Lãnh đạo làm gương, xe đạp công cộng mới phát triển?

Vừa qua tại TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu Vùng và Đô thị (CRUS) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM (HIDS) tổ chức buổi tọa đàm “Hệ thống xe đạp công cộng: Sự cần thiết và tiềm năng phát triển tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

Dịp này, các chuyên gia trình bày về vai trò của xe đạp công cộng trong đời sống đô thị, đưa ra những tiềm năng phát triển hệ thống xe đạp tại một số nơi, góp ý kiến về giải pháp để phát triển xe đạp công cộng.

Theo ông Vương Đình Huy, đại diện Viện nghiên cứu và phát triển TP.HCM (HIDS), khảo sát của nhóm nghiên cứu tại 2 khu vực ở thành phố là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) và Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM (Thủ Đức) hoàn toàn khả thi cho việc phát triển mô hình xe đạp chia sẻ.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát và cho kết quả 65% người dân Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và 41% sinh viên Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM sẵn sàng cho việc di chuyển bằng xe đạp.

PGS.TS  Nguyễn Minh Hòa phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: NC

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng Khoa Đô thị học (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), việc tổ chức không gian cho xe đạp ở khu vực trung tâm 930 ha và các quận lân cận là điều không dễ.

Bản thân khu vực trung tâm đã quá dày đặc người, xe cộ và các dịch vụ, do vậy tổ chức không gian cho xe đạp là sắp xếp, thu dọn sao cho xe đạp có chỗ đi, chỗ đậu mà lại thuận lợi cho mọi người. Nếu sử dụng xe đạp mà vất vả thì không ai sử dụng cả. Chính vì thế, trước mắt là lập các bãi thuê xe tự động như các nước đã làm phục vụ cho khách du lịch nước ngoài và cho người dân sử dụng. Nếu giá cả hợp lý, khai thác tốt, sử dụng thuận tiện thì chắc chắn hàng triệu khách du lịch mỗi năm sẽ đón nhận như ở các thành phố khác trên thế giới….

"Đồng thời, để làm được điều này thì trước mắt các quan chức chính phủ, cán bộ công chức thành phố phải làm gương và thật kiên trì. Sau đó xây dựng thành phong trào văn hóa xe đạp trong đoàn viên thanh niên, sinh viên, thanh niên xung phong",…PGS.TS  Nguyễn Minh Hòa trình bày.

Một hệ thống xe đạp công cộng tại các nước

Trước đó, ngày 27-1-2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 148/TTg-KTN về việc thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn, trong đó có yêu cầu UBND các thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ) chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm thành phố.

Hệ thống xe đạp công cộng (bicycle-sharing schemes - BBS) bắt đầu từ thập niên 1960 tại Amsterdam và liên tục phát triển với sự tiến bộ của kỹ thuật và nhu cầu của người dân trong quá trình phát triển đô thị. Người sử dụng hệ thống xe đạp công cộng sẽ trả phí để thuê một xe đạp có sẵn trong hệ thống để sử dụng với khoảng cách ngắn, theo một lộ trình nhất định. Nhờ internet và kỹ thuật số, việc lấy xe, trả xe cũng như việc trả phí sử dụng ngày càng nhanh chóng và thuận tiện.

Một cách tổng quát, hệ thống xe đạp công cộng góp phần giải quyết các vấn đề về giao thông và môi trường – biến đổi khí hậu, đồng thời, tạo điều kiện rèn luyện sức khỏe và thư giãn cho người dân. Bên cạnh đó, hệ thống xe đạp công cộng còn thúc đẩy các hoạt động kinh tế chia sẻ trên nền tảng mô hình đi lại thông minh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm