Trình bày báo cáo, Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương, cho hay việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, thực hiện cũng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Một số nơi thậm chí phải tổ chức thêm một kỳ họp bất thường để lấy phiếu tín nhiệm… Do đó, cần phải đánh giá, rút kinh nghiệm và báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương về một số vấn đề trong việc lấy phiếu tín nhiệm…
Từ những vấn đề trên, Ban công tác các đại biểu đề nghị dừng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ việc lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp Quốc hội thứ 7 và đầu năm 2014 để chờ hướng dẫn mới của Bộ Chính trị về nội dung trên. Ngoài ra, tại kỳ họp thứ 7 sẽ báo cáo Quốc hội và xin ý kiến các đại biểu về báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm cũng như việc có sửa đổi Nghị quyết 35 hay không.
Cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tiến hành và nhân dân đánh giá rất cao và là kênh đánh giá cán bộ quan trọng nên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị khi chưa có quyết định của Bộ Chính trị thì chưa nên nói đến chuyện dừng hay không. Đợi đến khi Bộ Chính trị có quyết định thì mới bàn đến. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội Nguyễn Hạnh Phúc, cũng cho rằng đang thực hiện và kết quả rất tốt, giờ dừng lại thì sẽ thế nào đây. Do vậy tại kỳ họp tới đây thì báo cáo Quốc hội rằng, vì cần có báo cáo tổng kết việc lấy phiếu nên tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cho hay Bộ Chính trị mới chỉ đạo dừng việc lấy phiếu tín nhiệm trong đầu năm 2014 và yêu cầu sử Nghị quyết 35 chứ không phải là việc dừng hẳn.
Thành Văn