Thông tin việc lấy ý kiến trẻ em về dự thảo Luật Đất đai

(PLO)-  Ông Hà Đình Bốn, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khẳng định việc lấy ý kiến của học sinh về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là đúng quy định pháp luật.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-3, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham gia của học sinh Trường THCS Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Thông tin này được lan truyền trên mạng xã hội. Từ đó, có một số băn khoăn, thắc mắc rằng đây là vấn đề vĩ mô, liệu trẻ em có đủ hiểu biết để tham gia, góp ý...

Học sinh Trường THCS Lương Yên đóng góp ý kiến về Luật Đất đai. Ảnh: Dân Việt

Học sinh Trường THCS Lương Yên đóng góp ý kiến về Luật Đất đai. Ảnh: Dân Việt

Trao đổi vớiPLO chiều 10-3, ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), khẳng định việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.

Từng là Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ LĐ-TB&XH, cơ quan chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền trẻ em, ông Bốn dẫn khoản 5, Điều 5 Luật Trẻ em: “Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành và địa phương”.

Cạnh đó, khoản 4 Điều 92 Luật Trẻ em giao Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam “kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em; tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với các cơ quan nhà nước có liên quan về các vấn đề về trẻ em và việc vi phạm pháp luật về trẻ em”.

Ông Bốn đánh giá các quy định pháp luật như vậy là rất rõ ràng. Tuy nhiên, rất đáng tiếc, một bộ phận không nhỏ trong xã hội, kể cả cán bộ công chức chưa hiểu biết đầy đủ.

“Họ vẫn nghĩ rằng trẻ em thì biết gì mà tham gia, mà không hiểu rằng các văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình dự thảo, xây dựng có liên quan đến trẻ em, mà không tổ chức lấy ý kiến các em là trái quy định của pháp luật, tước đi quyền tham gia của trẻ em…” - ông Bốn nói.

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đánh giá Luật Đất đai đang được nghiên cứu, sửa đổi toàn diện lần này có nội dung liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, trong đó có trẻ em. Chẳng hạn, cần đặt ra các yêu cầu khi thu hồi đất thì cần đảm bảo những điều kiện thế nào cho trẻ em đang cư trú hoặc có đời sống gia đình liên quan đến khu đất đó, trường hợp nào thì trẻ em cần được hỗ trợ...

Xác định trẻ em là đối tượng chịu sự tác động của Luật Đất đai, vậy nên Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã chuẩn bị bộ câu hỏi đơn giản, dễ hiểu để tổ chức hội nghị lấy ý kiến các em.

Theo ông Bốn, tại hội nghị vừa triển khai, trẻ em được lấy ý kiến đều là học sinh lớp 8-9, đã có nhận thức. Cùng tham gia với các em còn có ban giám hiệu nhà trường. Việc các em tham gia góp ý cho dự luật này là phù hợp với tính chất công việc lấy ý kiến của Nhân dân, bao gồm trẻ em, với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đang triển khai.

Cũng bình luận về hoạt động này, một chuyên gia trong lĩnh vực trẻ em cho biết Bộ LĐ-TB&XH năm 2018 đã ban hành Thông tư 36 trong đó có hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật… Thực tế, công tác này chưa thực sự được quan tâm, vậy nên những hoạt động như việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến các em về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đáng hoan nghênh và nên nhân rộng.

Hiện nay, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.

Các câu hỏi được đưa ra trong buổi thảo luận

1. Sự cần thiết trong việc đảm bảo nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em khi Nhà nước thu hồi đất.

2. Đối tượng cần được Nhà nước hỗ trợ khi thu hồi đất có nên bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên từ đủ 16 đến 18 tuổi.

3. Trường hợp trẻ em là người được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, có cần để bố và mẹ hoặc người giám hộ cùng đứng tên trên giấy để giúp các em trong quá trình mua bán các tài sản này hay không.

4. Sự cần thiết việc lấy ý kiến trẻ em khi xây dựng chính sách pháp luật về đất đai có liên quan đến trẻ em và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan tới trẻ em.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm