Làng thơ nông dân

Vẫn biết đây là mảnh đất trăm nghề, địa linh nhân kiệt nhưng quả thật hiếm ở đâu trong tỉnh cũng như trong cả nước có một ngôi làng mà ở đó việc làm thơ, đọc thơ lại trở nên quen thuộc và gần gụi với bà con đến như vậy.

Với người làng Chùa, thơ là một nhu cầu tự thân. Từ nếp ăn, nếp nghĩ đến đời sống sinh hoạt. Tôi nhớ có lần Nguyễn Quang Thiều, một người con của làng Chùa, đã nói vui rằng ở làng này, từ chuyện một người chồng đánh vợ, dân làng cũng đọc được… thành thơ.

Chửi con cũng bằng… thơ

Những điều đó đã được kiểm chứng khi cách đấy ít phút, chúng tôi đang loay hoay ở cổng làng đã có một loạt những áp phích cổ động chỉ toàn bằng thơ: Đường làng đâu của riêng ai/ Cùng nhau gìn giữ hôm mai đi về. Tò mò, hỏi một bà cô bán xôi giò chả bên đường. Chị không trả lời mà ứng tác luôn: Làng này già trẻ gái trai/ Làm thơ không kể là ngày hay đêm.

Tôi kiếm một quán nước bên cổng đình ngồi nghỉ ngơi. Trong khi những sự lạ đang nối tiếp thì nhà bên cạnh có chị trung niên, không biết đứa trẻ mắc lỗi lầm gì mà bên chậu quần áo to tú ụ chị vừa lôi đứa trẻ ra đánh vừa mắng sa sả. Anh chồng đang trộn một đống xi măng gần đấy, không lại can ngăn mà điềm nhiên… ngâm thơ. Thơ rằng: Dạy con không dạy bằng lời/ Bà dùng roi đánh tơi bời thế a/ Chửi con bới cả ông cha/ Con hư hay chính cả bà cũng hư. Người đàn bà đỏ mặt, liếc xéo chồng một cái nhưng rồi không quát con nữa thật. Và trời ạ, một nhóm đứa trẻ con đang chơi bi gần đấy, khi chúng tôi hỏi thăm nhà trưởng thôn, đứa trẻ khoảng 5-6 tuổi ở gần nhất chạy vù vào ngôi nhà đầu tiên và hét lên: Bác ơi có khách đến nhà/ Nhìn qua thì đoán ở xa mới về…

Làng thơ nông dân ảnh 1

Nhiều tuyển tập thơ của làng Chùa đã được xuất bản. Ảnh: VĂN HƯƠNG KHÊ

Ông Lê Xuân Sủng - Trưởng thôn đồng thời là Hội phó Hội Thơ của làng, lôi trong túi áo ra một loạt những tờ giấy gấp tư: “Lúc nãy mấy cháu nhỏ gặp tôi ngoài đường dúi vào tay tôi nhờ về đọc giúp”. Ông cho biết không năm nào làng không tổ chức những cuộc thi thơ dành cho bà con. Đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ con, đến tuổi trung niên rồi cả các cụ lão thành. Có thể nói về thơ, quanh năm hội làng vẫn mở. Cái thời thơ ấu của ông Sủng qua lâu rồi nhưng những kỷ niệm của ấu thơ, những ngày cuối năm se sắt gió đồng của xứ Bắc này, ông Sủng bảo ông nhớ lắm. Cứ ngày 13 tháng Giêng hằng năm, trống dong cờ mở, ồn ã cả dải đê sông Đáy. Bà con rước Thành Hoàng làng từ đình ra văn chỉ (hội quán) để thi thơ và bình thơ. Người nào thơ hay nhất sẽ được những phần quà danh giá: đầu gà, má lợn. Nếu so về giá trị vật chất thì cũng chẳng nhiều nhặn nhưng ai cũng biết đó là “một miếng giữa làng…”.

Giờ đến thời của ông kế nghiệp các cụ đi trước. Ông tin truyền thống ấy sẽ vẫn được tiếp nối, bởi chính ông, người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, cũng không lý giải được vì sao dân làng mình lại yêu thơ và có khả năng làm thơ như vậy.

Có những việc không nói bằng lời được

“Lạ một điều, có những việc nói bằng lời không tác dụng nhưng dùng thơ rất hiệu quả chú ạ!”. Ông Sủng kể trước đây gần nhà ông có anh thanh niên bỏ bê cha mẹ già không chăm sóc. Người làng biết chuyện đã gửi ngay cho anh một… bài thơ: Cha mẹ sống trông nom chiếu lệ/ Nuôi vài năm thì kể công lao/ Cụ sống thì chẳng muốn nuôi/ Cụ quy tiên lại lôi thôi vẽ vời/ Tổ cho làng xóm chê cười/ Hiếu mà như vậy ai ơi xin đừng. Sau lần nhận được bài thơ này, mọi người thấy thái độ của anh con trai đã thay đổi hẳn, biết quan tâm lo lắng và chăm sóc cha mẹ mình hơn trước.

Cuối năm trước, làng phát động cuộc thi thơ dành cho lứa tuổi học trò. Giải thưởng trị giá chỉ 100.000 đến 200.000 đồng nhưng ban tổ chức đã nhận được gần 500 bài thơ gửi về. Tác giả nhỏ nhất là cô bé mới bốn tuổi và cao tuổi nhất là cụ ông đã ngoài 80. Ông Sủng vẫn giữ bài thơ được giải nhất của em Ngô Thị Thoa, một học sinh lớp 8 mồ côi mẹ: …Người ta vá áo bằng kim/ Mẹ ơi con hỏi vá tim bằng gì?... Trăng buồn còn có bạn sao/ Tôi buồn chẳng có bạn nào trăng ơi/ Trăng treo lơ lửng giữa trời/ Còn tôi sống giữa cuộc đời buồn tênh… Một bài thơ gây được sự xúc động và đồng cảm của người đọc.

Gặp người đẹp “cây thơ” của làng

Chưa thỏa hết tò mò, chúng tôi tạm biệt ông trưởng thôn, lên nhà ông Ngô Gia Tự, Hội trưởng Hội Thơ làng Chùa, xin hầu chuyện. Đường làng quanh co, dù đã được chỉ trước nhưng vẫn phải hỏi đường, run rủi thế nào, ngay đó bên giàn thiên lý, một cô gái đang ngồi đan nong. Tôi hỏi: “Xóm giữa đã đến chưa em? Nhà bác Tự có gần đây không?” Để rồi xin thề là tôi không bao giờ quên được ánh mắt, nụ cười và câu trả lời của người con gái có một lần được gặp gỡ ấy: Hoàng Dương là xóm của em/ Nhà ông Gia Tự ngõ trên anh à. Khi gặp được ông Tự, ông còn cho biết cô gái đó là người không những xinh đẹp mà còn là một “cây thơ” của làng. Chuyện có anh xóm dưới sau một lần gặp mặt (như tôi) đã gửi cô gái những câu: Ngày nào anh đến đan nong/ Gặp em cuốc đất bên đồng gỡ dâu/ Lạ lùng ai biết ai đâu/ Nhìn nhau lòng đã ra màu tơ vương/ Giờ dâu em mướt đồi nương/ Nong anh ngàn chiếc vấn vương tơ lòng. Vậy mà rồi cô gái đã trả lời lại thế nào mà cuối cùng chàng trai đã phải đầu hàng. Tiếc rằng câu thơ cô gái đối đáp với chàng trai ông hội trưởng này lại không nhớ!

Tiếng lành đồn xa, hơn nữa nơi đây gần như là làng duy nhất có hai hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (Nguyễn Quang Thiều, Lê Trung Tiết) cho nên bạn bè văn nghệ sĩ cả nước đến thăm cũng nhiều. Theo ông Sủng thì từ Hữu Ước, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Trần Ninh Hồ… đều đã về thăm làng ít nhất hai lần. Kỷ niệm thì có nhiều nhưng nhân dân và những người làng không quên câu thơ của nhà thơ Nguyễn Hùng Vĩ khi đã xúc động… thừa nhận: Anh là nho sĩ Nghệ An/ Gặp em cô gái nghề nan làng Chùa/ Em hỏi thì anh xin thưa/ Anh đến làng Chùa một cót văn chương. Câu thơ ấy giờ nhiều người trong làng vẫn thuộc dẫu chuyện cũng đã trên mười năm có lẻ.

Làng thơ nông dân ảnh 2

Ký sự của VĂN HƯƠNG KHÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm