LHQ kêu gọi các thành viên WTO không áp đặt hạn chế xuất khẩu thực phẩm

(PLO)- Liên Hợp Quốc kêu gọi bộ trưởng thương mại các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới không áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với thực phẩm vì mục đích nhân đạo, trong bối cảnh khủng hoảng lương thực gia tăng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 13-6 kêu gọi bộ trưởng thương mại các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với thực phẩm vì mục đích nhân đạo, hãng AFP đưa tin.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu gia tăng.

Bà Michelle Bachelet - cao ủy LHQ phụ trách nhân quyền. Ảnh: AP

Bà Michelle Bachelet - cao ủy LHQ phụ trách nhân quyền. Ảnh: AP

Bà Michelle Bachelet - cao ủy LHQ phụ trách nhân quyền -– và bà Rebeca Grynspan - Tổng Thư ký Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) – ngày 13-6 cho biết chiến sự tại Ukraine đang làm tăng nguy cơ đói kém cho hàng chục triệu người.

Lưu ý đến các nước kém phát triển, các nước đang phát triển nhập khẩu lương thực ròng và những nước phụ thuộc vào Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ, bà Bachelet và bà Grynspan cho biết các nước châu Phi trong năm 2020 đã nhập khẩu khoảng 80% lương thực và 92% ngũ cốc.

Theo đó, bà Bachelet và bà Grynspan kêu gọi các thành viên WTO "không áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với các loại thực phẩm thiết yếu” – nguồn thực phẩm mà các nước kém phát triển và các nước đang phát triển nhập khẩu lương thực ròng mua, cũng như các loại được WFP mua vì mục đích nhân đạo phi thương mại.

Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 12 của WTO (MC12) đã khai mạc tại trụ sở của WTO ở Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 12-6.

Trong cuộc họp kéo dài bốn ngày này, các nước thành viên của WTO sẽ nỗ lực đạt được đồng thuận về an ninh lương thực và hạn chế xuất khẩu đối với thực phẩm.

Theo AFP, các nhà lãnh đạo LHQ cho biết họ sẽ làm việc với các thành viên WTO để giải quyết các hành vi kinh doanh phản cạnh tranh và không công bằng.

“Tích trữ, dự trữ quá nhiều thực phẩm cơ bản và đầu cơ, đặc biệt là trong thời kỳ thiếu lương thực toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền được hưởng lương thực và làm xói mòn nỗ lực đạt được an ninh lương thực cho tất cả mọi người” – AFP dẫn lời các lãnh đạo LHQ cho hay.

Chiến sự tại Ukraine đang làm gia tăng lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu, khi các cảng ở Biển Đen của Ukraine bị phong tỏa, ngăn nước này xuất khẩu hàng hóa, theo AFP.

Trước khi chiến sự nổ ra vào tháng 2, Ukraine là nhà cung cấp lúa mì và ngô lớn thứ tư thế giới.

Hôm 25-5, bà Ngozi Okonjo-Iweala - Tổng giám đốc WTO – đã kêu gọi các nước không ngưng hoặc hạn chế xuất khẩu các thực phẩm cơ bản.

Lời kêu gọi của lãnh đạo WTO được đưa ra cùng ngày với thông báo của Ấn Độ về việc hạn chế lượng đường xuất khẩu ở mức 10 triệu tấn trong tài khóa tính đến tháng 9-2022.

Hôm 13-6, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) - ông Valdis Dombrovskis - đã gặp Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ - ông Piyush Goyal – tại WTO để đàm phán.

“Chúng tôi cần tất cả thành viên thể hiện cùng mức độ tham vọng và tinh thần thỏa hiệp để làm nên thành công của hội nghị cấp bộ trưởng WTO này” – ông Dombrovskis nói.

AFP

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm