Làng xe trâu

Với nhiều vùng quê, khái niệm “con trâu là đầu cơ nghiệp” đã phai mờ bởi máy móc hiện đại. Nhưng đối với người dân vùng ven biển Thừa Thiên-Huế thì con trâu không chỉ là đầu cơ nghiệp mà còn là cần câu cơm...

Thời “vàng son”

Trên tỉnh lộ 12A chạy dọc vùng ven biển huyện Phú Vang, hàng trăm người già, trẻ, gái, trai... tập trung ở đầu làng, các cửa hàng vật liệu xây dựng hay trên các bãi biển để bắt đầu chuyến mưu sinh. Không hiếm những người già tóc đã bạc nửa đầu vẫn phải trải mình cho sương gió mong kiếm lấy miếng ăn trong ngày.

Không phải ngẫu nhiên mà vùng đất này lại mọc lên những đội quân làm nghề vận xe trâu. Ngày xưa, vùng này đường sá đi lại khó khăn, cát phủ trắng, ngay cả xe ôtô cũng không thể di chuyển được vì lún nên xe trâu là phương tiện vận chuyển chủ lực. Đội quân xe trâu từ đó hình thành. Ban đầu người ta dùng xe trâu để vận chuyển cá và các dụng cụ phục vụ đi biển. Đến nay, cần chở bất kỳ cái gì “siêu trường siêu trọng” so với sức người và xe máy, người ta vẫn dùng xe trâu.

Từ những năm 2000, nhiều hộ gia đình có điều kiện xây nhà và các công trình lớn thì nghề xe trâu mới thực sự phát triển mạnh. “Như ở thôn Hà Lạc nhà nhà có xe trâu, người người làm nghề xe trâu. Vì lúc đó chẳng khi nào thiếu việc cả. Nhiều gia đình Việt kiều gửi tiền về xây nhà như nấm, thế là nghề xe trâu của chúng tôi cũng bắt đầu có miếng... Kể từ đó, ở đây hiếm có nghề nào dễ làm ăn như nghề xe trâu, thậm chí nhiều người đã bỏ luôn cả nghề đi biển để về hành nghề xe trâu...” - ông Nguyễn Sính người già nhất ở thôn Vinh An, xã Vinh Thanh kể lại.

Làng xe trâu ảnh 1

Chiếc xe trâu đã gắn bó gần 60 năm với ông Nguyễn Thiên. Ảnh: V.LONG

Phụ nữ, trẻ em cùng vào nghề như chăn trâu, cắt cỏ. Nhiều xã lân cận như Vinh Xuân, Vinh Phú... cũng nhân cơ hội đi cắt cỏ bán cho các chủ xe trâu mỗi bao tải lớn có giá 20.000 đồng để kiếm thêm thu nhập.

Nhiều đứa trẻ trong vùng cũng bỏ học đi theo nghề xe trâu kiếm sống. “Đứa nào lười học cho đi làm nghề xe trâu hết. Gia đình ai làm siêng thì có ngày kiếm được ba, bốn trăm ngàn đồng là chuyện thường... Vì vậy mà nghề xe trâu vẫn còn tồn tại cho tới hôm nay...” - ông Trần Dân, người dân xã Vinh Phú cho biết.

Giờ đây, việc ít người kéo xe trâu thì đông, cuộc sống của những tài xế xe trâu đang trở nên khó khăn hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với nhiều hộ gia đình đang đối mặt với miếng ăn, áo mặc hằng ngày.

Nhọc nhằn kiếm cơm

Vinh An là vùng đất ăn nên làm ra với những ngôi nhà biệt thự ngàn đô bỏ trống nằm trải dài hơn cả chục kilomet (nhờ người dân có thân nhân ở nước ngoài gửi tiền về xây) và những khu lăng mộ lộng lẫy hàng tỉ đồng. Nhưng bên cạnh đó có không ít những phận đời xe trâu đang núp mình để mong chờ có ai đó cất tiếng gọi.

Anh Phan Văn Linh một “tài xế” đang nằm ngủ bên cạnh xe trâu bỗng giật mình khi nghe chúng tôi cất tiếng gọi. “Trời!, tưởng là ai gọi chở hàng. Cả ngày hôm nay chờ mãi mà không thấy ai gọi đi làm, chẳng biết tối nay về ăn gì đây...!” - anh thở dài.

Cạnh anh Linh là ông Nguyễn Thiên, mái tóc đã bạc gần hết, thân người gầy gò, nước da ngăm đen, những móng chân đen sì, nứt toác và rỉ máu bởi những lần chở cát thuê ven biển. Dù đã gần 70 tuổi nhưng hằng ngày ông Thiên phải đánh trâu đi chở cát kiếm sống. “Trước đây, tui còn có sức khỏe chịu làm cũng kiếm ra tiền nhưng giờ khó lắm. Việc làm ngày càng ít, người làm lại đông, nhiều lúc cả tuần không có ai gọi...!

