Kênh Channel News Asia ngày 21-9 cho biết Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, bệnh lao và sốt rét (GFATM) đã gây được khoản ngân sách hoạt động là 14,25 tỉ USD trong Hội nghị bổ sung lần thứ bảy của quỹ này diễn ra bên lề kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 77.
Số tiền gây quỹ sẽ còn tăng thêm
Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, người chủ trì hội nghị, số tiền trên sẽ giúp cứu sống 20 triệu người trên thế giới và giảm tỉ lệ tử vong do các bệnh này thêm 64% trong bốn năm tới. Số tiền mà Mỹ cam kết hỗ trợ cho Quỹ GFATM trong đợt này là 6 tỉ USD.
Theo ước tính của GFATM, kể từ khi thành lập năm 2002, hoạt động của quỹ phối hợp với các quốc gia đã cứu sống được khoảng 50 triệu người. Từ tháng 3-2020, quỹ đã chi 4,4 tỉ USD để giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đối với các lĩnh vực chủ chốt và chống đại dịch.
Trong khi đó, Tổng thống Malawi (một quốc gia ở khu vực Đông Phi) Lazarus Chakwera cam kết hỗ trợ 1 triệu USD. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của Quỹ GFATM đối với người dân Malawi khi đây là một cứu cánh cho tính mạng của họ. Theo số liệu từ Chương trình phối hợp của LHQ về HIV/AIDS (UNAIDS), gần 990.000 người trưởng thành và trẻ em ở Malawi bị lây nhiễm AIDS vào năm ngoái, còn bệnh lao cũng là một “vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn ở Malawi”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu thuộc Liên minh châu Âu (EU) Ursula von der Leyen đưa ra mức hỗ trợ khoảng 703,63 triệu USD cho Quỹ GFATM. Bà cho biết con số này tăng 30% so với cam kết trước đó của EU. “Chúng ta có thể chống lại những căn bệnh khủng khiếp này. Chúng ta sẽ chấm dứt AIDS, chúng ta sẽ chấm dứt bệnh lao, chúng ta sẽ chấm dứt bệnh sốt rét - một lần và mãi mãi” - bà Ursula von der Leyen thể hiện sự quyết tâm.
Lãnh đạo một số nước tham gia Hội nghị bổ sung lần thứ bảy của Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, bệnh lao và sốt rét ngày 21-9. Ảnh: REUTERS |
Tham dự hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết đóng góp khoảng 296 triệu USD, nâng tổng số tiền đóng góp của Pháp trong giai đoạn tài trợ lên hơn 1,5 tỉ USD.
Một số nước khác cũng hỗ trợ rất đáng kể cho Quỹ GFATM như Nigeria cam kết 13,2 triệu USD, Hà Lan hỗ trợ 177,6 triệu USD và Indonesia cam kết 15,5 triệu USD.
Một đại diện của Quỹ GFATM cho biết con số 14,25 tỉ USD có thể sẽ tăng lên do dự kiến sẽ có nhiều khoản đóng góp hơn.
Cuộc chiến chống AIDS, lao và sốt rét còn khó khăn
Trong báo cáo công bố ngày 12-9, Quỹ GFATM cho biết số người tiếp cận được với các nỗ lực điều trị và phòng ngừa bệnh AIDS, lao và sốt rét đã tăng trở lại vào năm ngoái sau khi giảm lần đầu tiên sau gần 20 năm vào năm 2020.
Dù vậy, Giám đốc điều hành Quỹ GFATM Peter Sands chia sẻ với hãng tin Reuters rằng không phải tất cả tiến bộ đều trở lại như cũ. “Phần lớn các quốc gia đã thực hiện tốt các nỗ lực để phục hồi sau sự gián đoạn khủng khiếp của năm 2020 nhưng chúng ta vẫn chưa đạt đến mức mong muốn. Vẫn đang còn quá nhiều người phải chết vì những căn bệnh này” - ông Sands chia sẻ.
Cụ thể, số người được điều trị bệnh lao đã giảm 19% trong năm 2020 xuống còn 4,5 triệu người. Đến năm 2021, con số này lại tăng 12% lên 5,3 triệu người - thấp hơn so với mức hơn 5,5 triệu người được điều trị trước đại dịch. Dù số lượng các chương trình phòng chống sốt rét và AIDS đã cao vượt mức năm 2019, tác động từ đại dịch vẫn khiến các nước đi chệch hướng trong mục tiêu xóa sổ các căn bệnh này vào năm 2030.
Ông Sands cũng cảnh báo rằng tác động của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu - vốn đang trầm trọng hơn do cuộc xung đột ở Ukraine, sẽ khiến tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Các bệnh truyền nhiễm thường gây tử vong nhiều hơn cho những người có cơ thể suy yếu do suy dinh dưỡng khiến những người này cũng không đáp ứng tốt với các nỗ lực điều trị hoặc phòng ngừa. Do đó, ông Sands cho rằng “nhiều khả năng” Quỹ GFATM sẽ phải làm việc với các đối tác để cung cấp hỗ trợ dinh dưỡng, từ đó có thể tăng cơ hội cứu sống nhiều người.•
Sốt rét, bệnh dịch lan tràn ở vùng lũ tại Pakistan
Reuters dẫn thông tin từ chính quyền Pakistan ngày 22-9 cho biết các dịch bệnh nhiễm trùng da và mắt, tiêu chảy, sốt rét, thương hàn và sốt xuất huyết đang lây lan trên diện rộng do điều kiện sống không đảm bảo vệ sinh của người dân nước này ở những vùng còn ngập trong nước lũ. Thống kê đến ngày 21-9 đã có 324 người Pakistan chết vì sốt rét và các loại bệnh truyền nhiễm khác.
Một báo cáo từ chính quyền tỉnh Sindh ở phía đông nam Pakistan cho biết các cơ sở y tế tạm bợ và trại di động ở các khu vực bị ngập lụt đã phải điều trị cho hơn 78.000 bệnh nhân trong 24 giờ qua và hơn 2 triệu bệnh nhân kể từ đầu tháng 7.
Đại diện Liên Hợp Quốc tại Pakistan cho biết các ca sốt rét, thương hàn và tiêu chảy đang lan nhanh, thêm 44.000 ca sốt rét đã được báo cáo trong tuần này ở các tỉnh phía nam.
Giám đốc Dịch vụ Y tế tỉnh Balochistan phía tây nam Noor Ahmed Qazi cho biết bệnh sốt rét đang lây lan nhanh chóng ở các khu vực xung quanh các vùng nước tù đọng. “Chúng tôi đang tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân sốt rét hằng ngày trong các trại y tế và bệnh viện. Chúng tôi cần thêm thuốc và dụng cụ xét nghiệm ở các khu vực bị lũ lụt” - ông kêu gọi.