Làng dệt Mã Châu, Quảng Nam: Vắng tiếng thoi đưa

Chị Nguyễn Thị Cửu (thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) buồn rầu bên khung cửi. Ảnh: NG.KHÔI
Chị Nguyễn Thị Cửu (thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) buồn rầu bên khung cửi. Ảnh: NG.KHÔI

Những ngày cuối năm, khác với mọi khi, Mã Châu đìu hiu như vãn chợ chiều, tiếng thoi đưa cũng thưa thớt một cách bất thường.

Làng Mã Châu có hơn 3.000 người, có đến 70% dân số sống bằng nghề ươm tơ, dệt vải bao đời nay. Sau bao thăng trầm, 10 năm trở lại đây, làng nghề dệt vải Mã Châu đã dần hồi phục và phát triển. Khi nghề dệt vải “ăn nên làm ra”, được sự khuyến khích của các cấp chính quyền, nhiều người dân đã mạnh dạn bỏ hàng tỷ đồng đầu tư máy móc. Khung cửi bằng gỗ được “cơ khí hóa” bằng những máy khung sắt rồi chuyển sang máy dệt kiếm với giá thành từ khoảng 60 - 100 triệu đồng/chiếc.

Trong một thời gian ngắn, Mã Châu đã có đến gần 3.000 khung dệt, trong đó máy dệt kiếm lên đến gần 600 chiếc và mỗi năm sản xuất ra khoảng 20 triệu mét vải các loại xuất đi khắp nơi trên cả nước… Để mở rộng quy mô sản xuất, hàng chục doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng từ 1 - 5 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị, mua nguyên liệu cũng như chi phí sản xuất…giải quyết được công ăn việc làm cho hơn 1.800 lao động địa phương. Thế nhưng, từ đầu năm 2008 đến nay, làng nghề dệt vải Mã Châu đã lâm vào cảnh khốn khó và đứng trước bờ vực phá sản khi giá nguyên liệu tăng cao trong khi sản phẩm tiêu thụ chậm.

Anh Nguyễn Hải – GĐ Công ty TNHH Hải Hiệp (làng Mã Châu, thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên), cho biết: Công ty anh có 37 khung dệt kiếm với 18 công nhân và bảo trợ nguyên liệu cho hơn 120 máy gia công, thế nhưng đến nay công ty buộc phải cắt 120 máy gia công, giảm thời gian sản xuất xuống 50% và chỉ hoạt động cầm chừng để duy trì đời sống cho anh em công nhân. “Chắc tui chỉ cầm cự được đến cuối tháng này thôi. Khó nhất bây giờ nghỉ sản xuất thì máy móc bị ẩm và gỉ sét hết, trong khi vốn vay 2 tỷ đồng của ngân hàng không biết lấy đâu mà trả. Đó là chưa nói đến gần 20 anh em công nhân…mất ăn tết” – anh Hải buồn rầu.

Mã Châu là làng nghề truyền thống, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa nổi tiếng từ rất lâu trên đất Quảng Nam. Theo dân làng thì Mã Châu trước mang tên “Tứ mã” với 4 làng Mã Thành, Mã Thượng, Mã Đông, Mã Tây và bến đò tơ nổi tiếng cung cấp các loại tơ lụa cho thương nhân nước ngoài ở cảng Trà Nhiêu - Hội An. Làng dệt vải Mã Châu nằm giữa tuyến giao thông nối 2 di sản văn hóa thế giới là Mỹ Sơn và Hội An.

Với những doanh nghiệp lớn là vậy, còn đối với người dân chuyên sản xuất gia công cho các doanh nghiệp thì họ đã “đắp chiếu” khung cửi từ mười mấy ngày trước, đời sống vô cùng khốn khó.

Chị Nguyễn Thị Cửu, chủ một cơ sở gia công gồm 6 khung cửi, than thở: “Mấy năm trước, thời điểm cuối năm là thời điểm vải bán chạy nhất, nhưng năm nay thì dệt ra bán cũng chẳng ai mua. Không có vốn đầu tư thì đành phải ngừng sản xuất thôi”. Ở Mã Châu hiện nay còn có hàng trăm hộ dân khác cũng cùng cảnh ngộ với gia đình chị Cửu.

Ông Trịnh Thành Trung – Phó Trưởng phòng Công thương, huyện Duy Xuyên, cho biết: Từ đầu năm đến nay, gần 10 doanh nghiệp dệt lớn trên địa bàn và hàng trăm hộ dân Mã Châu rơi vào cảnh khốn khó khi giá sợi tăng từ 28.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg.

Trong các tháng 7 và 8-2008, đỉnh điểm giá sợi tăng lên đến 43.000 đồng/kg trong khi giá thành phẩm thấp, sức mua chậm buộc các doanh nghiệp cắt giảm sản lượng, người dân thì ngừng hẳn việc dệt vải. Nếu tình hình kéo dài thì không chỉ các doanh nghiệp có mức vay vốn ngân hàng lớn từ 2 tỷ trở lên sẽ phá sản mà cả những sơ sở gia công cũng khó duy trì. Điều này đồng nghĩa với nhiều người dân Mã Châu thất nghiệp”.

Việc khôi phục làng nghề dệt vải Mã Châu đã khó nhưng việc giữ và phát triển làng nghề trong thời điểm hiện nay lại càng khó hơn.

Thoe Nguyên Khôi ( SGGP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm