Một số quốc gia châu Á đang ghi nhận sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 mới. Theo hãng tin Bloomberg, làn sóng mới tuy có gây áp lực lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe nhưng không quá lớn.
Tại Singapore - quốc gia đã bỏ hầu hết các quy định về đeo khẩu trang vào tháng 2 do mối đe dọa từ COVID-19 khi đó giảm đáng kể, số ca mắc trong tuần cuối tháng 3 lên tới 28.000, tăng hơn gấp đôi so với con số 14.467 ca của một tuần trước đó.
Ấn Độ đã báo cáo hơn 10.150 ca nhiễm mới vào ngày 13-4, tuy nhiên các bệnh viện và phòng khám ở nước này không thấy số người nhập viện gia tăng. Theo Bloomberg, quốc gia này đã tiến hành các cuộc diễn tập giả trong tuần này để xem xét mức độ sẵn sàng để đối phó với hiểm hoạ tiềm năng trong tương lai. Một số bang của Ấn Độ cũng đã áp đặt các quy định mới về đeo khẩu trang.
Giới chuyên gia kêu gọi cải thiện giải trình tự gen để phát hiện các biến thể mới. Ảnh: PA |
Số ca nhiễm ở Indonesia đã tăng lên trong những tháng gần đây khi chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, với số ca nhiễm hôm 12-4 vừa qua lên tới 987 ca. Ngày 13-4, Tổng thống Indonesia - ông Joko Widodo kêu gọi người dân tiêm liều tăng cường 2, dù nói rằng mức độ miễn dịch cao của đất nước giúp tình hình hiện tại “vẫn được kiểm soát tốt”.
Theo tờ Independent, tác nhân chính gây ra làn sóng mới là biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron, còn được gọi là Arcturus. Một nghiên từ các nhà khoa học tại Đại học Tokyo (Nhật) cho thấy rằng biến thể này có khả năng lây truyền cao hơn 1,27 lần so biến thể XBB.1.5 - còn được gọi là Kraken, biến thể lây lan mạnh nhất hiện nay, theo tạp chí Fortune.
Nghiên cứu nhấn mạnh khả năng lây lan của XBB.1.16 cho thấy nó “sẽ lan rộng trên toàn thế giới trong tương lai gần”, đồng thời cho biết thêm rằng biến thể này “kháng cự mạnh mẽ” với các kháng thể COVID-19.
Chia sẻ với Independent, Giáo sư virus học Lawrence Young của từ ĐH Warwick nói rằng sự gia tăng của biến thể mới ở Ấn Độ là một dấu hiệu cho thấy “chúng ta vẫn chưa ra khỏi khu rừng”. “Chúng ta phải để mắt đến nó. Khi một biến thể mới phát sinh, bạn phải tìm hiểu xem nó có khả năng lây nhiễm cao hơn không, và liệu nó có gây bệnh nhiều hơn không?” - ông nói.
Tiến sĩ Vipin M. Vashishtha - một bác sĩ nhi khoa và nhà nghiên cứu COVID-19 ở Ấn Độ - thì kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới cải thiện việc giải trình tự gen tại các sân bay để đảm bảo các biến thể mới được phát hiện sớm.
Hồi cuối tháng 3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố XBB.1.16 là một “biến thể đang được theo dõi”. Bà Maria Van Kerkhove - trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO - khi đó cho biết đây là biến thể dễ lây truyền nhất.