Lấy ý kiến trẻ em về dự thảo Luật Đất đai: Nên làm thế nào?

(PLO)- Từ việc lấy ý kiến của trẻ em về Luật Đất đai vừa rồi, sẽ còn nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình lấy ý kiến đối với dự thảo quan trọng này. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cách đây ít ngày, dư luận có phần xôn xao khi Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến của trẻ em đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Một số ý kiến tỏ ra chưa đồng tình, cho rằng đây là việc làm hình thức, gây lãng phí không cần thiết, rằng “trẻ con không biết gì”. Vậy thì nên nhìn nhận điều này như thế nào?

Trước hết, hãy bắt đầu từ bản chất chế độ - Nhà nước của dân, do dân, và vì dân, tư tưởng chủ quyền Nhân dân trong các bản Hiến pháp, mà gần nhất là Hiến pháp 2013.

Ở đó, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân.

Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

Nhân dân viết hoa ấy theo nghĩa rộng nhất không phân biệt tuổi tác, giới tính, dân tộc, nghề nghiệp, bằng cấp. Nhân dân ấy có quyền hiến định ý kiến, kiến nghị, chứ không đợi khi các cơ quan nhà nước, các ban soạn thảo dự án luật tổ chức lấy ý kiến…

Nhà nước, trong nguồn lực hữu hạn của mình, có những ưu tiên tại từng thời điểm. Chẳng hạn lúc này đây là sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Đất đai. Với ưu tiên ấy, Nhà nước chủ động tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, mà như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Không để bất cứ ý kiến nào của người dân không được tiếp thu, không được tổng hợp và giải trình.

Dự thảo Luật Đất đai có nội dung liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội đó là trẻ em. Cụ thể, tại Điểm d Khoản 2 Điều 104 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, các khoản sẽ bao gồm: "Hỗ trợ cho trẻ em chưa đến tuổi lao động, người khuyết tật, người cao tuổi theo quy định của pháp luật"... Theo khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH15 năm 2022, một trong các nhóm đối tượng lấy ý kiến dự thảo luật đất đai là các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Như việc các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội chủ động lấy ý kiến Nhân dân, trong đó có trẻ em, về dự án luật này, là điều hoàn toàn đúng đắn, cần thiết.

Vấn đề ở đây là phải tổ chức lấy ý kiến như thế nào để đảm bảo thực chất, tránh hình thức, gây lãng phí, tốn kém ngân sách?

Học sinh Trường THCS Lương Yên đóng góp ý kiến về Luật Đất đai. Ảnh: Dân Việt

Học sinh Trường THCS Lương Yên đóng góp ý kiến về Luật Đất đai. Ảnh: Dân Việt

Luật Đất đai hẳn là một đạo luật lớn, phức tạp, nhiều thuật ngữ pháp lý chuyên ngành, mà chắc chỉ một số chuyên gia pháp lý mới có thể góp ý trực tiếp trên điều khoản của dự thảo luật. Vậy nên, khi lấy ý kiến với đông đảo người dân cần có giải pháp phù hợp.

Thứ nhất, lấy ý kiến theo nhóm đối tượng, và lựa chọn những điều khoản, những qui phạm pháp luật gắn bó, tác động trực tiếp đến đối tượng được lấy ý kiến. Ví dụ: Với học sinh, nên ưu tiên hỏi ý kiến phần chính sách đất đai dành cho trường học, khu vui chơi, công viên. Với đồng bào dân tộc thiểu số thì tập trung vào chính sách đối với đất rừng, đất nông nghiệp, đến tập quán sử dụng đất của địa phương.

Thứ hai, diễn giải qui phạm pháp luật trong dự thảo thành ngôn từ dễ hiểu hơn đối tượng lấy ý kiến. Ví dụ: Khái niệm “đất của đơn vị sự nghiệp” nên được diễn giải thành đất của trường học, đất của bệnh viện, viện nghiên cứu. Nên dùng tranh vẽ, hình ảnh, sơ đồ, bảng so sánh giúp người dân nắm được các chính sách của dự luật.

Thứ ba, quan tâm đặc thù các nhóm yếu thế và thiểu số trong tiếp cận các qui định của pháp luật. Ví dụ: Nên có bản dịch tóm tắt các vấn đề của dự thảo luật sang tiếng dân tộc thiểu số, có bản chữ nổi Braille, bản thu âm cho người khiếm thị, bản tóm tắt để thuyết trình bằng lời nói cho người chưa biết chữ…

Thứ tư, ý kiến đóng góp của người dân cần được ghi nhận, và chuyển hóa thành đề xuất chính sách, phản ánh lên cơ quan chủ trì lập pháp. Để làm được điều này, cần có những cán bộ pháp chế có chuyên môn sâu, có tư duy tổng hợp, phân tích, và khả năng diễn đạt tốt. Quan trọng hơn hết, cán bộ làm công tác lấy ý kiến phải có tâm huyết, có sự khiêm cung, có tâm thế tiếp thu, không phán xét những ý kiến đóng góp của Nhân dân, dù cho những ý kiến đó có thể ngô nghê.

Quá trình lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang tiếp tục, và trong tương lai sẽ có nhiều dự án luật tiếp tục được lấy ý kiến Nhân dân. Từ việc lấy ý kiến của trẻ em vừa rồi, sẽ còn nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra, để các cơ quan hoạch định chính sách, lập pháp lắng nghe được đầy đủ ý kiến của tất cả các tầng lớp Nhân dân. Việc tiếp thu và vận dụng những bài học này là cực kì cần thiết trong quá trình xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm