Làng thổ cẩm duy nhất ở Ba Tơ

Trời mưa lạnh kéo dài, núi Kop K’bong, núi Ra Hang ở xã Ba Thành sương phủ trắng xóa. Nhưng khi đặt chân lên những nhà sàn của đồng bào dân tộc H’Rê ở làng Teng, cái rét mướt dường như không còn nữa. Bên bếp lửa cời than đỏ rực, đôi tay của những phụ nữ làng Teng đang thoăn thoắt dệt thổ cẩm để đua với tiết đông tàn.

Làng Teng mùa thổ cẩm

Đôi tay vẫn miệt mài, mắt vẫn không rời khung dệt, chị Phạm Thị Lời nói: “Lệ thường, sau ngày mùa bận rộn mình mới trở về bên khung dệt. Nhưng bây giờ giáp tết rồi, mình phải dệt ngày, dệt đêm. Tấm cà tu (váy dành cho phụ nữ) bình thường dệt cả tuần mới xong, giờ rút xuống còn ba ngày thôi; tấm kapen (khố dành cho đàn ông) lúc trước dệt mất bốn ngày, giờ mình phải cố gắng dệt trong hai ngày hơn. Bà con trên Ba Tiêu, Ba Vì giáp ranh với Kon Tum cứ hỏi thăm đã dệt xong chưa để xuống lấy nên mình phải cố gắng để họ có tấm thổ cẩm đón tết”.

Lại thêm một tấm cà tu dần thành hình với những hoa văn họa tiết khá sắc nét. Chị Lời bộc bạch: “Làm nhanh nhưng không được làm dối, làm ẩu đâu. Vì người mua, người bán đã quen nhau lâu rồi. Họ mua mà mặc không thích thì cái bụng của mình cũng không ưng đâu”.

Làng thổ cẩm duy nhất ở Ba Tơ ảnh 1

Chị Phạm Thị Bao đang truyền nghề dệt thổ cẩm cho con gái. Ảnh: VÕ QUÝ

Sát nhà của chị Lời là nhà của chị Phạm Thị Chuyền. Thấy khách đến nhà, chị vội cất tiếng chào nhưng mắt vẫn không rời khung dệt. Chị kể: “Hai tháng trước tết Nguyên đán và tết ngã rạ mừng mùa lúa mới của dân tộc mình, mình phải dệt suốt. Khi còn vài tuần nữa đến tết thì mình dứt khoát không nhận dệt để bán cho ai cả. Bởi mình còn phải dệt cho ba tấm kapen, cho mẹ và cho mình tấm cà tu. Giờ có chồng con rồi, mình còn dệt thêm tấm kapen cho chồng và tấm katắk (khăn dùng để quấn địu con) để địu con đi chơi tết nữa”.

Ở làng Teng có trên 70 nóc nhà và hầu như phụ nữ nhà nào cũng đang bận rộn dệt thổ cẩm. Khác với những tháng trong năm, sau khi dệt xong, chị em phải gùi đến các bản ở những xã khác hoặc ngược đường qua các huyện Sơn Hà, Minh Long để bán. Gặp khi bà con kẹt tiền thì cũng đành bán chịu (thiếu), chờ mùa lên hay bà con bán gỗ keo, bán mía mới có tiền trả nợ. Bây giờ gần tết ai cũng muốn có một tấm thổ cẩm mới nên nhu cầu mua sắm lớn hơn. Nhất là năm nay, người dân Ba Tơ thu hoạch gỗ keo khá nên càng có điều kiện mua sắm. Thổ cẩm làng Teng vì vậy cũng hút hàng. Một tấm cà tu hiện có giá 500.000 đồng, tấm kapen giá 400.000 đồng, tấm katắk giá 450.000 đồng và chiếc mul (khăn đội đầu) giá 250.000 đồng.

Độc đáo thổ cẩm H’Rê

Bà Phạm Thị Bể, 75 tuổi, nhớ lại: “Thời tui còn con gái, cả làng trồng cây bông (tiếng H’Rê gọi là rai) trên sườn đồi và dọc ven suối. Sau tết ngã rạ mừng lúa mới, khi con đường vào bản hoa gạo nở đỏ rực thì trên rẫy và dọc ven suối, cây bông cũng nở trắng xóa. Sớm sớm, tui cùng nhiều con gái H’Rê trong làng đầu chít khăn, lưng mang gùi lên rẫy hái bông rồi đem về phơi trên những chiếc nong cho bông nở bung. Sau đó, chị em dùng cái quay (tiếng H’Rê gọi là trui) kéo thành sợi, còn cánh đàn ông thì mang gùi vào rừng hái lá cây ghin gu đem về giã rồi nấu với bột gạo làm phẩm màu để nhuộm cho sợi bông có màu đen”.

