Tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

Tại cuộc họp ngày 21-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, trong kỳ họp thứ 7 tới đây (dự kiến khai mạc tháng 5-2014).

Tạm dừng để sửa đổi

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho hay việc dừng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp QH tới là căn cứ vào Thông báo 149 của Bộ Chính trị ngày 20-12-2013. Trong thông báo nêu rõ Bộ Chính trị sẽ căn cứ ý kiến của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI để sửa đổi, bổ sung Quy định 165 (ngày 18-2-2013) về việc tiến hành tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh theo quy định Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Hội nghị Trung ương 10. Và QH sửa đổi Nghị quyết 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

“Với tinh thần đó, ở những nơi mà các cấp ủy chưa tiến hành lấy phiếu tín nhiệm thì dừng việc lấy phiếu tín nhiệm trong năm 2013 đối với thành viên cấp ủy và lãnh đạo cao cấp trong các cơ quan Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội. QH và HĐND dừng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong kỳ họp đầu năm 2014 chờ hướng dẫn của Bộ Chính trị để thực hiện thống nhất trong thời gian tới” - bà Nương nói và đề nghị tại kỳ họp thứ 7 tới đây, UBTVQH có tờ trình đề nghị QH thông qua nghị quyết về việc tạm dừng, cũng như xin ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35.

Các đại biểu QH bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5, năm 2013. Ảnh: CTV

Về định hướng sửa đổi, bà Nương cho hay thông báo của Bộ Chính trị nêu hai phương án để sửa đổi, bổ sung để lấy ý kiến đóng góp. Trong đó, phương án một vẫn là lấy phiếu tín nhiệm hằng năm như quy định hiện hành; và thứ hai là mỗi nhiệm kỳ cấp ủy, QH, HĐND lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ. Thời điểm lấy phiếu do Bộ Chính trị, QH quyết định.

Băn khoăn việc tạm dừng

Cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tiến hành và nhân dân đánh giá rất cao và là kênh quan trọng để đánh giá cán bộ nên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị khi chưa có quyết định của Bộ Chính trị thì chưa nên nói đến chuyện dừng hay không; đợi đến khi Bộ Chính trị có quyết định thì mới bàn đến. Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cũng băn khoăn, dư luận kể cả trong nước và nước ngoài đều đánh giá cao kết quả lấy phiếu tín nhiệm, “kết quả tốt mà tạm thời dừng thì nói thế nào đây”.

Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng trong quá trình làm lần đầu có những góp ý về phương thức làm, cách làm cần rút kinh nghiệm thì phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi nghị quyết để thực hiện hiệu quả hơn. Do đó, tới đây UBTVQH sẽ trình ra QH nêu rõ là trong quá trình thực hiện Nghị quyết 35 còn có ý kiến khác nhau nên phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. “Việc tạm dừng này chỉ là tạm dừng thực hiện tại kỳ họp tháng 5 tới đây, còn sau đó thế nào, có lấy phiếu trong kỳ họp cuối năm hay không, hay như thế nào sẽ do QH quyết định” - ông Hùng nói.

THÀNH VĂN

 

Chỉ nên có hai mức: Tín nhiệm và tín nhiệm thấp

Tổng hợp kiến nghị của các địa phương cho thấy nhiều nơi đề nghị chỉ nên quy định hai mức tín nhiệm và tín nhiệm thấp chứ không nên chia làm ba mức như hiện nay (tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp). Đồng thời, trong lần lấy phiếu tín nhiệm, nếu người nào có phiếu tín nhiệm thấp trên 50% thì nên tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm chứ quy định như hiện nay 2/3 số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp mới bị bỏ phiếu là không phù hợp.

Nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm khối hành pháp

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, ông Ksor Phước, việc lấy phiếu tín nhiệm là kênh nhận xét, đánh giá cán bộ của Đảng và được nhân dân hết sức trông đợi. Tuy nhiên, điểm yếu của kênh này là chỉ đánh giá được một bộ phận cán bộ rất quan trọng chứ không phải toàn bộ cán bộ rất quan trọng của Đảng. “Tôi đồng ý tạm dừng theo đề nghị của Ban Công tác đại biểu. Nhưng tới đây khi sửa cần phải tính toán giảm bớt bỏ phiếu khối dân cử, mà tập trung vào khối hành pháp để phản ánh đúng thực tế các ngành, cán bộ đề ra chính sách. Bởi thực tế khi lấy phiếu khối dân cử ít va chạm với dân nên thường được tín nhiệm cao; còn khối hành pháp, va chạm thường xuyên, hằng ngày với dân nên phiếu tín nhiệm thường thấp hơn” - ông Ksor Phước nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm