“Hành trình của những người nghèo nhất”, đó là cụm từ được sử dụng để chỉ quá trình gian lao của các đối tượng nhập cư tại Pháp trên con đường đi tìm… sức khỏe! Bởi đang tồn tại một hiện trạng bất bình đẳng trong chăm sóc y tế dành cho các đối tượng này, cả từ nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Năm 2013, Bác sĩ Thế giới đã thống kê được tại 20 trung tâm tiếp nhận con số 29.960 người bị hệ thống y tế của nhà nước loại thải, trong đó không ít những trẻ em bơ vơ và phụ nữ đang mang thai bị bỏ rơi, trong khi nam giới thường ở độ tuổi trung bình là 33, xuất thân từ vùng châu Phi hạ Sahara, Bắc Phi và Liên minh châu Âu và 97% đang sống dưới mức nghèo khổ và 27% hoàn toàn không có tài sản riêng nào. Họ thiếu miếng ăn và khoảng 1/3 trong số đó có các biểu hiện bệnh lý từ vấn đề dinh dưỡng.
Tính chung, 36% các đối tượng bệnh nhân nói trên đến với Bác sĩ Thế giới do không có điều kiện để khám sức khỏe định kỳ và 20% đã từ chối khám y tế trong năm nay. Lý do là họ không rành luật lệ tại Pháp mà thủ tục rườm rà, họ lại không có tiền để đi điều trị khi ngã bệnh, chưa kể đến rào cản ngôn ngữ, họ không rành tiếng Pháp và tâm lý lo sợ bị cảnh sát bắt giữ, nhất là đối với những người nhập cư bất hợp pháp. Thế cho nên đối với họ, có bệnh thì nằm đó mà… chịu!
Những mảnh đời… Idriss, một thanh niên Cameroun đến khám Bác sĩ Thế giới khi anh cảm thấy “khó ở” và không có tiền, thậm chí chỉ để mua một chiếc vé đi metro cũng không có. Hawa, 27 tuổi, một cô gái người Mali đến Pháp vào đầu năm nay: “Nhiều lần tôi nhịn đói suốt cả ngày, một ly nước cũng không có để uống”. Cô đến phòng khám Bác sĩ Thế giới do đau dạ dày dữ dội nhưng bị các bệnh viện từ chối tiếp nhận cấp cứu “bởi vì tôi không có giấy tờ tùy thân”. Cô đang sống một mình và không nơi trú thân, cô ngủ nhờ nhà ai đó nếu có thể, đôi khi ngủ trong nhà xe hoặc nằm ngoài trời. Cô khóc khi nói rằng ngày nào cô cũng gọi 115 (cấp cứu) nhưng vô ích, bởi theo thông tin, người gọi được 115 phải là người có quốc tịch Pháp. Cô đã có thai năm tuần, từ hậu quả sau một đêm ngủ nhờ nhà một thanh niên và buộc phải “chiều chuộng” anh ta. |