Để kiểm tra, tôi đã nhiều lần đọc lén các tin nhắn của cháu nhưng chưa thấy gì. Một lần như vậy cháu đã phát hiện và cho rằng tôi xâm phạm bí mật riêng tư. Tôi muốn hỏi tôi có quyền làm như vậy hay không?
Nguyễn Thị Thủy (TP Biên Hòa, Đồng Nai)
Luật sư NGUYỄN HỒNG TẢN, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trả lời: Do đây là lứa tuổi đang có nhiều biến đổi về tâm sinh lý nên cả gia đình, nhà trường cần có sự quan tâm, thận trọng trong cách đối xử, giáo dục.
Theo khoản 2 Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”. Mặt khác, tại khoản 3 Điều 38 BLDS nêu: “Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định”.
Như vậy, dù cháu là con bạn nhưng nếu xét về luật bạn đã có dấu hiệu vi phạm đối với quyền bí mật, riêng tư của con. Để không bị coi là xâm phạm đời tư của con, bạn không nên xem lén tin nhắn của con mà nên quan tâm, gần gũi, chia sẻ với con nhiều hơn và nếu cần, bạn có thể đến tham vấn ý kiến của các chuyên gia tâm lý trong lĩnh vực này.