Ngày 12-5, tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho hay Chủ tịch UBND TP, ông Nguyễn Thành Phong, vừa ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư “Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM, vốn vay Ngân hàng Thế giới”. Thời gian thực hiện dự án bắt đầu từ năm 2016 đến 2021.
Dự án trên được giao cho Trung tâm Chống ngập TP.HCM làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 9.570 tỉ đồng (tương đương 437 triệu USD). Mục tiêu chính của dự án là nâng cao năng lực quản lý, phòng chống ngập úng, cải thiện môi trường. Đồng thời kết hợp các công trình liên quan để ngăn triều, đảm bảo thoát nước, chống ngập cho vùng trung tâm TP trước biến đổi khí hậu.
Lưu vực chống ngập chính của dự án nằm dọc tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Ảnh: TRUNG THANH
Các công trình chống ngập thuộc dự án sẽ được triển khai thực hiện trên địa bàn các quận 8, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Trong đó, khu vực chính mà dự án nhắm đến là lưu vực Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (dài 33 km) với tổng diện tích hơn 14.900 ha.
Cụ thể, dự án sẽ lắp đặt năm trạm khí tượng, một trạm radar thời tiết, 80 trạm đo mưa và 20 trạm đo thủy văn. Cùng với đó là các công trình quan trọng còn lại như xây dựng cống ngăn triều kết hợp với âu thuyền tại rạch Nước Lên và sông Vàm Thuật, xây dựng tuyến đê kè dọc tuyến kênh Tham Lương, xây tuyến cống bao ở quận Gò Vấp…
Có khoảng 2 triệu dân sẽ được thụ hưởng tiện ích về môi trường mà dự án mang lại. Ảnh: TRUNG THANH
Theo quyết định phê duyệt, dự án có vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) là 400 triệu USD, vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM là 37 triệu USD.
Kết quả dự kiến mà dự án sẽ đạt được là giúp khoảng 14.900 ha đất (lưu vực Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên) được bảo vệ trước các trận ngập có tần suất lớn 10 năm xảy ra một lần. Theo đó, sẽ có khoảng 2 triệu dân sống trên lưu vực này được tiếp cận các tiện ích về môi trường.