Theo chính quyền huyện An Phú, chỉ tính riêng xóm La Ma, đã có trên 40 gia đình đến cơ quan chức năng của địa phương để đăng ký thủ tục tổ chức đám cưới. Tất cả đám cưới chỉ diễn ra từ mùng 1 đến mùng 6 tết.
Sở dĩ có đám cưới “dồn dập” trong khu vực xóm như thế là do phần lớn các bạn trẻ ở đây làm ăn xa nhà, chủ yếu là ra các tỉnh miền Đông làm công nhân, tết là dịp họ được các công ty cho về quê ăn tết nên họ “tranh thủ” tổ chức cưới.
Theo thống kê mới nhất, ấp La Ma 536 hộ gia đình, 1696 dân. Trong đó, bà con dân tộc Chăm theo đạo Hồi sống rất đông đúc.
Đám cưới của bà con nơi đây cũng tổ chức đơn giản, tiệc tùng chủ yếu là bánh ngọt, trái cây và uống nước giải khát; tiệc mặn thì phổ biến là món cà ri bò và tuyệt đối không rượu, bia.
“Luật tục đạo Hồi cấm sử dụng rượu, bia nên tuy cùng lúc có hàng loạt đám cưới trong cùng một xóm nhưng hầu như không diễn ra tình trạng mất an ninh trật tự”, một cán bộ công an huyện An Phú cho biết.
Những hình ảnh trong một đám cưới của người Chăm ở An Giang - Ảnh cưới gia đình
Một hoạt động không thể thiếu trong các lễ cưới này là… ca hát. Một người dân ở La Ma cho biết, các ban nhạc phục vụ đám ở đây quan trọng đến mức nếu một cặp đôi đã định ngày tổ chức cưới, nhưng khi ấy các ban nhạc không “rảnh” thì họ có thể dời đám đến khi có nhạc phục vụ họ mới tổ chức cưới.
Ông Abubaco, phó giáo cả ở thánh đường Anromah cho biết, tuy năm nay có đến 40 đám cưới, nhưng không phải là kỷ lục tại xóm này. Đông nhất vào năm 2015, lúc ấy xóm Là Ma có đến gần 50 đám cưới cùng lúc.
Sau “hội cưới”, chú rể thường về nhà cô dâu ở thời gian, trước khi họ quyết định đi tìm kế sinh cơ mới. Vì phần lớn các bạn trẻ ở đây là công nhân, nên sau lễ cưới cũng hết tết, họ lại rời quê để bắt đầu một vòng mưu sinh mới.
Theo TIẾN TRÌNH (Tuổi trẻ)