Chỉ cần hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm
Qua tổng hợp ý kiến đóng góp của các đoàn đại biểu (ĐB), cơ quan, đơn vị về việc sửa đổi các quy định trên cho thấy nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh ở cơ quan hành pháp hoặc đối với các chức danh thuộc hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Trường hợp vẫn lấy cả khối dân cử thì nên phân chia hai hình thức lấy phiếu khác nhau đối với các chức danh thuộc hai khối này.
Một số ý kiến cho rằng chỉ cần quy định hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm. Ảnh: CT
Về hình thức lấy phiếu, đa số ý kiến cũng cho rằng quy định ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp như trong Nghị quyết 35 là không phù hợp. Theo đó, các ý kiến đề nghị cần phải sửa đổi theo hướng chỉ quy định hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm. Tương tự, quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm theo định kỳ mỗi năm một lần cũng được kiến nghị sửa đổi theo hướng mỗi nhiệm kỳ QH chỉ hai lần lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp thứ 5 và thứ 9. Đồng thời, bổ sung quy định về sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào quá trình lấy phiếu tín nhiệm cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ giám sát cán bộ, công chức, ĐB dân cử của tổ chức này.
Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ĐBQH Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng nên tiếp tục duy trì hình thức lấy phiếu mỗi năm một lần. “Thực tế, sau lần đầu tiên thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, nhiều bộ trưởng, trưởng ngành có số phiếu tín nhiệm thấp đã kịp thời điều chỉnh, giúp hoạt động của bộ, ngành ngày càng tốt hơn. Do đó cần tiếp tục thực hiện hình thức mỗi năm lấy phiếu tín nhiệm một lần để cảnh báo những hạn chế và khắc phục” - ông Kiêm nói.
Bỏ phiếu ngay nếu không được tín nhiệm
Về bỏ phiếu tín nhiệm, theo quy định hiện hành, các trường hợp có 2/3 số ĐB đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc hai năm liên tiếp có dưới 50% số phiếu tín nhiệm thì sẽ bị đem ra bỏ phiếu tín nhiệm và tiến hành các quy trình bãi, miễn nhiệm. Đóng góp vào quy định trên, một số ĐB cho rằng không phù hợp, chưa bảo đảm được sự kịp thời trong việc thay thế các cán bộ có khuyết điểm hoặc năng lực quản lý yếu kém. Do đó các ý kiến đề nghị nên sửa đổi theo hướng các trường hợp có trên 50% ĐB đánh giá “không tín nhiệm” sẽ bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm ngay mà không cần phải qua hai năm lấy phiếu tín nhiệm liên tiếp.
Liên quan đến nội dung này, ĐBQH Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, cho rằng chỉ nên quy định bỏ phiếu tín nhiệm chứ không quy định lấy phiếu tín nhiệm. Còn “trong trường hợp vẫn phải quy định hình thức lấy phiếu thì chỉ lấy khối hành pháp và nếu có trên 50% số ĐB không tín nhiệm thì đưa ra bỏ phiếu luôn chứ không đợi hai lần liên tiếp như quy định cũ nữa” - ông Tiến đề xuất.
Vấn đề này được dự thảo Luật Tổ chức QH sửa đổi nêu rõ: Việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện khi các chức danh không được quá nửa tổng số ĐBQH tín nhiệm thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu để bầu hoặc đề nghị phê chuẩn người đó có trách nhiệm trình QH xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người không được QH tín nhiệm”.
Ngoài hình thức trên, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH hoặc 20% số ĐBQH có kiến nghị, đề nghị thì có thể tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn như chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; chủ tịch QH, phó chủ tịch QH, chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm ủy ban của QH, các thành viên khác của UBTVQH; thủ tướng Chính phủ, phó thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ… Đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm được ĐB đưa ra bằng văn bản, nêu rõ họ tên, chức vụ của người bị đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm và lý do đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm, sẽ được tập hợp đầu mỗi kỳ họp.
THÀNH VĂN
Quan trọng nhất là phải khách quan, thực chất Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một thành viên Ủy ban Pháp luật của QH cho hay: “Khi xây dựng Nghị quyết 35 chúng ta đã thảo luận rất nhiều về các mức tín nhiệm và quyết định lựa chọn ba mức. Nay chúng ta thấy không còn phù hợp thì sửa. Tuy nhiên, quan trọng nhất trong việc sửa lần này là phải làm sao để việc lấy phiếu phải thực chất và khách quan. Những người thuộc diện bị lấy phiếu cũng có cơ hội để giải trình làm rõ vấn đề trên”. ĐB trên nói và dẫn chứng ví dụ như hiện dư luận đang quan tâm đến câu hỏi là có dịch sởi hay không và tại sao không công bố dịch. Như thế trong trường hợp này cần phải có giải trình làm rõ trách nhiệm của bộ trưởng Bộ Y tế, từ đó đại biểu đánh giá mức độ tín nhiệm cho đúng. “Cái chính vẫn là phải làm sao để việc đánh giá tín nhiệm phải khách quan và thực chất” - đại biểu này nhấn mạnh. Thảo luận về thẻ căn cước công dân Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 27, trong tuần này ngoài việc thảo luận về sửa đổi Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, UBTVQH sẽ nghe và cho ý kiến vào nhiều dự án luật quan trọng như Luật Thi hành án dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Tổ chức TAND, Luật Đầu tư, Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân. Ngoài ra, TVQH cũng sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của QH; dự thảo nghị quyết về việc các cơ quan của QH, ban của UBTVQH, đoàn ĐBQH, ĐBQH, HĐND, ĐB HĐND các cấp tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. T.VĂN |