Theo bà Bể, nếu muốn có màu đỏ thì phải vạt vỏ cây pắh-đếch đem về bỏ vào nồi đồng lớn nấu với một ít vôi, sau đó mới đem nhuộm sợi. Cách nhuộm này giúp sợi bông có màu đẹp và khó phai so với chỉ màu công nghiệp.

Bà Bể kể: “Thời chống Mỹ, làng bị địch càn quét, đốt sạch. Bà con phải lên núi lập làng. Có hôm địch càn đốt những rẫy bông thành tro bụi, mình tiếc đứt ruột. Nhưng nghề dệt thổ cẩm đã thấm sâu vào máu thịt của dân làng nên bà con vẫn quyết tâm giữ nghề, dù chỉ dệt bằng chỉ màu mua từ dưới xuôi về”.

TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Người H’Rê quan niệm màu đen trên tấm thổ cẩm tượng trưng cho nước và đất là âm tính, nữ tính, còn màu đỏ là thế giới vô hình, tượng trưng cho thần linh, là dương tính, thuộc về nam giới. Trên tấm thổ cẩm có những hoa văn miêu tả thiên nhiên, công cụ của người H’Rê như ba đường dích dắc (mà tiếng H’Rê gọi là Kế’r vênh, tức dòng nước xoáy), những đoạn thẳng song song và vuông góc với nhau từng đôi một (tiếng H’Rê gọi tanh, tức đan lát) hoặc có hoa văn hình cái nơm chụp cá (người H’Rê gọi là K’giúp).

Bảo tồn nghề dệt

Trước đây, cánh thanh niên thích mặc đồ Tây và con gái dần quên nghề dệt thổ cẩm, bà Phạm Thị Thuy (85 tuổi) cùng các già trong làng đã bàn bạc rồi thống nhất muốn nghề dệt được truyền đời thì trước tiên phải dạy nghề cho con cháu. Hiện cộng đồng dân tộc H’Rê vẫn rất thích mặc thổ cẩm nên việc mua bán khá thuận lợi. Đây chính là cơ sở để nghề tồn tại đến bây giờ. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) Phạm Văn Néo cho biết năm 2008, thông qua Chương trình 135 giai đoạn 2, những người già ở làng Teng còn dạy nghề trong vòng ba tháng cho 150 thiếu nữ H’Rê ở các xã lân cận để khôi phục nghề dệt thổ cẩm của đồng bào.

Chị Phạm Thị Khê, con gái bà Phạm Thị Bể, nói: “Thấy mẹ dệt cũng thích, rồi mẹ hướng dẫn cho cách dệt nên mình và em gái đã khá thuần thục nghề. Nghề dệt tuy không đem lại sự giàu có nhưng nếu siêng năng thì bà con vẫn sống được”. Đang dạy nghề cho con gái (học lớp 11), chị Phạm Thị Bao nói: “Con gái có chồng tự tay dệt tấm thổ cẩm cho chính mình, cho chồng, cho cha mẹ chồng bao giờ cũng được mọi người yêu quý”.

“Nghề dệt thổ cẩm ở làng Teng được duy trì và phát triển. Nhưng nếu so tấm thổ cẩm dệt bằng chỉ màu với tấm thổ cẩm dệt bằng sợi bông nhuộm màu của rễ cây ngày xưa thì tấm thổ cẩm ngày xưa mềm mại hơn, màu sắc khó phai hơn. Vì vậy, dân làng Teng mơ ước được Nhà nước cấp phát giống cây bông để trồng làm nguyên liệu nhằm bảo tồn nghề dệt truyền thống cho làng” - bà Phạm Thị Bể nói.

Thước đo phẩm hạnh người con gái

Trong số các dân tộc thiểu số sống trên sáu huyện miền núi ở Quảng Ngãi, đồng bào dân tộc H’Rê chiếm số lượng đông nhất, hiện có trên 113.000 dân, định cư chủ yếu ở ba huyện Ba Tơ, Minh Long và Sơn Hà. Xưa kia với hình thức tự cung tự cấp nên có nhiều làng dệt thổ cẩm. Nhưng rồi qua năm tháng và chiến tranh, nghề dệt thổ cẩm mai một dần, hiện chỉ còn làng Teng là làng dệt thổ cẩm duy nhất. Bà Phạm Thị Thuy, 85 tuổi, bộc bạch: “Hồi trước, mỗi khi dựng vợ gả chồng, những cô gái làng Teng đều dệt những tấm thổ cẩm cho mình, cho chồng và làm quà khi trở về nhà của cha mẹ chồng. Đó cũng là thước đo phẩm hạnh của người con gái làng Teng”.

VÕ QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm