Đầu tiên, Liên minh châu Âu (EU) khả năng vẫn sẽ tiếp tục mạnh tay cấm vận dầu Nga và tìm kiếm nguồn cung thay thế. Dữ liệu từ Kpler cho thấy nhập khẩu dầu thô từ Angola vào châu Âu đã tăng gấp ba lần kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine; nhập khẩu dầu thô từ Brazil và Iraq vào khu vực này cũng tăng tương ứng 50% và 40%. Việc châu Âu tìm kiếm nguồn dầu từ những nước xa xôi như vậy sẽ giữ giá dầu ở mức cao, vì chi phí vận chuyển sẽ tăng do dầu phải đi đường dài.
Tiếp theo, dù chính quyền các nước có thể triển khai một vài biện pháp để giảm nhiệt giá dầu, bao gồm trợ cấp giá xăng dầu và áp trần giá bán lẻ xăng dầu nhưng giải pháp hữu hiệu nhất là tăng nguồn cung lại bất khả thi.
Theo Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA), Nga đóng góp đến 14% nguồn cung dầu toàn cầu. Các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã tạo ra khoảng trống lớn trên thị trường. IEA cho biết kể từ tháng 4, lượng dầu sản xuất của Nga đã giảm gần 1 triệu thùng/ngày và mức giảm này có thể lên đến 3 triệu trong nửa cuối năm nay. Các thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ mở rộng (OPEC+) đã nhất trí sẽ bơm thêm 648.000 thùng dầu/ngày trong tháng 7 và tháng 8, nhiều hơn trên 300.000 thùng/ngày so với dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, thỏa thuận sản lượng này đã bao gồm cả Nga trong khi sản lượng từ nước này trên thực tế đang tụt dốc.
Cuối cùng, bất chấp nguồn cung dầu toàn cầu giảm, nhu cầu tiêu thụ lại không hề giảm. Nhiều tháng qua, chiến lược “zero COVID” và các lệnh phong tỏa ở Thượng Hải, Bắc Kinh và nhiều TP lớn khác tại Trung Quốc đã kìm hãm nhu cầu dầu của quốc gia nhập dầu lớn nhất thế giới này. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bắt đầu gỡ dần các hạn chế và nhu cầu tăng trở lại có thể kéo giá dầu lên cao.
Ông Smith không cho rằng nhu cầu tại Trung Quốc sẽ “tăng vọt”, do các lệnh hạn chế chỉ được gỡ bỏ dần dần. “Tuy nhiên, vì rào cản lớn nhất đã được gỡ bỏ, giá sẽ có nhiều lý do hơn để neo quanh mốc hiện tại” - chuyên gia này giải thích.