Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Thanh Hà, Trưởng phòng Hàn Quốc, Tây Á, châu Phi - Cục Quản lý lao động ngoài nước, lý giải nguyên nhân của vụ việc là do quan hệ lao động với chủ không được tốt. Thời gian mới sang, chủ chậm trả lương và lạm dụng thời gian làm việc kéo dài mà không trả thêm lương khiến chị Hạnh bất bình, đòi hủy hợp đồng.
Sau khi có phản ánh của người lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã liên hệ Công ty TSC thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), đơn vị môi giới đưa chị Hạnh sang Saudi Arabia làm việc, nắm tình hình.
Qua thẩm định, Cục xác định có sự việc không thực hiện đúng hợp đồng nên cần đổi chủ hoặc giải quyết cho người lao động về nước.
Phía người lao động, chị Hạnh kiên quyết đòi về trong khi chủ muốn giữ chị Hạnh làm cho hết tháng lễ Ramadan. Sau đó lại nảy sinh vấn đề do chị Hạnh về nước trước thời hạn nên công ty môi giới làm việc với người lao động chưa thống nhất phí bồi thường dẫn đến thủ tục chậm trễ (gần hai tháng).