Lập liên minh bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí

Ngày 5-11, tại TP.HCM, Bộ TT&TT tổ chức diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” để các cơ quan quản lý, các cơ quan báo chí và các doanh nghiệp trao đổi, đề xuất tìm ra những giải pháp cho vấn đề này.

Diễn đàn cũng góp phần xây dựng và phát triển môi trường báo chí lành mạnh, trung thực, tôn trọng bản quyền. Mục đích là tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tập trung phát triển các nội dung riêng biệt để khai thác kinh doanh, tăng doanh thu từ nội dung riêng biệt thông qua quảng cáo và thu phí bạn đọc.

Hàng ngàn tác phẩm bị xâm phạm bản quyền

Tại diễn đàn, ông Đinh Đức Thọ (Tổng thư ký tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM) chia sẻ: Giống nhiều tờ báo khác, báo Pháp Luật TP.HCM đang phải đối mặt với nạn xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí ngày càng nghiêm trọng.

Một ngày báo Pháp Luật TP.HCM sản xuất 150-200 sản phẩm báo chí các loại gồm tin, bài, phóng sự ảnh, video, infographic, long-form…, xuất bản cả trên báo in lẫn báo điện tử. Tuy nhiên, rất nhiều sản phẩm ngay sau khi xuất bản thì đã bị các trang web khác, các tài khoản mạng xã hội… tự ý lấy, khai thác sử dụng trái phép mà không trích dẫn nguồn, dẫn link.

Thậm chí có khi báo vừa xuất bản một phóng sự điều tra độc quyền thì ngay sau đó đã có những trang tin tức trên mạng lấy và xuất bản trái phép trên trang của họ để câu view. Chưa kể, trên mạng từng xuất hiện cả những trang web giả mạo, mạo danh logo của báo Pháp Luật TP.HCM, những fanpage trên mạng xã hội giả danh là fanpage của báo...

Ông Lê Xuân Trung (Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ) cho biết: Thống kê đến nay cho thấy báo Tuổi Trẻ bị lấy nguyên văn 16.641 tác phẩm báo chí. Ban đầu báo gọi điện thoại nhắc nhở, nếu tiếp tục vi phạm thì phát công văn cảnh báo, sau đó kiến nghị cơ quan nhà nước quản lý xử lý. Thậm chí báo Tuổi Trẻ từng đề nghị rút giấy phép hai trang mạo danh của báo.

Theo ông Trung, cái mất của việc bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí là cơ hội lấy tin, bài, hình ảnh nóng, độc quyền của báo khác để giữ view, tăng view… Đổi lại, việc bảo vệ bản quyền sẽ không bị mất tin, bài, hình ảnh nóng, hay, độc quyền, giữ được view, xây dựng thương hiệu, phong cách riêng, chuyên nghiệp để thu hút ngày càng nhiều độc giả. “Cân nhắc giữa được và mất, tôi cho rằng việc bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí sẽ có được giá trị nhiều hơn so với mất” - ông Trung nói.

Ông Nguyễn Thanh Vân (Phó Trưởng ban kiểm tra Đài Truyền hình Việt Nam) chia sẻ về tình hình xử lý vi phạm bản quyền tại cơ quan này. Theo đó hai công ty phải bồi thường 500 triệu đồng vì tự ý khai thác phim Bí thư tỉnh ủy, Chạy án của VTV. Hai nhà mạng lớn và một cá nhân bị xử phạt 75 triệu đồng do phát Sống chung với mẹ chồngNgười phán xử… Ngay đầu năm 2020, đài cũng xử lý một công ty truyền thông và đòi bồi thường thiệt hại gần 300 triệu đồng do tự ý khai thác một chương trình của VTV trên YouTube.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT, phát biểu tạei diễn đàn. Ảnh: N.NGA

Cần tăng mức phạt hành chính

Theo ông Đinh Đức Thọ, hậu quả của nạn xâm phạm bản quyền báo chí thì các tờ báo là nạn nhân, trong đó có báo Pháp Luật TP.HCM. Các báo sẽ bị giảm sức hút đối với bạn đọc, giảm số lượng bạn đọc, giảm view. Thậm chí có những trường hợp bị mất uy tín vì bị những trang web, tài khoản mạng xã hội cắt cúp sản phẩm rồi tổng hợp, xào nấu chế biến dẫn đến sai lệch nội dung nhằm phục vụ ý đồ riêng của họ. Hệ quả tất yếu là cơ quan báo chí sẽ bị ảnh hưởng nặng nề tới doanh thu phát hành, quảng cáo, truyền thông...

Trước tình hình này, báo Pháp Luật TP.HCM đã thành lập tổ bản quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của báo khi bị xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí.

Cũng theo ông Thọ, hiện nay mức xử phạt hành chính một số hành vi xâm phạm bản quyền còn thấp, chỉ khoảng 5-30 triệu đồng. Do đó, để chống vấn nạn xâm phạm bản quyền báo chí, đề nghị tăng mức xử phạt gấp ba, gấp năm lần thì mới đủ tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.

Ông Lê Xuân Trung đưa ra giải pháp là các tờ báo chấm dứt việc lấy nội dung của nhau. Theo đó các báo cùng ký kết tôn trọng và bảo vệ bản quyền của nhau, công bố trước công chúng để quyết tâm thực hiện và công chúng giám sát. Cơ quan quản lý nhà nước chứng kiến và làm trọng tài cho việc hình thành liên minh bảo vệ bản quyền báo chí.

Đồng thời với việc tự nguyện, tự giác thực hiện của các cơ quan báo chí tham gia liên minh bảo vệ bản quyền báo chí, các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan tư pháp “ra tay” thực thi nghiêm luật.

Báo chí tôn trọng bản quyền không chỉ thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật mà còn thúc đẩy cạnh tranh sáng tạo, lành mạnh, chuyên nghiệp để thu hút độc giả trung thành và phát triển sự nghiệp bằng uy tín, thương hiệu được công chúng bảo chứng.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm (Cục trưởng Cục Báo chí), việc làm ngơ với sai phạm trên các nền tảng xuyên biên giới đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới các cơ quan báo chí Việt Nam.

Cụ thể, các cơ quan báo chí sẽ bị chiếm đoạt sức lao động và giá trị sáng tạo, tự cạnh tranh không bình đẳng với các trang tin vi phạm bản quyền báo chí. Doanh thu quảng cáo suy giảm, chưa được chia sẻ lợi ích thỏa đáng từ việc cung cấp nội dung cho các nền tảng xuyên biên giới.

Từ đó, ông Lâm đề ra giải pháp bảo vệ bản quyền cho các cơ quan báo chí Việt Nam trên nền tảng số. Cụ thể là truyền thông công khai các biểu hiện vi phạm pháp luật Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới, buộc tuân thủ luật pháp Việt Nam về quản lý nội dung, quản lý quảng cáo. Các báo kêu gọi hình thành các liên minh bảo vệ bản quyền nội dung của báo chí…

Trả tiền để sử dụng tin tức báo chí trên mạng xã hội?

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, giới thiệu kinh nghiệm quốc tế khi xử lý vi phạm bản quyền:

Úc yêu cầu Google và Facebook phải trả chi phí cho các cơ quan báo để được sử dụng tin tức trên nền tảng mạng xã hội.

Tây Ban Nha ban hành điều luật cho phép các cơ quan báo chí buộc Google trả tiền cho việc các dòng tin chính (headlines) xuất hiện trên Google News.

EU: Các công ty công nghệ phải trả tiền cho việc sử dụng tin tức của các cơ quan báo chí trên các nền tảng xã hội.

Mỹ có đạo luật bảo tồn và cạnh tranh cho phép các cơ quan sản xuất nội dung trực tuyến thương lượng với các nền tảng về những nội dung mà họ có thể phân phối.

Cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn các báo

Đề nghị các cơ quan báo chí cần phải nâng cao nhận thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ để bảo vệ quyền lợi của mình. Cạnh đó, đánh giá cao một số cơ quan báo chí như báo Pháp Luật TP.HCM, báo Tuổi Trẻ đã có biện pháp, phương án tự bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí của mình.

Về việc báo chí liên kết với nhau để thành lập liên minh bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí, ngoài vai trò các cơ quan báo chí, doanh nghiệp… thì các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn các đơn vị cách làm khi bị xâm phạm quyền lợi.

Thứ trưởng Bộ TT&TT HOÀNG VĨNH BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm