Lao động nữ mang thai được hưởng quyền lợi từ bảo hiểm xã hội ra sao?

(PLO)- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa trả lời kiến nghị cử tri liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ mang thai.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa ký công văn trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Hải Dương, Khánh Hòa và Bình Thuận liên quan đến thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội.

Theo đó, Bộ LĐTB&XH nhận được kiến nghị của cử trì các tỉnh nói trên do Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến.

Cụ thể kiến nghị số 64 nêu "Lao động nữ luôn là đối tượng thiệt thòi trong việc tiếp cận và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội. Đề nghị quan tâm đến quyền lợi của lao động nữ, nhất là chế độ thai sản, ốm đau, khám sức khỏe định kỳ, số lần khám thai, số ngày nghỉ để chăm sóc con của người bố”.

Tại kiến nghị số 81 cử tri đề nghị: “Thực tế hiện nay khi lao động nữ mang thai đi khám thai định kỳ bác sĩ thường chỉ định khám lại sau 30 ngày. Tuy nhiên theo quy định hiện tại lao động nữ chỉ được đi khám thai tối đa 5 lần. Vì vậy, đề nghị xem xét, quy định tăng số lần khám thai lên 9 lần trong thai kỳ để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi. Đồng thời, đề nghị quan tâm hơn nữa đến quyền lợi của lao động nữ, nhất là chế độ thai sản, ốm đau, khám sức khỏe định kỳ, số ngày nghỉ để chăm sóc con của người bố"…

Theo Bộ LĐTB&XH, quá trình xây dựng chính sách nói chung và chính sách bảo hiểm xã hội nói riêng đều quan tâm, xem xét, đánh giá kỹ lưỡng các tác động của chính sách đến lao động nữ nhằm đảm bảo quyền lợi và khả năng tiếp cận cao nhất của lao động nữ đối với chính sách bảo hiễm xã hội, đặc biệt liên quan đến các chế độ ốm đau, thai sản.

Quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đều có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Y tế.

Theo tài liệu “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản" của Bộ trưởng Bộ Y tế, mỗi phụ nữ mang thai phải được quản lý thai và khảm thai ít nhất 4 lần trong thai kỳ. Pháp luật về bảo hiểm xã hội không quy định về thời gian, số lần đi khám thai của người lao động mà chỉ quy định số lần, thời gian lao động nữ nghi việc khi đi khám thai được hưởng chế độ thai sản do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả.

bao-hiem-xa-hoi1.jpg
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 qui định nhiều quyền lợi cho phụ nữ mang thai, sinh con.

Ngày 29-6-2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã có nhiều quy định nhằm gia tăng khả năng tiếp cận, tham gia bảo hiểm xã hội và gia tăng quyền thụ hưởng đối với lao động nữ.

Cụ thể bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; bổ sung chế độ thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; bổ sung quy định về hưởng chế độ ốm đau đối với trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày; điều chỉnh tăng thời gian tối đa được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai khi đi khám thai là 2 ngày/lần; bổ sung điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh; quy định trường hợp lao động nữ mang thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên đủ điều kiện quy định mà bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp lao động nữ sinh con; bổ sung quy định Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng…

Như vậy, Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH nội dung cử tri kiến nghị đã được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm