các con tự lên thực đơn, tự làm”.
"Những người làm cha, làm mẹ như chúng tôi vui mừng cùng các con nhìn lại các hoạt động trong năm. Rơi nước mắt khi nghe các con tâm sự về những khó khăn các con gặp phải, từ những ngày đầu bỡ ngỡ đến lúc tự tin khám phá khả năng của bản thân và gắn kết với đồng đội thông qua sự dẫn dắt của thầy.
Xem các tiết mục văn nghệ rất hay, rất chuyên nghiệp mà các con biểu diễn, xen kẽ các video bài học cuộc sống rất gần gũi… khiến buổi họp phụ huynh trở nên sinh động hơn, dễ theo dõi và dù dài nhưng không hề nhàm chán, phụ huynh hầu hết đều ở lại đến phút cuối"- chị Nhung chia sẻ.
Hầu hết phụ huynh đều ở lại đến phút cuối. Ảnh: NVCC. |
"Là một phụ huynh, tôi không có một hình mẫu lý tưởng về một giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên, thầy Tùng là một ngoại lệ. Con tôi mỗi ngày đều có chuyện để “phàn nàn” về một giáo viên nào đó mà con cảm thấy khó khăn. Vậy mà với thầy Tùng mọi việc thầy giao hắn đều tham gia tích cực và tâm huyết. Con vui với mỗi ngày đến trường và ngóng trông những buổi đi học bồi dưỡng đội tuyển lý của thầy” – chị Nhung bày tỏ.
Chị Nhung nói tiếp: “Ở cái tuổi 16, thật khó để một đứa trẻ nói ra những cảm xúc từ đáy lòng, huống chi lại là thông điệp dành cho chính ba mẹ của mình trước mặt bạn bè. Nhưng các cháu không ngần ngại lại rất tự hào và tự tin thể hiện điều đó. Tôi thật biết ơn thầy chủ nhiệm và biết ơn các con".
Em Đỗ Phương Thảo, học sinh lớp 10A2 bộc bạch: "Tại buổi họp phụ huynh, qua việc viết thư tay như thế khiến em có thể ngồi ngẫm lại những gì mình đã có được, học được từ thầy cô bạn bè. Và điều tuyệt vời nhất là có thể nói lên những tâm tư tình cảm mình luôn giấu trong lòng cho ba mẹ và thầy Tùng. Mong rằng thầy sẽ giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết ấy để có thể giúp thế hệ tiếp tiếp nữa tốt hơn tụi em bây giờ. Em muốn cảm ơn đến người thầy tuyệt vời, nhờ thầy mà em đã có thêm sự tự tin để đứng trước đám đông, kỹ năng lập kế hoạch và nhiều kỹ năng khác nữa" - Thảo bộc bạch.
Em Đỗ Phương Thảo rạng rỡ chụp ảnh lưu niệm cùng mẹ trong ngày họp phụ huynh. Ảnh: NVCC. |
Em Phan Thanh Hải - học sinh lớp 10A2 chia sẻ: "Với em, thầy Tùng là một người rất tâm lí và cũng rất biết lắng nghe nên việc tổ chức một buổi họp phụ huynh sao cho học sinh của mình cảm thấy thoải mái và không bị áp lực lo sợ là một điều mà em thấy rõ nhất ở thầy. Thầy biến buổi họp thành buổi gặp mặt cũng như trải lòng giữa cha mẹ và con cái của họ. Nên đối với em, em cảm thấy nhờ thầy mà em có thể thoải mái đối diện cũng như nói ra những lời thật lòng trong mình đối với ba mẹ. Lần đầu trong đời em cảm thấy một người thầy mà có thể khiến em có thể bầu bạn, chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống".