Tuổi lên năm, giải Fair Play của báo Pháp Luật TP.HCM đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đại gia đình bóng đá. Đó không chỉ là giải thưởng mà là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người, mỗi thành viên tham gia vào việc làm sạch và đẹp ngôi nhà bóng đá…
Các cổ động viên VFS trong buổi lễ trao giải năm 2015. Ảnh: XUÂN HUY
Bắt đầu từ năm 2012, giải Fair Play ra đời trong hoàn cảnh sân cỏ nước nhà liên tục để lại nhiều hình ảnh xấu xí, bạo lực. Từ ý tưởng của cố nhà báo Minh Hùng, báo Pháp Luật TP.HCM quyết tâm khai sinh ra giải thưởng này và lập tức được sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhiều người, nhiều giới và đặc biệt là người hâm mộ.
Giải năm 2012 chứng kiến sự đăng quang của hậu vệ Võ Nhật Tân của đội Đồng Tâm Long An. Cũng năm này ban tổ chức còn trao danh hiệu Vinh danh Fair Play cho ông Phạm Huỳnh Tam Lang và cầu thủ Phan Văn Tài Em vì những đóng góp trước đó và nêu cao tinh thần fair play từ khi giải thưởng này chưa ra đời…
Sang đến năm 2013, tiếng vang của giải Fair Play được nhân rộng. Sự hưởng ứng của giới chuyên môn và người hâm mộ càng lớn mạnh thì hiệu ứng và ý nghĩa của giải này càng được nhân rộng hơn.
Ấn tượng lớn nhất với hình ảnh Fair Play tiêu biểu cho bóng đá Việt Nam năm 2013 chính là tập thể cầu thủ U-19 đã thi đấu với một tinh thần cao thượng tại vòng chung kết U-19 Đông Nam Á và vòng loại châu Á tại Malaysia. Rõ nét nhất và đáng trân trọng nhất là trận chung kết với đội chủ nhà U-19 Indonesia, các cầu thủ U-19 Việt Nam đã bị trút mọi đòn đau và lối đá bạo lực nhưng các em vẫn tỉnh táo chơi một thứ bóng đá nghệ thuật, không cay cú. Dù thua đau trong trận chung kết đấy nhưng các em đã được giới truyền thông đánh giá cao về hành động fair play của mình và xứng đáng nhận giải thưởng tôn vinh lối chơi đẹp của LĐBĐ Đông Nam Á dành cho các em.
Cũng ở giải Fair Play 2013 phần thưởng Vinh danh Fair Play được trao cho ông bầu Đoàn Nguyên Đức - người đã có những cống hiến lớn cho bóng đá Việt Nam khi kiên trì nuôi dưỡng lứa cầu thủ trẻ của Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG đóng góp nhiều vào danh sách U-19 Việt Nam thi đấu thật thuyết phục…
Đến năm 2014 khi giải Fair Play bước sang tuổi lên ba, danh hiệu cao quý nhất giải một lần nữa lại được trao cho tập thể các cầu thủ U-19 Việt Nam. Những người tiếp tục duy trì lối chơi cống hiến đẹp mắt và làm dậy sóng ở các khán đài cả nước.
Đấy cũng là năm mà cái đẹp được thể hiện trên sân bóng nước ngoài, đặc biệt là sau sự cố các cổ động viên (CĐV) quá khích của Malaysia đánh các CĐV Việt Nam thì vài ngày sau lại là hình ảnh trái ngược trên sân Mỹ Đình. Không có đổ máu, không có đòn thù mà trái lại sự cảm hóa “đối thủ” bằng hình ảnh đẹp của VFS, của các CĐV Việt Nam hiếu khách và thân thiện. Điều mà báo chí nước ngoài đã lên tiếng và cảm phục bởi bóng đá là biểu trưng của hạnh phúc, của hòa bình và sự cảm hóa lẫn nhau bằng tình người.
Cũng năm 2014, ban tổ chức còn trao danh hiệu Vinh danh Fair Play cho ông Trần Anh Tú - người đã có những đóng góp âm thầm nhưng lớn lao cho Futsal Việt Nam có bước phát triển vững mạnh.
Năm 2015 ở tuổi lên bốn, lần đầu tiên Fair Play tôn vinh một cầu thủ người nước ngoài: Tiền đạo Abass Dieng, người Senegal đang khoác áo CLB B. Bình Dương. Abass đã để lại hình ảnh xúc động khi “tha thứ” cho người đồng nghiệp làm gãy chân mình. Chính Abass đã giải tỏa được nỗi dằn vặt và cả sự lên án của nhiều người khi nghĩ rằng Thanh Hào đã chủ động đá xấu tiền đạo của B. Bình Dương. Thật dung dị và chân thật, Abass dù rất đau đớn nhưng vẫn vẫy tay chào khán giả khi nằm trên băng ca và sau đó còn an ủi ngược lại Thanh Hào.
Năm 2016, giải Fair Play ở tuổi lên năm với nhiều kỳ vọng dù bóng đá nước nhà đang hoang mang trước một mùa giải xấu tốt lẫn lộn. Đấy cũng là năm đội tuyển nữ và đội tuyển quốc gia làm nhiệm vụ ở giải AFF Cup. Mới nhất là hình ảnh các cầu thủ U-16 Việt Nam dù về nhì nhưng đã để lại nhiều hình ảnh đẹp, giàu cảm xúc. Chính các em đã khởi đầu cho một lễ công bố mà chắc chắn sẽ có nhiều đề tài để những nhà chuyên môn bàn luận ở tuổi lên năm của giải Fair Play.