Làng xe trâu ảnh 2

May mắn lắm, anh Phan Văn Linh mới tìm được công việc xúc cát ven biển. Ảnh: V.LONG

Những đứa con của ông cũng chẳng khấm khá hơn cha, chúng cũng đều theo nghiệp xe trâu nên không giúp được gì cho ông. “Chỉ mong chúng đủ ăn là tui mừng lắm rồi....”. Vì vậy hai ông bà chỉ trông chờ vào những chuyến xe của ông. Ngày nào may mắn có tiền lại mua bó rau, con cá không thì cơm chan với nước mắm ông tự làm.

Hầu hết những người cùng lứa tuổi như ông đều đã “nghỉ hưu” hết. Vì làm nghề này phải bốc vác, công việc nặng nhọc không đủ sức thì không làm được. Nhưng vì miếng cơm, ông không thể bỏ nghề xe trâu. Trừ khi điều không may mắn xảy ra đối với ông...!

Nương tựa vào nhau

Đang ngồi tán chuyện, anh Nguyễn Đức nhận được điện thoại của người quen rồi giật bắn người lên, tay cầm dây trâu hí hửng bảo: “Có việc làm rồi anh em ơi...”. “Việc gì vậy cho làm với!” - mấy người chọc anh. Anh cười tít mắt rồi nhìn quanh một vòng, thấy ông Phạm Văn Đống, 65 tuổi, đang nằm co ro bên chiếc xe trâu, anh chạy lại phổ vào lưng một cái, ông Đống giật mình tỉnh dậy. “Đi làm với cháu, bác...”. Khuôn mặt ủ rũ của bác đã căng lớp da lên vì vui sướng. “Ừ, cho bác đi với...”.

Đến bãi gạch, anh Nguyễn Đức lại gặp ông Nguyễn Thiên đang ngồi chờ việc thế là gọi ông đi cùng. Anh nhanh nhẹn chất đầy xe sau 15 phút. Thấy ông Thiên, ông Đống vẫn chưa xong anh liền chạy sang giúp. “Nhanh lên hai bác ơi, không thì khuya chủ họ về bác cháu mình không có tiền thì bị các bác gái xích lại ngoài sân đấy...” - anh Đức chọc. “Tao có phải như mày đâu, giờ già yếu rồi, bà có xích thì cho bà xích thôi...” - ông Thiên đáp, cả ba người cùng cười rồi cùng đánh trâu đi.

Anh Đức nói lúc nào có việc không những anh mà nhiều thanh niên trai tráng luôn nhường cho người lớn tuổi hơn làm hoặc hai người cùng làm. “Riêng mình mà có việc thì luôn gọi bác Nguyễn Thiên, Nguyễn Đống, Phạm Thanh Bình... nếu các bác chưa đi làm cùng ai. Giờ các bác già rồi, nhiều lúc người ta cũng ít khi thuê nên phải gọi đi cùng, bác cháu vừa có cơm, vừa đỡ mệt... còn tiền thì 50/50 thôi...” - anh Đức cười nói.

“Ở đây nhờ có thằng Đức, Hiền, Trung... lâu lâu nó gọi mình đi làm cùng không thì nhiều hôm về tay trắng. Giờ sức khỏe không có, may ra thì xúc hai xe cát mỗi ngày. Nếu mà chúng không gọi làm cùng thì mình phải đi ăn xin mất...” - ông Nguyễn Đống thở dài.

Thường mỗi ngày may mắn, ông Nguyễn Đống, Nguyễn Thiên kiếm được 200.000 đồng, còn có ngày thì tay trắng trở về. Nhiều lúc hai ông muốn bỏ cái nghề này để đi làm việc gì nhẹ nhàng hơn kiếm hai ông bà ngày hai bữa cơm. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại giữa cái đất cát trắng này biết đào đâu ra công việc nên phải bám trụ được ngày nào hay ngày ấy...!

Nghiệp theo trâu

Ông Nguyễn Sính ở xã Vinh An (huyện Phú Vang) có bốn người con lúc nhỏ đều theo ông đi làm nghề xe trâu, lớn lên lấy vợ, bốn anh em đều theo nghề cha. “Tui làm từ lúc lên 10 tuổi, lớn lên lấy vợ, giờ hai vợ chồng tiếp tục theo nghề cha. Biết là vất vả nhưng dù sao cũng có cái nghề mà kiếm sống...” - anh Nguyễn Tuấn, con trai ông Sính cho biết.

Làng xe trâu ảnh 3

Nghề xe trâu đang đối mặt với nỗi lo thất nghiệp. Ảnh: V.LONG

Tháng 12-2008, ông Nguyễn Văn Quyệt, 49 tuổi, làm nghề kéo xe trâu ở xã Vinh Xuân bị trâu húc chết. Trước đó, ông Dụng Giác mua được con trâu từ Nam Đông về để làm nghề xe trâu kiếm sống nhưng không ngờ con trâu bỗng dưng bị điên húc vào ông khiến ông phải nhập viện. Nghe tin ông Giác bị trâu đâm, anh Nguyễn Văn Quyệt, bạn đồng nghiệp đã chạy ra bắt con trâu về giùm nhưng kết cục anh bị trâu húc chết, để lại một người vợ và năm đứa con trong túp lều rách nát.

NGUYỄN VIẾT LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm