Ngày 21-10, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày trước Quốc hội đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, nguồn lực cần cho việc tái cơ cấu sẽ lên đến hơn 10 triệu tỉ đồng, tức khoảng 480 tỉ USD.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCMbên lề buổi thảo luận tổ về chủ đề này ngày 22-10 tại Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã giải thích về khoản 10 triệu tỉ đồng này.
. Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, Việt Nam lấy đâu ra 10 triệu tỉ đồng để tái cơ cấu kinh tế?
+ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chúng ta phải cân đối chung nguồn lực của đất nước và nguồn lực của xã hội để tái cơ cấu. Nếu chỉ dùng ngân sách thì không thể có 10 triệu tỉ đồng, ngân sách không đủ. Chủ trương chung trong tái cơ cấu cũng là không dựa, không quá phụ thuộc ngân sách.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Trong 10 triệu tỉ đồng tái cơ cấu nền kinh tế, ngân sách sẽ gánh 1/3". Ảnh: CHÂN LUẬN
. Vậy chúng ta huy động nguồn lực xã hội thế nào?
+ Chúng ta huy động nguồn lực kể cả từ nước ngoài, cả tư nhân trong nước.
. Ngân sách dự kiến sẽ chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong số 10 triệu tỉ đồng?
+ Chúng tôi chưa xác định chính xác, chi tiết. Nhưng dự kiến cơ cấu 10 triệu tỉ đồng này có thể ngân sách sẽ gánh 1/3, còn các nguồn lực xã hội khác sẽ huy động 2/3.
. Quy mô nền kinh tế Việt Nam chỉ vào khoảng 200 tỉ USD. Như vậy, khoảng 3 triệu tỉ đồng có ngốn mất quá nhiều ngân sách cho phát triển không?
+ 1/3 trong số 10 triệu tỉ đồng sẽ được lồng ghép trong chương trình kế hoạch đầu tư công trung hạn năm năm 2016-2020. 2 triệu tỉ đồng đầu tư công trong kế hoạch này nằm trong nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế.
. Liệu dân có tin tưởng để bỏ tiền ra đầu tư đến mức hơn 6 triệu tỉ đồng không?
+ Chúng ta phải tạo môi trường thuận lợi, minh bạch, thông thoáng để người dân sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư một cách an toàn, hiệu quả. Điều chủ yếu là phải tạo được niềm tin cho người dân đối với Nhà nước và nền kinh tế để họ yên tâm đầu tư, làm ăn.
. Với các nhà đầu tư nước ngoài, phải làm sao để đầu tư vào công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam?
+ Chúng ta phải tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch, cạnh tranh so với các nước khác để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đây chính là nỗ lực của Chính phủ trong thời gian gần đây khi tích cực cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường pháp lý an toàn, thân thiện và cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
. Những vụ tham nhũng hàng ngàn tỉ đồng, những công trình thua lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng. Ta có thể giải quyết để tập trung nguồn lực cho tái cơ cấu không, thưa Bộ trưởng?
+ Trung ương đã chỉ đạo và Bộ KH&ĐT đã xây dựng đề án thành lập ủy ban đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Tức là chúng ta sẽ tách chức năng sở hữu và chức năng quản lý ra. Hy vọng các quyết định đầu tư, việc quản lý dự án sẽ được tiến hành chặt chẽ hơn, giảm rồi dẫn đến không còn thất thoát, lãng phí.
. Xin cám ơn Bộ trưởng.